70% người dùng smartphone thường xuyên chia sẻ ảnh cá nhân

(ICTPress) - Ericsson ConsumerLab công bố một nghiên cứu về sự chia sẻ thông tin và những quyền lực mới liên quan tới người dùng smartphone đáng chú ý.

Nghiên cứu này được thực hiện trong quý 2 năm 2015 qua các khảo sát trực tuyến với 5.025 người sử dụng smartphone dòng máy iPhone và Android trong độ tuổi từ 15 tới 69. Những người được phỏng vấn đến từ các thành phố lớn Berlin, Chicago, Jahannesburg, London, Mexico, Moscow, New York, Sao Paulo, Syney và Tokyo, đại diện cho 46 triệu cư dân sống ở đô thị.

70% người dùng smartphone thường xuyên chia sẻ ảnh cá nhân

Về phương diện cá nhân, Internet tạo cho mọi người khả năng chia sẻ trải nghiệm mà họ cho là có giá trị với số đông mà họ biết. Theo nghiên cứu của Ericsson ConsumerLab, trên 70% thường xuyên chia sẻ ảnh cá nhân của họ và 34% thường xuyên chia sẻ clip cá nhân của mình. Nhiều người chia sẻ thông tin nhưng không quá cân nhắc hoặc e dè. 69% thừa nhận thói quen chia sẻ thông tin hiện giờ của họ nhiều hơn nhiều so với cách đây hai năm. Độ tò mò của người dùng cũng ngày càng tăng lên. Cứ 4 người dùng smartphone thì có 1 người thường dùng Internet để tra cứu thông tin về người khác.

Bên cạnh những cơ hội mới, người dùng cũng muốn có sự kiểm soát đối với thông tin họ chia sẻ và đối tượng có thể tiếp cận thông tin họ chia sẻ. Cho dù đa số người dùng smartphone sử dụng tính năng “chỉ bạn bè mới được xem” trên mạng xã hội nhưng họ lại không có mức độ kiểm soát tương tự đối với những gì người khác viết về họ. 47% người dùng muốn có một công cụ thông báo khi có một thông tin tiêu cực hoặc không chính xác mà người khác đăng tải về mình trên Internet.

Tuy thói quen chia sẻ trở nên ngày càng phổ biến và người dùng muốn kiểm soát thông tin về mình nhưng lại ít quan tâm đến sự ảnh hưởng của thông tin chia sẻ đối với người khác. 20% những người trẻ dùng smartphone cho biết họ thường đăng tại ảnh hoặc video liên quan tới những người họ không hề quen biết.

Khi được hỏi về việc xử lý ra sao khi bị đăng tại những thông tin tiêu cực, bôi nhọ hoặc sai lệch về bản thân, trong số 63% người dùng smartphone nói rằng họ sẽ liên hệ tới nhà cung cấp dịch vụ thì thực tế chỉ có 30% liên hệ với nhà cung cấp. 45% cho biết họ tự giải quyết các vấn đề của mình và 22% cho rằng họ bỏ qua và không hành động gì. Điều này cho thấy cảm nhận về sự bất lực trong việc kiểm soát các tin đồn. Họ trông đợi các cơ quan hành chính công và các công ty có trách nhiệm về việc này. 50% tin rằng việc bảo vệ các thông tin cá nhân trên Internet cần phải là một ưu tiên mang tính chính trị và pháp lý.

Để hình thành một văn hóa chia sẻ mang tính bền vững là vai trò rất lớn của ngành CNTT. Hai ví dụ trong số đó là việc Apple mã hóa các thông tin trên smartphone một cách tự động. Facebook không chỉ có tính năng để người dùng báo cáo lại trong trường hợp thông tin sai lệch mà còn tự động giảm lượng truyền bá các thông tin mà nhiều người xóa đi trên Facebook.

Báo trực tuyến những hành vi chưa đúng của doanh nghiệp và cơ quan chính quyền

Theo thống kê, người dùng smartphone hình thành thói quen báo cáo những hành vi chưa đúng của các doanh nghiệp (DN) và các cơ quan chính quyền một cách trực tuyến. Hơn 50% số người được phỏng vấn tin rằng việc có thể bày tỏ trực tuyến quan điểm về công ty nào đó giúp cho họ tăng sự ảnh hưởng của mình. 54% tin rằng Internet giúp họ nâng cao khả năng cảnh báo trong xã hội đối diện với các hiện tượng tham nhũng và những hành vi không đúng tại các công ty và tổ chức. Thậm chí 37% tin rằng việc chia sẻ thông tin về một công ty tham nhũng qua các kênh trực tuyến có tác động hơn cả việc báo cảnh sát.

Tuy nhiên bên cạnh những quyền lực mới họ cũng đối diện với những thách thức mới. 46% người dùng smartphone muốn có dịch vụ xác nhận kiểm tra tính trung thực của những thông tin đăng tải trực tuyến. 64% muốn có thể ngăn chặn các thông tin tiêu cực về bản thân họ khi chúng bị lan truyền trên Internet.

Trong vai trò người tiêu dùng, chia sẻ thông tin là cách tạo ảnh hưởng với DN. 40% người dùng smartphone chia sẻ thông tin cá nhân của mình với DN với mong muốn được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn, mang tính cá nhân hóa hơn và mức chi phí ưu đãi hơn. Đồng thời họ cũng có những mong muốn nhất định về sự minh bạch trong việc thông tin cá nhân của họ được sử dụng ra sao và họ muốn có tính năng lựa chọn không chia sẻ thông tin cá nhân của họ.

Việc chia sẻ thông tin mang tính hai chiều. Mỗi khi đưa ra một quyết định, chúng ta có thói quen tìm kiếm lời khuyên từ người khác và việc đọc những nhận định và đánh giá của người khác trở nên dễ dàng hơn xưa rất nhiều. 50% nói rằng họ luôn tham khảo đánh giá của người khác đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định. Và những đánh giá này thực sự có ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của một thương hiệu nào đó, đặc biệt những đánh giá không hay thường dễ bị lan truyền. 32% tin rằng việc đăng tải thông tin trên trang mạng xã hội của một công ty nào đó là cách tốt nhất để làm công ty đó phải thay đổi.

Trên phương diện xã hội, việc chia sẻ thông tin cũng tạo nên sự ảnh hưởng đối với các tổ chức công tuy nhiên không mạnh như đối với các DN. 21% người dùng smartphone tin rằng liên hệ với báo chí chính là một cách tốt để gây ảnh hưởng tới các tổ chức công.

Ông Jan Wassenius, Tổng Giám Đốc Ericsson Việt Nam cho biết “Nhìn một cách tổng quát, chia sẻ thông tin trong thời đại Internet và sự phổ biến của Smartphone đã và đang tạo nên những ảnh hưởng mới tới từng cá nhân, các DN và các tổ chức công. Người tiêu dùng ngày nay trông đợi thông tin họ chia sẻ sẽ tạo nên một ảnh hưởng tới xã hội và thế giới. Trên 70% người dùng smartphone chia sẻ ảnh cá nhân của họ một cách đều đặn.

Minh Anh

Tin nổi bật