DN sản xuất phần mềm, khởi nghiệp mong có chính sách hỗ trợ tốt hơn

(ICTPress) - Viện công nghiệp phần mềm và nội dung số (CNPM&NDS), Bộ TTTT phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số vừa tổ chức Tọa đàm thực trạng và những điểm nghẽn chính sách của ngành CNPM Việt Nam.

Tọa đàm được tổ chức để tham vấn các doanh nghiệp (DN), chuyên gia, các nhà nghiên cứu chính sách để xác định được các hạn chế của ngành CNPM, xác định các điểm mấu chốt cần thay đổi về mặt chính sách, để đề xuất xây dựng chính sách liên quan cho phát triển CNPM trong giai đoạn tiếp theo.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

DN sản xuất phần mềm muốn được hỗ trợ tốt hơn

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho biết Luật CNTT đã có quy định về CNPM. Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 3/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật CNTT về công nghiệp CNTT quy định về hoạt động CNPM và sản phẩm phần mềm.

Trong năm 2016, doanh thu CNPM là 3,038 tỷ USD; Kim ngạch xuất khẩu CNTT ước đạt 60,789 tỷ USD trong đó phần mềm là 2,491 tỷ USD (chiếm khoảng 4,1%); Số lao động CNPM chiếm 27,4% trong số lao động ngành CNTT.

Năm 2016 cũng được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, gần 1500 DN khởi nghiệp (startups) hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực CNTT (trong đó, sáng tạo giải pháp phần mềm chiếm một phần lớn).

Cũng theo ông Đồng, chủ yếu các DN ngành CNTT mạnh về gia công phần mềm. Theo khảo sát năm 2015, 64% DN làm outsourcing, 36% DN làm sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Đồng cho biết tỷ trọng doanh thu CNPM/doanh thu CNTT năm 2016 giảm 3 lần so với năm 2008 (2016: doanh thu CNPM/CNTT 4,49%, năm 2008, doanh thu CNPM/CNTT: 13%). “Măc dù xu hướng phát triển của ngành CNPM có xu hướng tăng nhưng lại không theo kịp tốc độ tăng trưởng của ngành CNTT nói chung”, ông Đồng cho hay.

Đứng trước các cơ hội phát triển ngành CNPM, một số DN làm phần mềm tham gia tọa đàm đã nêu nhiều vấn đề về các chính sách liên quan như thuế, Bảo hiểm xã hội… để có thể hỗ trợ DN phát triển.

Đại diện một công ty phần mềm cho hay chi phí sản xuất phần mềm theo văn bản hướng dẫn rất thấp vì theo mức lương của Nhà nước, tuy nhiên, thực tế chi phí ngoài DN và thị trường ngoài nhà nước rất cao, không phù hợp nên việc xây dựng bảng giá cho sản phẩm phần mềm rất khó khăn. Đây là vấn đề chung của nhiều DN trong lĩnh vực này.

Vấn đề bảo hiểm xã hội từ năm 2018 cũng sẽ rất khó khăn cho DN CNTT nói chung, DN sản xuất phần mềm nói riêng. Hầu hết chi phí của DN CNTT là lương cho nhân sự (mức lương cho CNTT khá cao so với các ngành nghề khác). Tuy nhiên, với việc tăng mức đóng (tổng thu nhập) từ năm 2018 thì mức đóng của nhân viên làm việc trong các DN CNTT sẽ rất cao và các DN sẽ không đủ chi phí để trang trải hoặc không trả mức lương tương xứng cho nhân viên.

Vấn đề thuế thu nhập cá nhân được ưu đãi hiện nay cũng chưa được áp dụng nhiều. Một số DN cho rằng tuy là có quy định về việc ưu đã thuế thu nhập cá nhân cho DN CNTT xong thực tế ưu đãi này chưa được áp dụng và rất khó khăn. Nguyên nhân là do tuy đã có Nghị quyết của Chính phủ, có Luật ban hành xong chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn một cách cụ thể việc ưu đãi thuế thu nhập cá nhân như thế nào. Vì phần lớn chi phí của DN là cho nhân sự nên nếu việc giảm thuế này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các DN CNTT phát triển.

