Cần xây dựng một thị trường Internet, nội dung số bình đẳng, bền vững

(ICTPress) - Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh Bộ TT&TT luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp (DN) viễn thông - Internet, nội dung số và ứng dụng trên Internet của Việt Nam, với mục tiêu cao nhất là hướng tới một thị trường Internet, nội dung số (NDS) bình đẳng và bền vững tại sự kiện sự kiện Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam Việt Nam ngày 22/11 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam

Theo Bộ trưởng, việc đồng hành để có nhiều hơn nữa các DN của Việt Nam tiến ra nước ngoài thành công, ghi sâu dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Bộ trưởng cho biết hiện nay Chính phủ, Bộ TTTT đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của CNTT, công nghiệp NDS và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet, song hành cùng sự phát triển của các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, trò chơi điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Vì vậy, cùng với thành tựu của các DN hạ tầng Internet như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, chúng ta cũng đã có nhiều DN NDS lớn như VTC, VNG, VCCorp. Các DN này không chỉ có được chỗ đứng vững vàng trong nước mà đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

Nhiều sản phẩm ứng dụng trên Internet do DN, cá nhân trong nước phát triển đã tạo được tiếng vang ở tầm quốc tế như trò chơi Flappy Bird) của Nguyễn Hà Đông, hay ứng dụng học trực tuyến Monkey Junior) - Giải nhất Cuộc thi Sáng kiến Toàn cầu 2016. Tốc độ tăng trưởng các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền Internet đang phát triển rất mạnh mẽ, nhiều công nghệ còn rất mới trên thế giới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, mã QR… cũng đã được các DN trong nước phát triển thành sản phẩm hoàn thiện, có khả năng thương mại hóa cao.

Đối với các cơ quan nhà nước, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hàng trăm dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai ở mức độ 3, mức độ 4, mang lại sự tiện ích và hiệu quả cho người dân và DN. Nhiều Bộ ngành, địa phương còn mở các tài khoản chính thức trên mạng xã hội để có thể tương tác với người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ người sử dụng. Đó là những nền móng cho các ứng dụng Internet ở cấp độ cao hơn, phức tạp và quy mô lớn hơn như Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế và giáo dục thông minh.

Để có được sự phát triển mạnh mẽ của của DN là nhờ có sự phát triển Internet tại Việt Nam và phải ghi nhận sự phát triển vượt bậc hạ tầng viễn thông, CNTT tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.

Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.

“So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng”, Bộ trưởng khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam thuộc Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đã dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực về số người sử dụng điện thoại di động. “Đây là tiền đề thuận lợi để chúng ta thúc đẩy, tăng cường việc phát triển hệ sinh thái Internet tại Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

20 năm trước, ngày 19/11/1997 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của Ngành TT&TT Việt Nam, đây là ngày đã diễn ra Lễ ấn nút mở cửa Internet, đưa Việt Nam chính thức kết nối với Internet - xa lộ thông tin, kho kiến thức khổng lồ của nhân loại.

Trong 20 năm phát triển vượt bậc của Internet, hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới đã cùng nhau xây dựng để biến Internet trở thành một nền tảng gắn kết mọi người ở khắp các quốc gia, để cùng nhau chia sẻ thông tin, kiến thức trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Tại Việt Nam hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách của cuộc sống. Từ một người nông dân, một người công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của chúng ta hiện nay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định bên cạnh những giá trị làm thay đổi sâu sắc, tích cực đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân Việt Nam, Internet cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Hiện nay lượng thông tin xấu độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, nhất là tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo. Ngoài ra, các vấn nạn như tấn công mạng, mất an toàn thông tin, thư rác, mã độc tống tiền đang nhằm vào các mục tiêu là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam hiện đang gia tăng cả về số lượng, quy mô và độ phức tạp. Trong thời gian vừa qua, Bộ TTTT và các Bộ ngành liên quan đã và đang thường xuyên, liên tục triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nêu trên.

Thế giới hiện nay đã bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, một ngành nghề nào có thể tách rời khỏi CNTT và Internet. Đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

Với tinh thần hợp tác cùng phát triển, Bộ trưởng mong muốn các bộ ngành, Cơ quan quản lý, Báo chí truyền thông, DN và đặc biệt là đông đảo người dân... hãy đồng hành cùng nhau trên hành trình đầy thách thức này, để “hội nhập kinh tế số” thành công.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trao Bằng khen cho Hiệp hội Internet Việt Nam

Cũng tại Lễ kỷ niệm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết thời gian qua, Internet đã đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, đã đem lại một sự thay đổi mạnh mẽ và sự chuyển hóa của cả đất nước trong xu hướng phát triển hội nhập, đem lại cơ hội lớn cho đất nước.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Internet ra đời, phát triển triển và đi vào cuộc sống, cần phải cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia kỹ thuật đã chung tay xây dựng Internet từ những ngày đầu, các nhà cung cấp dịch vụ chăm lo khách hàng, sự ủng hộ của người dùng – xã hội một nửa phần quan trọng của Internet, sự cổ vũ của truyền thông, bạn bè quốc tế.

“Tự hào về Internet và cũng sẵn sàng đón nhận thách thức trong thời gian tới, có quyền hãnh diễn, tự hào, tự tin với giới trẻ sẽ đưa Internet, CNTT… dành vị thế trên bản đồ thế giới”, đại diện của Hiệp hội nhấn mạnh.

Sự kiện Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức, tại Hà Nội với nhiều hoạt động hấp dẫn.

HM

Tin nổi bật