Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh thị trường di động 4G

(ICTPress) - Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã khẳng định tại Hội thảo Việt Nam – Hàn Quốc về công nghệ 4G LTE được tổ chức sáng nay 1/4/2016 tại Bộ TT&TT, Hà Nội.

Trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực ICT, sáng nay 1/4/2016, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Khoa học, ICT và Hoạch định tương lai Hàn Quốc đồng tổ chức Hội thảo chuyên đề LTE 4G Việt Nam – Hàn Quốc.

Tham dự Hội thảo, về phía Hàn Quốc có đại diện đến từ Bộ Khoa học, ICT và Hoạch định tương lai, SK Telecom, Korea Telecom và Samsung Điện tử. Về phía Việt Nam có đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, một số hiệp hội, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam, một số trường đại học.  

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh Việt Nam đặt ra mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và xác định Viễn thông-CNTT là một trong những công cụ then chốt để thực hiện mục tiêu này.

Cụ thể, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết định hướng phát triển Viễn thông - CNTT đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam cũng mới ban hành Chương trình phát triển băng rộng quốc gia trong đó nêu rõ nhiệm vụ xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phù dịch vụ trên toàn quốc. Đặc biệt, Chương trình nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng hạ tầng băng rộng di động 3G/4G phủ sóng 95% dân số vào năm 2020. Vì vậy, việc khẩn trương triển khai công nghệ di động băng rộng tiên tiến nhất như LTE-A đang tiếp tục dành được sự quan tâm của cả giới doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.

Trên thực tế, nắm bắt xu hướng về nhu cầu dịch vụ và phát triển công nghệ thông tin di động, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết Bộ TT&TT đã quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm LTE từ năm 2010. Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và các điều kiện khác, cuối năm 2015, Việt Nam đã hướng dẫn, cấp phép triển khai thử nghiệm công nghệ LTE/LTE-advanced.

"Trong năm 2016 này, trên cơ sở kết quả thử nghiệm các doanh nghiệp sẽ hoàn chỉnh phương án đầu tư – kinh doanh mạng 4G, Bộ TT&TT cũng sẽ hoàn chỉnh các cơ chế chính sách quản lý, đảm bảo tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững trên thị trường di động băng rộng", Thứ trưởng Phan Tâm tiếp tục khẳng định.

Hội thảo chuyên đề 4G LTE Việt Nam - Hàn Quốc

Được biết, LTE là một trong những công nghệ viễn thông di động nhanh nhất (hay còn được gọi là mạng viễn thông 4G) cung cấp cho người dùng dịch vụ dữ liệu di động nhanh gấp 10 lần so với 3G. Lấy một ví dụ đơn giản, khi sử dụng mạng 4G, người dùng có thể tải dữ liệu đa phương tiện như một video ca nhạc có dung lượng 100 MB chỉ trong vòng 3 giây trong điều kiện tối ưu nhất.

Với sự phát triển rộng rãi của LTE trên toàn cầu, hiện nay có tổng cộng 480 mạng LTE đang được triển khai tại 157 quốc gia với kỳ vọng có khoảng hơn 1 tỷ thuê bao đăng ký trên toàn thế giới vào cuối năm 2015.

Một trong những thách thức chính được các đại diện của Hàn Quốc đề cập tại Hội thảo là sự phát triển bùng nổ của lưu lượng dữ liệu di động. Vào thời điểm năm 2009, chỉ 3 năm sau khi mạng 4G LTE được đưa vào triển khai tại Hàn Quốc, lưu lượng dữ liệu di động đã chiếm 99% tổng lưu lượng toàn hệ thống mạng. Nguyên nhân chính của sự chuyển dịch này đến từ các dịch vụ video mới và tiên tiến.

Theo số liệu của phía Hàn Quốc, tính đến cuối năm 2015, trung bình một người 4G LTE sử dụng 4,3 Gigabytes (GB) một tháng trong khi người dùng 3G chỉ sử dụng 0,7GB. Trong đó, lưu lượng dữ liệu video chiếm 57% toàn bộ mạng dữ liệu toàn cầu.

Để đẩy nhanh tiến độ thương mại hóa mạng 4G LTE nhằm đáp ứng cho thị trường đầy tiềm năng này, các nhà mạng mới đây đã xây dựng hạ tầng mới để phát triển mạng 4G LTE tách biệt với các mạng đang hoạt động khác. Theo đó, Chính phủ cũng sẽ đưa ra các chính sách phân bổ tài nguyên tần số giữa các mạng cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

HM

Tin nổi bật