Tiên Lãng và bài học với truyền thông

"Qua truyền thông đại chúng, vụ ông Đoàn Văn Vươn không còn là vấn đề của Hải Phòng mà trở thành vấn đề của cả nước, nhất là trong thời điểm toàn Đảng chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về chỉnh đốn Đảng", ông Lưu Đình Phúc, trưởng phòng quản lý báo chí Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông nói tại hội thảo bàn về nguồn lực đất đai và vai trò của truyền thông.

Hội thảo do do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển tổ chức sáng nay (14/3) tại Hà Nội.

Câu chuyện báo chí tác nghiệp trong vụ sai phạm đất đai ở Tiên Lãng cho thấy nhiều vấn đề đáng nghiên cứu về vai trò báo chí, truyền thông trong giám sát việc phân chia tài nguyên đất đai.

Luôn đi đầu, nhưng phải tỉnh táo

Ông Lưu Đình Phúc: Trong đấu tranh chống tiêu cực, báo chí cần tránh thái độ nửa vời. Ảnh: Lê Nhung

"Báo chí luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng", ông Lưu Đình Phúc nhận định. Với sức lan tỏa nhanh và rộng lớn, thông tin từ báo chí cũng góp phần cung cấp chứng cứ ban đầu cho cơ quan điều tra. Đặc biệt trong bối cảnh vấn đề đất đai luôn là điểm nóng.

Ông Phúc phân tích, điều đáng ghi nhận ở báo chí qua vụ ông Đoàn Văn Vươn là ở tính xung kích, đấu tranh không khoan nhượng trước những hành vi tiêu cực, góp phần làm trong sạch nội bộ chính quyền ở địa phương. Báo chí cũng đã thể hiện thái độ quyết liệt với mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ đúng sai vụ việc. Đồng thời đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm thông qua các bài phỏng vấn chuyên gia, nhà quản lý, cựu quan chức...

Nói như ông Vũ Văn Luân, thư ký liên chi hội nuôi trồng thủy hải sản huyện Tiên Lãng, “nếu không có báo chí, sự việc cưỡng chế ở Tiên Lãng đã đi theo một hướng khác”.

Một số nhà báo trực tiếp tác nghiệp ở Tiên Lãng cũng đã kể lại hành trình đi tìm sự thật và những khó khăn, chật vật do bị cản trở trong quá trình tác nghiệp. Để có được thông tin chính thống từ phía chính quyền, không chỉ báo chí mà nhiều cơ quan, đoàn thể khác đi giám sát cũng gặp không ít trở ngại.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Đặng Hùng Võ, cũng có nhiều  bài học cần rút ra và giới truyền thông cũng cần phải rất tