DN cần chủ động tham gia nền kinh tế số để tăng cạnh tranh, tránh đào thải

(ICTPress) - Sáng nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có buổi làm việc với Hội doanh nhân trẻ VN. Tham dự buổi làm việc có các đơn vị thuộc Bộ.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn làm việc với Hội doanh nhân trẻ VN

Tại buổi làm việc, Hội doanh nhân trẻ VN đã cho biết vào ngày 3/6/2016, Hiệp hội sẽ tổ chức “Diễn đàn kinh tế tư nhân VN 2016 – Tiếng nói của Doanh nghiệp (DN) tư nhân VN”.

Diễn đàn sẽ là cơ hội để DN tư nhân VN có tiếng nói về những khó khăn, thách thức, cũng như cơ hội mà giới DN tư nhân đã và đang phải đối mặt. Đây cũng là nơi kết nối giữa các DN và các bên liên quan, nhằm hướng tới sự phát triển chung cho khu vực kinh tế tư nhân của VN trong những năm sắp tới.

Sự kiện này được tổ chức với phiên đầu tiên tập trung nội dung về “Kinh tế số”.

Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT thay mặt Hội đã cho biết nền kinh tế số đang gợi mở cả thách thức và cơ hội với DN như: Vận dụng sức vươn của Internet vào phục vụ cộng đồng và chiếm lĩnh thị trường quốc tế qua công cụ ảo; Đưa những định hướng phát triển và cơ chế quản lý dịch vụ CNTT ngày càng thông thoáng vào cuộc sống và kinh doanh; Chủ động và sáng tạo nâng cấp nguồn lực trong nắm bắt cơ hội kinh doanh có được từ chính sách vĩ mô cởi mở, nền tảng công nghệ không ngừng nâng cấp, sự bùng nổ các giải pháp kỹ thuật và dịch chuyển đầu tư quốc tế đang làm thay đổi cơ cấu thị trường thế giới và khu vực; Thị trường mở rộng, nhu cầu đa dạng trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là khi TPP và EVFTA có hiệu lực.

Sự chuyển dịch sang nền kinh tế số đòi hỏi cả sự lớn mạnh của một hệ sinh thái có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy DN mới tham gia vào nền kinh tế Internet cũng như những tương tác - gắn kết giữa nền kinh tế Internet với nền kinh tế truyền thống. Một nền kinh tế kỹ thuật số là một nền kinh tế ‘kết nối’ phổ biến và toàn diện mà hệ quả là sự tiếp cận Internet giá rẻ ở khắp mọi nơi, ông Ngọc đã nêu.

Theo đó, ông Ngọc đề nghị Bộ TT&TT tham gia đối thoại chính sách CNTT tại Diễn đàn. Hội cũng mong muốn có những chính sách khích, hỗ trợ thông qua những chính sách và biện pháp cụ thể dành cho ngành dịch vụ CNTT, các dịch vụ liên quan, ứng dụng công nghệ số vào giáo dục, sản xuất, kinh doanh và đời sống.

“VN đang đứng trước nhiều cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - IoT. Kinh tế số có thể giúp chúng ta rất nhiều”, ông Ngọc cho biết.

Tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT đã chia sẻ nhiều thông tin giá trị về xu hướng phát triển CNTT cho các DN thuộc Hội.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc đã hoan nghênh Hội có sáng kiếntổ chức Diễn đàn và cho biết Đảng và Nhà nước đánh giá cao vai trò của DN tư nhân trong nền kinh tế nhà nước. DN tư nhân có vai trò phát huy nguồn lực của xã hội .

Theo đó, bên cạnh việc các DN tư nhân, DN trẻ VN giúp đỡ, tham vấn cho Bộ TT&TT, và các Bộ ngành liên quan để có chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển phù hợp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã bày tỏ “mong muốn DN cũng cần ý thức trách nhiệm tham gia chủ động, tích cực vào nền kinh tế số để tăng cạnh tranh, tránh đào thải” vì DN VN chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Việc “bơi” ra biển lớn cần phải có chiến lược.

Bộ trưởng cũng mong muốn Hiệp hội lưu ý đến chiến lược phát triển của ngành Viễn thông – Công nghệ thông tin (VT-CNTT) VN. VN có thể trở thành trung tâm VT-CNTT của khu vực hay không? Theo Bộ trưởng, hiện nay hạ tầng VT-CNTT Việt Nam đã được đầu tư mạnh trong nước và các DN cần tận dụng để phát triển hiệu quả rộng mở ra khối Đông Nam Á. Ngoài VNPT, Viettel, MobiFone, các DN cần phải hướng tới thị trường của Đông Dương, Đông Nam Á và thậm xa hơn thay vì chỉ phát triển dịch vụ trong nước. Nhà mạng phải hướng tới VT-CNTT phục vụ xuất khẩu, đóng góp vào GDP. Nội dung truyền hình phải mở rộng ra nước ngoài để truyền tải văn hóa VN ra với thế giới.

Ngành VT-CNTT đang phát triển nhanh bền vững. Bộ TT&TT sẽ rà soát lại các cơ chế chính sách để tạo hành lang thông thoáng nhất để DN tham gia vào các thị trường. Các DN phát triển theo mục tiêu vì người dân, trong đó lưu ý tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tư nhân tham gia vào các chương trình ứng dụng CNTT của Nhà nước, quan tâm có những ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ TT&TT đang đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước trong lĩnh vực CNTT, chỉ đạo các DN nhà nước thuộc Bộ có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng vững chắc để tham gia vào ngành kinh tế số.

Bộ trưởng cũng lưu ý Hội quan tâm việc ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Mỗi loại hình DN có đặc thù, mô hình ứng dụng riêng, khác nhau. Các Hiệp hội ngành nghề nên có những trao đổi với các DN CNTT để xây dựng mô hình đối với từng ngành nghề. Bộ TT&TT sẽ có hướng dẫn trong lĩnh vực áp dụng.

“Bộ luôn sẵn sàng, đối thoại, trao đổi, đồng hành và phối hợp cùng với các Hiệp hội, ngành nghề tuyên truyền phổ biến về các điển hình DN tiên tiến, các mô hình ứng dụng CNTT thành công để chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng cho các DN”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.

Bộ trưởng cũng đề nghị Hội quan tâm đến các vấn đề an toàn thông tin, nguồn nhân lực... 

HM

Tin nổi bật