Trung Quốc và Mỹ, ai nợ ai?

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông quốc tế thường đưa thông tin Mỹ là “con nợ” lớn của Trung Quốc. Số nợ này là khoản mà Trung Quốc mua từ Chính phủ liên bang Mỹ dưới dạng trái phiếu ngân khố Mỹ. Trong hai thập niên qua, để điều chỉnh tình trạng thặng dư thương mại với Mỹ, Trung Quốc tiếp tục tăng cường mua trái phiếu Chính phủ và các trái phiếu khác của Mỹ, do đó, Trung Quốc luôn duy trì vị thế chủ nợ số 1 của Mỹ. Tuy nhiên, mạng Liên hợp buổi sáng (Singapore) dựa trên những dữ liệu thực tế lại đưa ra một quan điểm trái ngược. Báo Thời nay xin giới thiệu bài viết nói trên để bạn đọc rộng đường tham khảo.

Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tính đến hết quý 1-2011 đã đạt hơn 3.000 tỷ USD, trong đó có 1.200 tỷ là mua trái phiếu của Mỹ, vì thế một số người Trung Quốc cho rằng Mỹ đã nợ Trung Quốc và Trung Quốc đang nắm giữ mạch đập kinh tế của nước Mỹ. Một số phóng viên Trung Quốc cũng từng “nhắc nhở” Tổng thống Mỹ Obama rằng: “Người Mỹ các công đang nợ chúng tôi tiền”. Nhưng nếu phân tích kỹ một chút, chúng ta có thể đặt lại câu hỏi “Người Mỹ nợ Trung Quốc, hay người Trung Quốc nợ Mỹ?”.

Giáo sư người Đức gốc Hoa thuộc trường đại học Goettingen của CHLB Đức Vu Hiểu Hoa từ góc độ lịch sử đã chỉ ra rằng bắt đầu từ năm 1982, liên tục trong 30 năm mậu dịch của Mỹ nhập siêu, thâm hụt mậu dịch lũy kế lên tới 6.600 tỷ USD, còn nợ nước ngoài của Mỹ là 4.500 tỷ USD. Theo Cục phân tích kinh tế Mỹ (BEA) thì khoản nợ trong cán cân thanh toán quốc tế của Mỹ vào khoảng 2.000 tỷ USD. Nhìn vào con số này có vẻ như là Mỹ nợ rất nhiều và sắp phá sản đến nơi.

Kỳ thực không hẳn vậy. Giáo sư Vu Hiểu Hoa dẫn báo cáo nghiên cứu của hai học giả Mỹ là Ricardo Hausmann và Federico Sturzenegger đưa ra năm 2005 cho thấy, theo những con số thống kê chính thức vào khoảng thời gian từ 1982 - 2005 trong cán cân thanh toán quốc tế của Mỹ ở giai đoạn này thì hằng năm Mỹ vẫn dư tới 30 tỷ USD và sau năm 2005 xu thế này cũng không có thay đổi nhiều lắm. Như vậy trong cán cân thanh toán quốc tế, Mỹ vẫn là nước thu được lợi.

Con số thống kê chính thức và thực tế của Mỹ chênh nhau rất lớn. Các nhà kinh tế học Mỹ cho rằng việc cân bằng cán cân thu chi quốc tế của Mỹ là dựa vào nguồn “vật chất ngầm” không nhìn thấy được (Dark Matter). Học giả Mỹ cho rằng có ba nguyên nhân hình thành nên nguồn “vật chất ngầm” này của Mỹ:

-  Mỹ là nước lớn xuất khẩu vốn, tổng tài sản ở nước ngoài của Mỹ lên tới 20 nghìn tỷ USD, trong đó tổng tài sản của doanh nghiệp tư nhân là 16 nghìn tỷ USD. Giá trị gia tăng nguồn vốn của Mỹ rất cao, tỷ lệ hiệu ích quốc tế cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 5%% (tỷ lệ hiệu ích bình quân của trái phiếu dài hạn) mà Cục phân tích kinh tế của Mỹ đưa ra.

-  Nợ nước ngoài của Mỹ là 4.500 tỷ USD. Lãi suất bình quân của những khoản nợ này chỉ có 5%. Nhưng nếu phần lớn những khoản nợ này (3.000 tỷ USD) lại chảy vào các nước mới nổi (giống như một ngân hàng), thì tỷ lệ hiệu ích khẳng định vượt quá 5%. Nếu như tính toán một cách khiêm tốn với mức 10%, thì trong khoản nợ này, Mỹ đã hưởng lãi chênh lệch tới 150 tỷ USD.

-  Dollar Mỹ là đồng tiền thanh toán quốc tế. Để đảm bảo tính thanh khoản, các nước đều giữ USD và lãi suất của những tiền tệ này rất thấp. Mỹ đã dung những đồng USD này để đổi lấy những tài sản có giá trị cao từ các nước, vì thế càng thu được hiệu ích cao hơn. Dự trữ ngoại tệ của toàn thế giới trị giá tương đương 7.500 tỷ USD, trong đó 60% là đồng USD. Nếu chỉ một phần ba trong số đó dùng USD để thanh khoản, thì nó tương đương với tài sản khoảng 2.500 tỷ USD. Nếu lãi suất của những tài sản này ở mức 10% thì hằng năm Mỹ đã thu lãi 250 tỷ USD.

