“Muốn kết nối IoT phải triển khai IPv6”

(ICTPress) - Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Giám đốc VNNIC đã gửi đi thông điệp trên tại Hội thảo “Internet of things” được Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức nhân ngày Internet Việt Nam 19/11.

“Internet of Things” (Internet của vạn vật) (IoT) là kết nối mọi đối tượng với nhau. Internet có hơn 40 năm và từ 2008 - 2009 xuất hiện Internet of Things. IoT có khả năng tích hợp tích hợp dữ liệu và kết nối với môi trường xung quanh. Ứng dụng IoT hiện nay có thể thấy là nhà thông minh, giao thông thông minh…

IPv6 đáp ứng kết nối IoT

Khi muốn kết nối, chúng ta cần địa chỉ IP. Kết nối Internet hiện nay đang sử dụng địa chỉ IPv4 có 32 bit, không nhiều địa chỉ. Từ năm 2011, địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt. Giải pháp duy nhất cho việc này, theo ông Nguyễn Hồng  Thắng là chuyển đổi sang không gian địa chỉ mới, IPv6 đánh số các đối tượng kết nối với nhau, không gian địa chỉ sử dụng lớn hơn sử dụng 128 bit. Tình trung bình 1km2 trên trái đất có 1 địa chỉ IPv6, đủ để cho các đối tượng kết nối - IoT. Ngoài ra, IPv6 có những ưu việt hơn như Plug-and-Play phù hợp với IoT, kết nối end-to-end, hỗ trợ bảo mật mặc định. Trong IoT, vấn đề bảo mật và riêng tư rất quan trọng. Và đặc biệt 4G LTE, IPv6 được mặc định.

Để chuẩn bị IoT, các "đại gia" công nghệ đã cho ra đời các platform để triển khai IoT, bao gồm Google, Samsung, Apple, LG, ATC, Sony… họ đã có nền tảng IoT hỗ trợ IPv6. EU cũng có dự án lớn về IoT để khai phá tiềm năng IoT trên nền tảng IPv6.

Ông Thắng cho biết một điểm đáng chú ý là kể từ ngày khai trương IPv6 trên toàn thế giới năm 2013, các "đại gia" làm nội dung lại đi đầu triển khai IPv6 dù họ không cạn kiệt IPv4 như các ISP gồm Facebook, Google, Netflix, Yahoo, Akamai rồi có sự xuất hiện các nhà mạng di động Comcast, AT&T, Vezion… đến các DN sản xuất thiết bị, phần mềm như Mozilla, và sau cho tới nay sau 3 năm thế giới triển khai, trung bình tốc độ triển khai IPv6 đạt 30 - 47%/năm, người dùng tăng 16%, cân bằng IPv4 - IPv6. Còn theo Google, số người sử dụng của Google là 3,5%, số liệu 18/11/2015 là 9,5%, tăng khoảng 3 lần trong 1 năm.

Để đón đầu xu hướng phát triển IoT, Phó Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng cho biết, Việt Nam đã khai trương IPv6 năm 2014, và các doanh nghiệp ISP trong nước đã cùng VNNIC kết nối, hình thành nền tảng IPv6. Nhưng điểm mấu chốt là chưa có người dùng bởi chưa có nội dung. Ở Việt Nam, mới chỉ có 35 website kết nối IPv6 nhưng các trang này có lưu lượng xem thấp. Các trang nội dung lớn là các báo điện tử lớn dantri, vietnamnet, vnexpress… có lượng bạn đọc lớn lại chưa kết nối IPv6.

