“Chập chững” ứng dụng “đám mây”

Một số Bộ, ngành, địa phương đang “rục rịch” triển khai mô hình điện toán đám mây nhằm giảm chi phí đầu tư, giảm rủi ro, tăng hiệu quả. Bên cạnh ưu điểm, công nghệ mới cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Lễ ký kết thúc đẩy quá trình phát triển điện toán đám mây giữa Microsoft Việt Nam và FPT. (ảnh H.Mai_dantri)

“Rằng hay thì thật là hay”

Bộ Tài nguyên & Môi trường đang được kỳ vọng là mô hình điểm trong khối các Bộ, ngành về việc triển khai điện toán đám mây. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chính, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: Ứng dụng điện toán đám mây được “khởi xướng” khi Bộ thực hiện chủ trương kinh tế hoá ngành. Bước đầu ảo hoá hạ tầng, lượng hoá thành tiền thì Bộ này đã tiết giảm được 20% chi phí đầu tư nhờ việc ảo hoá các máy tính trong cơ quan Bộ (lúc cần sử dụng có thể lấy từ “đám mây”, sử dụng xong lại trả lại “đám mây”, để tài nguyên đó cho những người sử dụng khác, tránh lãng phí tài nguyên). Bên cạnh đó còn có những lợi ích khác lớn hơn và sẽ tiếp tục phát huy lâu dài, chẳng hạn như các đơn vị có nhu cầu có thể dễ dàng khai thác số liệu về tài nguyên khoáng sản từ đám mây về xử lý tại chỗ, không phải tốn kém chi phí đi lại.

Với thành quả bước đầu như vậy, Bộ Tài nguyên & Môi trường khá tự tin về độ khả thi của chiến lược sử dụng điện toán đám mây cho các ứng dụng CNTT trong ngành. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, Bộ này đang tiến hành chuẩn hoá các dữ liệu, đồng thời đang xây dựng các quy trình, chuẩn, cũng như các chính sách để tới năm 2015 có thể sử dụng ứng dụng điện toán đám mây cung cấp dịch vụ công cũng như cung cấp các số liệu của ngành Tài nguyên & Môi trường cho cộng đồng xã hội.

Một Bộ khác cũng đang có xu hướng “cổ suý” cho điện toán đám mây là Bộ Giáo dục & Đào tạo. Trao đổi với phóng viên Bưu điện Việt Nam, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục & Đào tạo nhấn mạnh rằng mô hình điện toán đám mây rất phù hợp với ngành giáo dục. Ông Ngọc phân tích: ngành giáo dục đào tạo đang có hiện trạng mỗi cơ sở giáo dục (trường, sở…) lại “ôm” một “con” server (máy chủ) về, rất vất vả trong việc “nuôi dưỡng”, quản trị, phát triển, chưa kể độ trễ trong triển khai ứng dụng khi phải chờ đợi mua server về… Sau khi đã đầu tư hạ tầng, nhiều khi công suất không dùng hết, lãng phí tài nguyên. Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, các cơ quan Nhà nước có thể đầu tư tập trung và sử dụng phân tán, chia quyền. Khi đó, người dùng có thể sử dụng theo nhu cầu, và tài nguyên được chia sẻ cho những người có nhu cầu sử dụng thực sự.

Triển khai định hướng của ngành giáo dục là không để tình trạng mỗi trường lại tự đi dựng website, thuê server, mua tên miền… gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước, trong văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2011 – 2012, Cục CNTT đã chỉ các sở giáo dục đào tạo chuyển sang ứng dụng điện toán đám mây.

Vẫn có “gót chân Asin”

Điện toán đám mây không phải là một công nghệ hoàn hảo, không tì vết. Đại diện IBM Việt Nam đã cảnh báo một số rủi ro mà các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể gặp phải khi chuyển sang điện toán đám mây một cách manh mún, rời rạc, không có chiến lược toàn diện. Những rủi ro cụ thể gồm: Sự cố liên quan đến máy chủ có thể làm gián đoạn truy cập hoặc làm thất thoát những thông tin quan trọng như nội dung email hoặc những thông tin giao dịch liên quan đến tài chính; Sự phá sản hay ngừng hỗ trợ từ các nhà cung cấp giải pháp điện toán đám mây sẽ gây gián đoạn hoạt động cũng như các quy trình kinh doanh quan trọng dựa trên nền tảng điện toán đám mây của khách hàng, nếu đó là một ứng dụng trong lĩnh vực kế toán thì có thể làm gián đoạn quy trình lập hoá đơn, quản lý hàng hoá, thực hiện các khoản phải thu, chi…; Sự chậm chạp trong kinh doanh do chất lượng dịch vụ lưu trữ trên nền tảng điện toán đám mây kém, khiến cho khả năng truy cập website trở nên khó khăn, giảm tốc độ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Một vấn đề rất đáng quan ngại khác là bảo mật điện toán đám mây. Nhiều Bộ, ngành vẫn đang “quan sát” một thời gian xem đơn vị “tiên phong” ứng dụng điện toán đám mây có gặp sự cố trục trặc gì hay không rồi mới dám bắt tay vào triển khai. Không ít người lo ngại rằng để tài sản “tại nhà” vẫn còn khó bảo quản, nay quẳng lên “đám mây” ở xa lắc một nơi nào đó càng khó đảm bảo an toàn bảo mật hơn.

Được biết từ tháng 1/2010 đến 5/4/2011 đã có 130 vụ xâm hại điện toán đám mây được thống kê; 3 cách thức gây hại thường gặp nhất là các cuộc tấn công đơn SQL, mã địa điểm chéo và các phần mềm phá huỷ máy tính; 43% người dùng điện toán đám mây đã báo cáo có sự cố bảo mật trong 12 tháng qua; 49% các nguy cơ đe doạ được công bố trong năm 2010 nhưng có tới 44% các nguy cơ đe doạ được cảnh báo vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Những con số này phần nào cho thấy “điện toán đám mây” không phải là “miếng ngon dễ xơi”, nếu không cẩn thận sẽ bị “hóc”.

Đối với các cơ quan Nhà nước, cần lên kế hoạch, lộ trình cụ thể và toàn diện cho việc triển khai điện toán đám mây.

“Việc đưa các ứng dụng CNTT sẵn có lên “đám mây” cũng giống như sửa nhà, khó hơn và nhiều khi tốn hơn xây mới. Cần phải cân nhắc nhiều thứ, chẳng hạn như “móng nhà” có thể trụ đỡ được hay không. Nếu không tính toán hợp lý thì rất có thể sửa xong nhà lại đổ sập”, ông Quách Tuấn Ngọc lưu ý.

Bộ TT&TT đang nghiên cứu hoàn thiện một số thể chế chính sách về CNTT, trong đó có chính sách thúc đẩy phát triển mô hình điện toán đám mây trong cơ quan Nhà nước, hỗ trợ xây dựng một số sản phẩm lõi tiêu biểu theo công nghệ điện toán đám mây để nhân rộng, dùng chung nhằm tránh đầu tư dàn trải, lãng phí trong cơ quan Nhà nước. Nhiều ý kiến đề xuất nên có hội thảo về ứng dụng điện toán đám mây trong các cơ quan Đảng, Nhà nước để xem xét những vấn đề cần điều chỉnh, hoặc làm tường minh, tránh những lo ngại không có căn cứ.

Theo Ngọc Mai

ICTNews

Tin liên quan:

Điện toán đám mây: Từ quan điểm nào là mới?

Tin nổi bật