-  Ngoài ra hằng năm lượng người di cư sang Mỹ cũng mang theo một lượng tài sản lớn, ước tính khoảng từ 400 tỷ - 500 tỷ USD.

Nếu cộng các điểm trên lại thì việc thanh toán trong cán cân quốc tế của Mỹ có thể nói là cân bằng và hằng năm có thể còn dư. Như vậy, không phải như chúng ta thường nghĩ là Mỹ “nợ như chúa chổm”.

Còn về quan hệ nợ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhìn từ những điểm trên thì thấy Mỹ nợ tiền Trung Quốc, nhưng trên thực tế là người Trung Quốc giúp Mỹ kiếm tiền, khiến người Mỹ được hưởng cuộc sống thu nhập cao với giá thành rẻ. Tuy Trung Quốc nắm trong tay 3.000 tỷ USD, người Mỹ nợ Trung Quốc 1.200 tỷ USD tiền trái phiếu.

Nhưng nếu phân tích kỹ thì Trung Quốc lại là nước nợ Mỹ. Mỹ có lượng lớn vốn đầu tư và tài sản tại Trung Quốc. Nhìn vào con số thống kê, đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc hằng năm chỉ từ 4 - 5 tỷ USD, tích lũy trong 20 năm vào khoảng 20 tỷ USD. Nhưng con số thực tế vượt xa con số này, vì hằng năm Mỹ đều dùng lợi nhuận thu được ở thị trường Trung Quốc để tăng thêm vốn đầu tư. Theo số liệu của Cục phân tích kinh tế Mỹ, tài sản nước ngoài của Mỹ là hơn 20 nghìn tỷ USD, trong đó có tài sản ở Trung Quốc là hơn 3% cũng có nghĩa tài sản của Mỹ tại Trung Quốc là hơn 600 tỷ USD. Chỉ riêng con số này đã bằng một nửa số tiền mà Mỹ nợ Trung Quốc.

Thực ra, con số đưa ra còn là khá khiêm tốn. Thí dụ, Công ty IT lớn nhất của Trung Quốc lại chính là một công ty của Mỹ, 10 cổ đông lớn nhất trong công ty này đều là các công ty đầu tư của Mỹ, tổng tài sản tính đến ngày 23/10/2011 là hơn 41 tỷ USD. 15 công ty như vậy sẽ tương đương tổng tài sản của Mỹ ở Trung Quốc. 30 công ty như vậy sẽ có thể xóa bỏ được khoản nợ của Mỹ đối với Trung Quốc. Đầu tư của các ngân hàng Mỹ vào Ngân hàng xây dựng Trung Quốc là khoảng 30 tỷ USD, đầu tư của 40 ngân hàng Mỹ có thể xóa bỏ khoản nợ của Mỹ đối với Trung Quốc.

Tuy Mỹ nợ Trung Quốc 1.200 tỷ USD tiền trái phiếu, nhưng những khoản tiền này có thể biến thành những khoản tiền nóng quay trở lại thị trường của chính Trung Quốc hoặc các nước mới nổi lên, sẽ hưởng “lợi kép” về sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và đồng tiền tăng giá của Trung Quốc. Tỷ lệ hiệu ích đầu tư của đồng USD vào thị trường các nước mới nổi hằng năm có thể đạt tới 10%, còn tỷ lệ hiệu ích của công trái chỉ có 5%. Phần chênh lệch này được gọi là một bộ phận của “nguồn vật chất ngầm” của Mỹ.

Hằng năm lượng người Trung Quốc di dân sang Mỹ mang theo lượng tài sản lên tới 10 tỷ USD. Theo tính toán một cách khiêm tốn thì con số này hiện lên tới khoảng hơn 100 tỷ USD.

Dựa vào các dữ liệu trên, có thể thấy rằng, tiền mà Mỹ nợ Trung Quốc là tiền của nhà nước, tỷ lệ hiệu ích rất thấp. Tiền mà Trung Quốc nợ Mỹ là tiền của doanh nghiệp, tỷ lệ hiệu ích rất cao. Trung Quốc càng giữ trái phiếu của Mỹ thì càng giúp Mỹ kiếm nhiều tiền hơn. Về tổng lượng mà nói Mỹ không nợ tiền Trung Quốc, ngược lại có thể nói Trung Quốc nợ Mỹ tiền. Khoản nợ của Trung Quốc đối với Mỹ vào khoảng hơn 100 tỷ USD. Trung Quốc sở dĩ đem dự trữ ngoại tệ đi mua trái phiếu của Mỹ, bởi vì đối với Trung Quốc, đây được coi là cách đầu tư hiệu quả hơn cả.

Lương Ích Kiên (Lược dịch)

Thời nay số 191 ngày 7/11/2011

Tin nổi bật