Ông Thắng cho biết thêm năm 2015 là năm cuối cùng hành động IPv6 để cung cấp dịch vụ, thì mới chỉ có FPT Telecom tuyên bố cung cấp dịch vụ trên nền tảng IPv6 đến 200.000 khách hàng băng rộng vào tháng 12/2015. Còn lại các ISP, CSP, các nhà sản xuất thiết bị, phần mềm, phần cứng, các cơ quan chính phủ… vẫn đang dẫm chân tại chỗ, câu chuyện “con gà quả trứng” đang xảy ra bởi chúng ta không biết chưa biết ai đi trước, phải có chính sách thúc đẩy, phải có hỗ trợ mới làm.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn. Doanh thu dự báo từ IoT là khoảng 1,7 tỷ USD vào năm 2020. “Làm thế nào để chúng ta lấy được vài phần trăm nào đó của 1,7 tỷ USD, câu trả lời quay về khái niệm ban đầu của IoT là kết nối và muốn kết nối thì phải triển khai IPv6”, đại diện cho VNNIC đã cho biết đây là thông điệp của VNNIC muốn các bên quan tâm và ứng dụng.

FPT Telecom sẵn sàng cho IoT

Tại Hội thảo này, đại diện của FPT Telecom cho hay công ty này vừa được đánh giá chất lượng kết nối IPv6 xếp thứ 74 thế giới. Vị đại diện này cho hay, triển khai IPv6 không khó khăn, khó khăn là ở phổ biến ứng dụng, chứ không phải thiết bị, mạng, bởi nội dung không phổ biến. Hiện nay, 70 - 80% nội dung nằm ở Mỹ.

Chúng ta “cần có sự thay đổi nhận thức và phổ cập IoT để thay đổi chính sách nội dung trên thế giới” đại diện của FPT Telecom kêu gọi.

IoT là một sự bùng nổ trong giai đoạn sắp tới, làm bùng nổ Internet thế giới. “Trước thách thức của IoT, FPT Telecom xây dựng các dịch vụ nội dung phong phú, trung tâm dữ liệu lên cloud để lưu trữ dữ liệu, nhu cầu kết nối cho khách hàng trong thời gian tới đảm bảo kết nối, gia tăng hiệu quả của mạng lưới”, đại diện của FPT cho hay.

Cơ hội trong thế giới IoT từ triển khai IPv6

Trong khi đó đại diện nhà cung cấp Internet NetNam, ông Lý Quang Dũng cho hay đơn vị này từ năm 2013 cho đến nay có nhiều giải pháp, ứng dụng trên nền IPv6 đã được Netnam nghiên cứu và triển khai cho rất nhiều khách hàng, có thể liên quan đến người dùng, website và smartphone.

Đối với một ISP như Netnam, thách thức lớn nhất là sự chuyển đổi sang IPv6. Việc bây giờ là kịp thời chuyển đổi IPv6 cho chính Netnam và tất cả các khách hàng đang sử dụng dịch vụ của khách hàng. Sau khi cung cấp chuyển đổi IPv6 thì một điều quan trọng hơn là có những dịch vụ, giải pháp và đặc biệt giá trị gia tăng để tối ưu khách hàng trên nền tảng IPv6. “Netnam sử dụng IPv6 như là một công cụ để tham gia vào thế giới IoT”, ông Dũng đã khẳng định.

Ông Dũng nêu lý do trong xu thế IoT, tất cả các doanh nghiệp ISP sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Cơ hội là thị trường, có thể được mở rộng khắp mọi nơi bởi thế giới phẳng. Chúng ta đã được nghe rất nhiều hệ thống lớn như giao thông thông minh, nhà máy thông minh… thậm chí quán café thông minh. “Chúng ta nghĩ sao khi đến cafe café, bạn đã được nhận dạng, được chào mừng, menu điện tử sẽ bật lên, hay lấy cốc café capuchino có thể quẹt thẻ, và tại chỗ ngồi có thể chọn bản nhạc theo mong muốn,…”.

Để có được trải nghiệm đó thì các hệ thống máy móc, cần có IP khác nhau để hỗ trợ trải nghiệm. “Với Netnam, IPv6 là con đường giao thức mà Netnam đã chọn để phát triển trong thế giới IoT và cơ hội rất là nhiều. Với những nỗ lực này, Netnam muốn gia tăng giá trị dành cho người dùng cuối, trải nghiệm và hài lòng cho khách hàng", đại diện của Netnam đã khẳng định.

HM

Tin nổi bật