Truy cập Báo điện tử VnExpress tăng nhờ sớm chuyển đổi sang IPv6

(ICTPress) - Tiếp tục các buổi làm việc với các đơn vị về kiểm tra triển khai IPv6 trong năm 2017, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia vừa có buổi làm việc với công ty FPT Online và Báo điện tử VnExpress.

Ông Trần Minh Tân, Phó Trưởng Ban công tác, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) làm trưởng đoàn đã chủ trì buổi làm việc. Tham dự đoàn công tác còn có ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa và các thành viên của Ban Công tác.

Ban công tác họp trực tuyến với FPT Online và báo VnExpress

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Ngọc, đại diện cho khối cung cấp nội dung FPT Online và báo điện tử VnExpress đã cho biết một số tình hình triển khai IPv6 tại báo Vnexpress trong năm 2017.

Báo điện tử VnExpress có khá nhiều sản phẩm nội dung, ngoài ra còn có các trang ngoisao.net, iOne - trang tin về giới trẻ, raovat... Tổng lưu lượng tính đến năm 2017 theo tỷ lệ trên người sử dụng truy cập vào báo bằng thiết bị di động chiếm 74% và 26% còn lại trên máy tính để bàn. Lượng truy cập trung bình page view đạt 64% trên di động và 36% đố với máy tính để bàn. Tổng lưu lượng truy cập trong nước đạt xấp xỉ trên 90%.

FPT và Báo đã bám sát kế hoạch chuyển đổi IPv6 quốc gia: Năm 2017 chuyển đổi các dịch vụ nhỏ như iOne, raovat, shop, năm 2018 sẽ chuyển đổi hai trang lớn nhất là trang báo vnexpress.net và ngoisao.net. Tuy nhiên, FPT Online đã nhận nhận thấy có thể rút ngắn giai đoạn này. Thực tế là năm 2016, FPT Online đã chuyển đổi IPv6 cho 5 trang (ione.vnexpress.net, raovat.vnexpress.net, shop.vnexpress.net, pay.vnexpress.net và fptonline.net). Quý I năm 2017, FPT Online đã kiểm tra toàn bộ 9 trang còn lại công ty này. Quý II năm 2017, đã hoàn thành chuyển đổi 14 trang, trong đó có bao gồm báo vnexpress.net và ngoisao.net, rút ngắn thời hạn chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 hoàn toàn sớm hơn 1 năm theo dự kiến là chuyển đổi hai trang vào năm 2018. “Đến thời điểm này, có thể nói FPT Online đã hoàn toàn cung cấp các dịch vụ IPv6 trên toàn bộ các trang của FPT Online. Báo điện tử VnExpress đã hỗ trợ truy cập IPv6”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Theo thống kê của FPT Online, tổng lưu lượng truy cập IPv6 của FPT Online và báo đã đạt 89,7%, chỉ còn 10,3% truy cập IPv4, trong đó tại Việt Nam truy cập IPv6 toàn bộ báo điện tử VnExpress đạt 85,5%, quốc tế đạt 8,55%. Nếu chia theo traffic IPv6 theo quốc gia, Việt Nam truy cập trong nước đạt 76,92%, Mỹ đạt 17,02%, Nhật đạt 1,11%, Canada đạt 11,1%... còn lại các quốc gia khác.

Có được những kết quả này, theo ông Ngọc, là công ty và báo đã có những thuận lợi. Ban lãnh đạo FPT Online đã khẳng định chuyển đổi IPv6 là cần thiết và phải chuyển đổi sớm, đội ngũ quyết tâm triển khai, sự hỗ trợ của VNNIC sớm cấp IPv6 để thử nghiệm... Ngoài ra, có một số khó khăn là chi phí thiết bị, nâng cấp hạ tầng, các công cụ quản trị, một số đối tác chưa hỗ trợ IPv6…

Với những kết quả chuyển đổi sang IPv6 của FPT Online vào Vnexpress, các thành viên của Ban tại buổi làm việc đã trao đổi về chuyên sâu về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm, những bài học đúc rút từ quá trình triển khai. Các chuyên gia IPv6 của Ban cũng chia sẻ cho biết các chuyên gia của Trung tâm thông tin mạng châu Á Thái Bình Dương (APNIC) cho biết việc kết nối IPv6 của Việt Nam nhanh hơn một số nước. Điều này có thể là do Việt Nam cấu hình định tuyến tốt, ổn định hơn, kết nối peering trong nước được tăng cường.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Trần Minh Tân đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm vượt trước thời hạn chuyển đổi sang IPv6 của FPT Online và báo, đạt lượng truy cập IPv6 cao 85,5%, đóng góp sự phát triển chung của IPv6 quốc gia. Kế hoạch chuyển đổi sang IPv6 của FPT Online và báo cơ bản đã hoàn thành. FPT Online và Báo có thể nói là đơn vị nội dung đi đầu và là điểm sáng về chuyển đổi sang IPv6 đáp ứng bạn đọc, người sử dụng. Thường trục Ban công tác sẽ đề xuất với Bộ TTTT khen thưởng FPT Online vì đã rất tích cực trong việc triển khai IPv6.

Ông Tân đề nghị, FPT tiếp tục quan tâm dán nhãn IPv6 ready cho các trang website của mình. Đặc biệt ông Tân nhấn mạnh báo hãy tăng cường truyền thông không chỉ để cho báo mình, mà còn đóng góp vào thay đổi nhận thức cho cộng đồng, các đơn vị làm nội dung, các cơ quan báo chí giúp tăng lượng truy cập bạn đọc và đạt tốc độ truy cập cao hơn.

Xu thế chuyển đổi IPv4 sang IPv6 là xu thế tất yếu trên thế giới. Sự tăng trưởng mạnh các kết nối, phát triển của các dịch vụ, xu hướng chuyển đổi sang mạng di động băng rộng thế hệ tiếp theo 4G/LTE& 5G, xu hướng Internet của vạn vật (IoT - Internet of Things), BYOD (Bring Your Own Device), SMAC (social, mobile, analytics and cloud) nhu cầu về kết nối Internet càng nhiều với chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Do vậy việc chuyển đổi IPv6 là tất yếu để làm nền tảng phát triển Internet, đem lại nhiều lợi ích, dịch vụ đa dạng cho người dùng với chất lượng tốt hơn, an toàn hơn.

Nhận thấy xu hướng này, Facebook và Google đã triển khai IPv6 từ rất sớm. Theo công ty Facebook, tốc độ truy cập trang News Feeds của Facebook tăng lên từ 20-40% đối với các thiết bị di động sử dụng IPv6. Kết quả này cũng được kiểm chứng trên mạng của nhà cung cấp dịch vụ qua mạng cáp tại Mỹ là Time Warner Cable, tốc độ truy cập dịch vụ tăng 15% khi sử dụng IPv6. Trường hợp Facebook là ví dụ điển hình cho thấy việc một đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung (ICP) triển khai IPv6 giúp tăng tốc độ truy cập các dịch vụ trên mạng Internet.

HM

Tin nổi bật