Một vấn đề nữa có thể khó cho DN phần mềm được công ty phần mềm này nêu lên là vấn đề chi phí thuê địa điểm cũng còn cao. Các DN nhỏ làm CNTT hiện nay không có đủ kinh phí để trang trải thuê trụ sở nếu giá thuê cao. Đại diện một công ty phần mềm cho hay cho hay giá thuê địa điểm ở Hà Nội cao hơn ở TP. HCM cũng gây khó khăn cho DN.    

Trong khi đó, đại diện công ty công nghệ khác đã trao đổi về ưu đãi thuế. Theo công ty này, khi muốn đăng ký nhận ưu đãi thuế, công ty cần chứng minh bằng các giấy tờ, văn bản đã thực hiện các công việc gì trong năm. Tuy nhiên có những dự án kéo dài vài năm thì công ty sẽ không biết thủ tục báo cáo như thế nào.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Điệp, Vụ CNTT cho biết đúng là hiện nay Bộ TTTT có quy định các DN phần mềm phải có báo cáo hàng năm về tình hình sản xuất, tuy nhiên, hàng năm, Bộ vẫn có phiếu khảo sát gửi về các DN xong việc thực hiện khảo sát này chưa được các DN thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ phản hồi rất thấp mà cũng không có chế tài quy định xử phạt nếu DN không có phản hồi.

Một mặt, Bộ TT&TT cũng công nhận rằng việc các DN hiện nay có thể không nhận được vản bản khảo sát của Bộ do số lượng quá nhiều và thay đổi nhanh chóng. Điều đó cho thấy việc phối hợp và kết nối giữa DN và Chính phủ chưa được chặt chẽ.

Ông Điệp cũng cho hay trong khả năng của Vụ sẽ hỗ trợ tối đa cho các DN làm phần mềm và DN khởi nghiệp các giấy chứng nhận DN làm phần mềm, tạo điều kiện cho DN đăng ký ngành nghề kinh doanh.

Đại diện VTC Digicom lại nêu vấn đề định giá tài sản sở hữu trí tuệ để sử dụng trong việc huy động vốn của DN là rất khó.

Đối với các tài sản hữu hình rất dễ dàng để ngân hàng hay các tổ chức tín dụng định giá, tuy nhiên, phần mềm chưa có quy định cụ thể để có thể định giá chính xác được sản phẩm trí tuệ (thực hiện trước khi đăng ký sở hữu trí tuệ). Việc cần có quá nhiều giấy phép gây khó khăn cho các DN Startup, chính vì thế dẫn tới việc các DN sẽ ra nước ngoài để đăng ký và định giá sản phẩm phần mềm, sau đó quay trở lại Việt Nam hoạt động.

Startup Việt sang Singapore khởi nghiệp

Các chuyên gia tại tọa đàm cho biết trong 2 năm gần đây xuất hiện xu hướng DN khởi nghiệp Việt Nam sang Singapore khởi nghiệp. Dù đây là môi trường xa lạ, chi phí đắt đỏ cũng như còn một số điều kiện khó khăn khác. Tuy nhiên, Singapore có chính sách hỗ trợ DN tốt (thủ tục mở công ty đơn giản, miễn giảm thuế năm đầu tiên, hỗ trợ DN nước ngoài mở công ty tại nước sở tại), thị trường minh bạch, chính sách kinh doanh cởi mở, quản lý hiện đại, do đó các công ty được cạnh tranh lành mạnh với nhau.

Chính sách quản lý của Việt Nam chưa theo kịp xu hướng kinh doanh mới trên Internet, thủ tục còn rườm rà và chính sách thuế chưa hợp lý. Ví dụ, ở Việt Nam muốn phát hành một game mới phải xin các loại giấy phép, duyệt kịch bản, ràng buộc thủ tục khác nhau. Trong thời gian chờ được cấp phép thì cơ hội kinh doanh đã qua đi. Trong khi đó, ở Singapore chỉ cần tải game lên cho ứng dụng là có thể phát hành toàn cầu.

Trên cơ sở một số vấn đề được nêu ra tại Tọa đàm, hai Viện nghiên cứu cho biết sẽ cần khảo sát thêm để có cái nhìn chuẩn xác về những khó khăn trong việc thực thi các quy định pháp luật mà DN PM&NDS đang gặp phải từ đó kiến nghị các chính sách liên quan hỗ trợ DN phần mềm, khởi nghiệp phát triển.

HM

Tin nổi bật