Người Việt đang dùng 4G như thế nào

(ICTPress) - Nhiều thông tin đáng chú ý về tình hình phát triển 4G LTE tại Việt Nam đã công bố tại Hội thảo quốc tế 4G LTE với chủ đề “Phát triển đa dạng hóa dịch vụ 4G LTE nhằm mang lại chất lượng và hiệu quả cho tổ chức và người tiêu dùng” do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức hôm nay 27/7 tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Trần Tuấn Anh, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết hiện có gần 60 triệu thuê bao băng rộng, trong đó có khoảng 48 triệu thuê bao di động băng rộng (gồm cả 3G và 4G). Hiện nay, theo báo cáo, các doanh nghiệp đã triển khai đươc 43.000 trạm thu phát sóng 4G trên toàn quốc, theo tính toán đã đảm bảo nhu cầu phục vụ khoảng 95% dân số.

Được biết, sau khi được cấp phép 4G tại Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông Viettel, VNPT-Vinaphone, MobiFone là những doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dịch vụ trên toàn quốc.

Theo ông Tuấn Anh, trong thời gian ngắn triển khai 4G thì tỷ lệ phát triển như trên cũng là tương đối nhanh. Tuy vậy, so với một số nước trên thế giới, tốc độ phát triển 4G so với 3G tại Việt Nam lại không phải cao. 

Để đo lường người sử dụng 4G tại Việt Nam, Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG đã tổ chức điều tra hành vi người sử dụng đối với 4G LTE ở Việt Nam và các kết quả điều tra đã được công bố tại Hội nghị.

Theo IDG, điều tra được thực hiện trong 3 tháng, từ 1/4 - 1/7/2017, chủ yếu 8 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu và Đà Nẵng. Điều tra thực trên 8 vấn đề với 24 nội dung liên quan. Đã có 13.828 trả lời được trích từ 40.000 mẫu.

Các đối tượng được hỏi là sinh viên, giáo viên, lao động chân tay, nội trợ, bác sĩ, kế toán, làm nghề tự do, kỹ sư… có các mức độ lương dưới 3 triệu đồng, 3 - 5 triệu đồng, 5 – 10 triệu đồng, hơn 20 triệu đồng. Độ tuổi được điều tra là: 15 – 20, 21 – 30, 31 - 40, 41 – 50, 51 – 60, hơn 60 tuổi.

Theo đó, điều tra đưa ra một số nội dung gồm 88% người sử dụng ở Hà Nội và TP. HCM, 74% người sử dụng là sinh viên, người làm nghề tự do và lao động chân tay, 51% người sử dụng hàng tháng có thu nhập 5  - 10 triệu đồng, 38% người sử dụng có đội tuổi từ 20 - 30.

Điều tra cũng thực hiện điều tra Mức độ hài lòng dịch vụ 4G theo nhóm nội dung, mỗi nhóm lại có 4 nội dung được điều tra theo 5 mức độ: Rất hài lòng, hài lòng, bình thường, không hài lòng, rất không hài lòng.

Nhóm 1: người được hỏi trả lời 4 nội dung: Độ mạnh của sóng, độ bao phủ của sóng, sự ổn định của sóng và  kết nối ổn định trong những giờ cao điểm (ngày lễ, cuối tuần) theo 5 mức như trên.

Theo ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam và ASEAN, kết quả đáng chú ý ở nhóm này “56% người lao động tự do (lái xe Uber, Grab…) thỏa mãn với sự ổn định của 4G”.

Nhiệm vụ của những nhà mạng là sẽ chuyển đổi 37% số người “băn khoăn” về “sự tin cậy hoàn toàn” vào sự ổn định 4G. 7% số người thuộc nhóm này không hài lòng về sự ổn định của 4G, ông Tâm cho biết thêm.

Nhóm 2: người trả lời trả lời về 4 tiêu chí: Tải xuống, tải lên, xem tivi và phim trực tuyến, sử dụng 4G để vào mạng xã hội theo 5 mức. Điều đáng chú ý rút ra từ nhóm trả lời này là 58% người chơi game/giải trí di động hài lòng với tốc độ 4G. 33% số người trả lời là “bình thường”. 9% số người trả lời nhóm đánh giá này cho biết không hài lòng về tốc độ 4G.

