Vụ ông Đoàn Ngọc Hải nói lái xe “về rừng U Minh sống”: Đừng đẩy sự việc đi quá xa

Vừa qua, lời nói của ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM với một lái xe đã xây xôn xao trong dư luận. Nhiều người quá tập trung vào chỉ trích ông Hải mà quên đi trách nhiệm của một số cơ quan báo chí trong việc thông tin.

Một câu nói gây ra cơn “bão” dư luận

Vào buổi chiều ra quân dẹp vỉa hè ngày 21/9, trong quá trình giải thích với tài xế lái xe vi phạm trên đường Võ Văn Kiệt, ông Đoàn Ngọc Hải – phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM đã có câu nói nhắc đến địa danh U Minh.  Câu nói này của ông Hải lập tức đã được một số cơ quan báo chí đăng tải, thậm chí là dùng chính câu nói này để đặt Tittle cho bài viết trên báo.

Sau khi phát ngôn của ông Hải được báo chí đăng tải, đã thu hút sự chú ý của nhiều người và gây tranh cãi trên mạng internet. Nhiều người cho rằng ông Hải dùng hình tượng U Minh để so sánh là phát ngôn thiếu chuẩn mực.

Ngày 25/9, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đã có văn bản gửi ông Đoàn Ngọc Hải để phản ứng về câu nói trên. Theo văn bản, sau khi bài báo được đăng tải, đã có nhiều ý kiến trái chiều về cuộc trao đổi giữa ông Hải với tài xế xe vi phạm, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến người dân Cà Mau nói chung, người dân U Minh nói riêng.

Do đó, Ban tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau đề nghị ông Hải xác định cuộc trao đổi với tài xế lái xe vi phạm được báo chí đăng tải và cho ý kiến về vấn đề trên; gửi về Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau trong thời gian sớm nhất, để Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau định hướng dư luận xã hội.

Sau đó, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời ông Đoàn Ngọc Hải nói: “Thật tình tôi không có ý gì với người dân U Minh thân thương cả. Tôi chỉ muốn dùng hình tượng “luật rừng” để nhắc nhở các tài xế phải chấp hành quy định pháp luật thôi.

ông Đoàn Ngọc Hải nói: “Thật tình tôi không có ý gì với người dân U Minh thân thương cả. Tôi chỉ muốn dùng hình tượng “luật rừng” để nhắc nhở các tài xế phải chấp hành quy định pháp luật thôi”

Đến chiều 28/9, Quận 1 đã có thư xin lỗi đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau và Huyện ủy U Minh, tỉnh Cà Mau. Theo đó, trước thông tin báo chí trong những ngày qua, Quận ủy đã xem xét về phát biểu của cán bộ Quận 1 khi thực hiện công tác có liên quan đến địa phương U Minh, tỉnh Cà Mau.

Trong thư xin lỗi, quận 1 nêu rõ: “Trước hết, với trách nhiệm của người đứng đầu, Thường trực Quận ủy Quận 1 thành thật xin lỗi các đồng chí; nhất là huyện U Minh, đơn vị kết nghĩa với quận 1. Phát biểu có thực (đã đăng tải) là sự lỡ lời, không xuất phát từ suy nghĩ của ông Đoàn Ngọc Hải hoặc tập thể quận 1 về bất kỳ sự so sánh, đánh giá nào có tính hạ thấp địa phương bạn. Đó là một lời nói bột phát trong lúc nóng nảy nhất thời giữa cá nhân người thực thi công vụ với cá nhân người vi phạm. Tuy nhiên, điều này có thể gây ngộ nhận. Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm; mong các đồng chí chia sẻ bỏ qua”.

Trách nhiệm khi đưa tin

Nhìn lại sự việc trên, bên cạnh những ý kiến chỉ trích cũng có rất nhiều ý kiến cảm thông với câu nói của ông Đoàn Ngoc Hải: “Mình sống ở quận 1 là phải biết luật, chấp hành luật, còn không thì về rừng U Minh sống.”  Đó là vấn đề ngữ cảnh phát ngôn. Khi đó ông Hải đang đi làm nhiệm vụ dẹp loạn lấn chiếm vỉa hề vốn rất phức tạp và câu nói của ông Hải là nói riêng với lái xe với bản chất nhắc nhở người này phải biết chấp hành pháp luật về giao thông, không phải phát ngôn trên diễn đàn và cũng không có ý xúc phạm, miệt thị.

Nếu am hiểu văn hóa Nam Bộ, câu nói ấy dễ được cảm thông vì nó phản ánh tính cách bộc trực, thẳng thắn nhưng cũng khá gần gũi, thân mật.

Điều 3 trong 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành nêu rõ: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.”

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, với phóng viên tác nghiệp cũng như khi quyết định đăng tải, không nên đẩy câu nói trên thành một sự kiện “nóng”. Bởi, cho đến nay, hậu quả về mặt xã hội gây ra của “tin nóng” đó đã rất rõ ràng: Gây sự hiểu lầm trong dư luận, tạo ra sự tranh cãi không đáng có!

Lẽ ra, trước khi đăng tải câu nói ấy và đặc biệt là giật lên thành Title bài, phóng viên cần trao đổi, xác minh minh cho rõ nghĩa với ông Đoàn Ngọc Hải thì chắc chắn sự việc không đi quá xa như thế.

Việc “biến”  một câu nói không xuất phát từ suy nghĩ của một người thành nội dung để “câu view” trên mạng thậm chí gây “bão” trong cộng động mạng đã không ít lần diễn ra . Nghề báo đã chỉ rõ: Không phải cái gì cũng có thể đưa lên mặt báo, đặc biệt là những thông tin chưa rõ ràng. Những thông tin tưởng chừng như đơn giản nhưng lại gây ra hậu quả khôn lường, khiến các đối tượng xấu lợi dụng để xuyên tạc, làm sai lệch sự thật.

Nguồn: Nguyễn Mạnh/congluan.vn

Tin nổi bật