Doanh nghiệp Việt sẽ bị đào thải nếu đóng cửa với cách mạng công nghiệp 4.0

(ICTPress) - Đó là sự đồng thuận của nhiều chuyên gia tại Hội thảo Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 22 (Vietnam ICT Outlook 2017).

Ảnh: Phạm Anh Phú (mediaonlinevn.com)

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 22 (Vietnam ICT Outlook 2017) được tổ chức tại Trung tâm hội nghị GEM vào ngày 20/09/2017, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học Tp. Hồ Chí Minh (HCA) đã thay mặt nhóm chuyên gia của HCA trình bày tổng quan về tình hình phát triển CNTT ở Việt Nam, những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp (DN) trước cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).

Cuộc CMCN 4.0 là một chủ đề “nóng”, gây nhiều quan tâm của tất cả các giới từ lãnh đạo, học giả, doanh nhân đến những công nhân, người lao động trực tiếp. Có nhiều cách tiếp cận 4.0 nhưng có thể đặc trưng bởi một số các yếu tố sau: Một quy trình chặt chẽ giữa các thiết bị máy móc; Tự động hóa (robot) trong sản xuất; Kết nối giữa các thiết bị bởi Internet (Internet of Things); Dữ liệu là nguyên liệu thô; Trí tuệ nhân tạo (AI) và có sự giao thoa giữa công nghiệp và CNTT.

CMCN 4.0 là giao thoa của công nghiệp và CNTT

Như vậy CMCN 4.0 trong các nhà máy bao gồm việc: Xây dựng nhà máy thông minh; kết nối các cảm biết, dây chuyền vào một hệ thống trung tâm thân thiện, linh hoạt, hiệu quả và thu thập dữ liệu (lớn) nhằm phân tích, dự báo và ra quyết định cho việc sản xuất thông minh hàng loạt giúp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và tăng hiệu quả cũng như lợi thế cạnh tranh của DN sử dụng CNTT hiện đại, thông minh.

Mô hình nhà máy thông minh

Ông Tuấn nhận xét: Ở Việt Nam, các DN chủ yếu là DN nhỏ và vừa (SME) (chiếm 96% tổng số DN) có những đặc trưng cơ bản như: Nhà máy sản xuất ở mức dây chuyền cấp thấp; Bắt đầu có tự động hóa. Sử dụng Robot bằng không; Ứng dụng CNTT trong DN mới được quan tâm và đang ở mức trung bình; Tính kết nối tạo hệ sinh thái giữa DN – DN chưa được hình thành; Chưa tích cực kết nối, chia sẻ dữ liệu, cùng nhau phát triển mô hình kinh doanh mở; Chưa hiểu rõ về CMCN 4.0; Tâm lý ngần ngại trong đầu tư ứng dụng CNTT vì lo lắng hiệu quả đầu tư còn rất phổ biến trong giới chủ DN SME. Những điều này cản trở DN trong việc tận dụng những cơ hội từ CMCN 4.0.

Tuy nhiên, trước những thách thức, DN Việt Nam cũng có những cơ hội mà chúng ta đã tuột mất từ những cuộc CMCN lần trước: Có cơ hội thừa hưởng những công nghệ mới hơn và tân tiến hơn; Phạm vi và chiều sâu dẫn đến những thay đổi chưa có tiền lệ trong mô hình kinh tế, kinh doanh, xã hội, và cá nhân trong đó có các SME Việt Nam; Có cơ hội tham gia vào mắt xích chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ tác động chuyển đổi của toàn bộ hệ thống, trên khắp (và giữa) các quốc gia, các công ty, các ngành công nghiệp và toàn thể xã hội.

Trước xu hướng CMCN lần thứ 4, DN phải thay đổi hay là chết! Điều quan trọng của DN Việt Nam là từ ý thức được ý nghĩa sống còn, phải thay đổi để đương đầu với những thách thức và tận dụng những cơ hội của CMCN 4.0 đến việc cần hiểu đúng và có kế hoạch, lộ trình cho phù hợp. 

Lộ trình thay đổi của doanh nghiệp trước CMCN 4.0

 Tại Hội thảo, đại diện của Vụ CNTT (thuộc Bộ TT&TT) nhấn mạnh việc nắm bắt kịp thời các tiêu chuẩn quốc tế và triển khai các tiêu chuẩn này sẽ là thế mạnh của các DN trong xu hướng CMCN 4.0.

