Đề xuất tắt sóng truyền hình tương tự theo vùng phủ tại 5 thành phố thuộc TW

(ICTPress) - Đây là phương án được Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam thống nhất sáng nay 16/12 để trình Ban Chỉ đạo quyết định để triển khai ngừng phủ sóng truyền hình tương tự tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng theo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam đến năm 2020.

Ưu điểm của phương án này là không phải đầu tư thêm hệ thống các đài phát lại truyền hình tương tự tại 5 thành phố trực thuộc trung ương theo đúng lộ trình số hóa đã vạch ra. Nhu cầu trang bị đầu thu truyền hình số trong giai đoạn đầu sẽ tăng cao, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường đầu thu set-top box (STB), tạo nguồn cung phục vụ cho quá trình số hóa truyền hình.

Cũng theo phương án này, sẽ có một phần địa bàn của các tỉnh nhóm II phải thực hiện chuyển đổi từ thu truyền hình tương tự sang truyền hình số cùng với các thành phố thuộc nhóm I. Thực hiện theo phương án này, vấn đề phải thiết lập hệ thống bù sóng truyền hình tương tự tại các khu vực lân cận sẽ hết. Nhà cung cấp dịch vụ phải xác định và công bố vùng phủ sóng truyền hình số theo quy chuẩn.

Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, thường trực Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo đề án số hóa cho biết lựa chọn phương án tắt sóng truyền hình tương tự tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương theo vùng phủ sóng, thực hiện hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng, kể cả các tỉnh lân cận để thúc đẩy quá trình số hóa tại Việt Nam.

Theo tính toán, số hộ nghèo, cận nghèo chịu ảnh hưởng khi tắt sóng truyền hình tương tự tại các thành phố lớn theo phương án này có tổng số hộ nghèo thuộc diện hỗ trợ là 212.134 hộ, tổng số hộ cận nghèo thuộc diện hỗ trợ là 233.462 hộ.

Chi phí hỗ trợ STB cho giai đoạn 1 của phương án được Cục Tần số Vô tuyến điện rơi vào khoảng 260 - 268 tỷ đồng (Với mức hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, hộ cận nghèo lần lượt là 100%, 100% và 80%).

Kế hoạch số hóa truyền hình được thực hiện theo 4 giai đoạn với 4 nhóm tỉnh thành trên cả nước, cụ thể:

Giai đoạn I thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội (cũ), TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ dự kiến sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất và chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015.

Giai đoạn II thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 26 tỉnh tiếp theo gồm Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016.

Giai đoạn III thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 18 tỉnh tiếp theo gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2018.

Giai đoạn IV thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông; dự kiến ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2020.

HM

Tin nổi bật