Nhóm 3: người trả lời trả lời 4 nội dung: Giá/chi phí, Dễ thay đổi và nâng cấp SIM, Tiếp thị và Khuyến mãi, Trung tâm gọi và cửa hàng dịch vụ.Ở nhóm này, đáng chú ý 17% người sử dụng không hài lòng với gói và giá 4G. 79% người sử dụng mong muốn nhiều quảng cáo và chiến dịch tiếp thị hơn cho 4G.

Kết quả điều tra cũng cho biết: 29% số người sử dụng 4G cho công việc (thanh toán, thương mại, quảng cáo, hội nghị) và 56% khách hàng sử dụng 4G cho giải trí (mạng xã hội, phim, truyền hình, âm nhạc, trò chơi).

Ông Tâm cũng lưu ý là mạng 4G chưa được triển khai mạnh tại các san bay, các đường quốc lộ.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam thông tin về phát triển 4G LTE trên thế giới và Việt Nam

Đánh giá cao việc triển khai 4G tại Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết việc triển khai hạ tầng 4G tại Việt Nam cũng sẽ nâng cao hạ tầng CNTT-TT đưa băng rộng đến nông thôn giúp VN thực hiện các chương trình chính phủ điện tử, hạ tầng băng rộng đến nông thôn và nhiều dự án CNTT-TT lớn khác mang đến những cơ hội mối cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và lợi ích nhiều bên, nhiều ngành trong xã hội.

Ông Nam cũng cho biết công nghệ 4G LTE sẽ tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu Hiện nay, đã có 581 mạng 4G LTE được triển khai và thương mại hóa ở 186 quốc gia. 

"Hiện, các nhà mạng ở 47 quốc gia đang chuẩn bị để đưa ra tốc độ 4G đạt ngưỡng Gigabit và với công nghệ modem X20 của Qualcomm, các thiết bị 4G hiện nay có thể đạt tốc độ trao đổi dữ liệu lên tới 1.2Gbps," ông Nam nói.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam không phải ngoại lệ, các chuyên gia nhận định, chúng ta đang triển khai thành công 4G LTE và là nền tảng để hướng tới 5G vào năm 2020, khi đòi hỏi hạ tầng viễn thông là hạ tầng đảm bảo kết nối mạng tốc độ cao và liên tục.

Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh băng rộng di động ngày sẽ vai trò quan trọng nhất khi nhiều người sử dụng truy nhập Internet đều qua điện thoại di động. Hạ tầng mạng viễn thông đóng vai trò quan trọng để thực hiện mọi kết nối, mọi nhu cầu của xã hội ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi lúc.

Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì hạ tầng không dây băng rộng vô cùng quan trọng. Chính hạ tầng này sẽ thúc đẩy sự phát triển của mọi loại hình công nghệ, dịch vụ, đặc biệt là IoT (Internet vạn vật) vào đời sống.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhấn mạnh: "Năm 2017 được đánh giá là thời điểm triển khai mạnh mẽ mạng 4G tại Việt Nam"

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhấn mạnh năm 2017 được đánh giá là thời điểm triển khai mạnh mẽ mạng 4G tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo cơ hội cho sự phát triển bùng nổ các loại hình dịch vụ trên nền tảng 4G. Với việc tốc độ kết nối, truy cập dữ liệu tăng, các dịch vụ Internet truyền thống sẽ nhanh chóng dịch chuyển, đáp ứng nhu cầu người sử dụng mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý hàng loạt các dịch vụ/ứng dụng khác sẽ phát triển như dịch vụ trên nền tảng IoT, các ứng dụng cho thành phố thông minh,… Việc đa dạng hoá các dịch vụ trên nền tảng 4G LTE không chỉ đem lại doanh thu/lợi nhuận cho riêng các doanh nghiệp viễn thông mà sẽ kéo theo cả hệ sinh thái các dịch vụ/ứng dụng phát triển trên đó.

HM

Tin nổi bật