Sao Bắc Đẩu, một đơn vị thuộc Top 5 ngành CNTT cũng mang đến hội nghị những kinh nghiệm quan trọng trong việc triển khai các giải pháp về CNTT trong kỷ nguyên CMCN 4.0. Trong thời gian qua, công ty Sao Bắc Đẩu đã tập trung vào 8 ngành công nghiệp chính, phát triển 20 bộ giải pháp liên quan tới CMCN 4.0. Các chuyên gia của Sao Bắc đẩu có kinh nghiệm trong việc triển khai dự án với quy trình nghiêm ngặt.

Quy trình triển khai dự án CNTT của Sao Bắc Đẩu

Một vấn đề quan trọng là Việt Nam chúng ta đang khuyến khích một tinh thần khởi nghiệp (startup). Số lượng rất lớn startup hoạt động trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tiên phong, giáo dục, dịch vụ. Những SME, Start Up có tiềm năng ứng dụng nền tảng hạ tầng nhanh chóng, có ý tưởng đột phá giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội để phát triển nhanh chóng, vượt trội. Những Start up này cần một môi trường và hệ sinh thái để phát triển.

Theo GS Nguyễn Quân, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp cần 05 thành tố, đó là:

Nguồn cung công nghệ: (DN cung cấp giải pháp, hạ tầng kết nối, viễn thông, CNTT, các viện nghiên cứu công nghệ, công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài...)

Nguồn cầu công nghệ: (DN, người dân);

Nhà đầu tư: (đặc biệt là sự tham gia từ các quỹ đầu tư mạo hiểm).

Hệ thống các tổ chức dịch vụ: (đội ngũ đánh giá, thẩm định, tư vấn công nghệ của startup; các bên chuyển giao công nghệ giữa hiệp hội - DN - người tiêu dùng...);

Sự tham gia của chính phủ: về định hướng, chỉ đạo về hệ thống luật pháp kinh doanh - đầu tư - khởi nghiệp là yếu tố quan trọng.

Đại diện công ty CMC, nhà cung cấp giải pháp CNTT hàng đầu ở Việt Nam, cũng giới thiệu tại hội thảo Gói giải pháp (Đường truyền - Tổng Đài - Đầu số 710 - Điện thoại Voice IP - Hosting) để giúp Start up có thể khởi nghiệp thành công.

Những DN sử dụng gói này được: Giảm 25% trên giá niêm yết, Giảm thêm 16,5% giá cước kết nối nếu DN thanh toán theo năm; Tư vấn và thực hiện thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp; Đánh giá nhu cầu, mức độ ứng dụng CNTT; Lập giải pháp tối ưu cho Start-up; có Project manager điều phối lộ trình triển khai hạ tầng, Ứng dụng và kết nối CNNT theo yêu cầu tiến độ của Start up với chính sách ưu đãi đặc quyền cho Start up.

Chủ đề lớn trong CMCN 4.0 là Internet Vạn vật (Internet of Things). Đại diện VNPT, ông Hoàng Quốc Trường, Phó Giám đốc VNPT Tp. Hồ Chí Minh giới thiệu tại hội thảo những giải pháp của VNPT trong lĩnh vực Internet Vạn vật (Internet of Things).

Giải pháp "nông nghiệp thông minh" (nông nghiệp 4.0) của VNPT được phát triển trên nền tảng Smart Connected Platform do chính Tập đoàn phát triển, tập trung vào các hệ thống cảm biến quan trắc và dự báo thời tiết, quản lý và điều khiển hệ thống tưới tiêu tự động, phân tích chất lượng nước và không khí, camera giám sát trang trại, bẫy côn trùng.

Nền tảng kết nối SCP của VNPT

Tóm lại, CMCN 4.0 chính là sự giao thoa giữa ngành công nghiệp và ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở giai đoạn đầu, DN nên ứng dụng CNTT trước, có thể bắt đầu từng bước từ những cái nhỏ, có thể thực hiện được;  Rồi có thể nghiên cứu, ứng dụng nền tảng công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things), ví dụ như trang bị các cảm biến kết nối internet; Sau đó mới tính đến việc trang bị quy trình tự động hoá, sử dụng robot trong quy trình sản xuất…

Thế giới đã bước vào CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Đóng cửa lại với CMCN 4.0 đồng nghĩa với khả năng DN bị đào thải khỏi cuộc chơi rất cao. DN nào biết và ứng dụng thế mạnh của CMCN 4.0 sẽ có năng lực cạnh tranh vượt bậc. DN Việt Nam phải tự hoạch định ra cho mình lộ trình tìm hiểu và ứng dụng CMCN 4.0 vào DN mình một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

Đào Trung Thành

Tin nổi bật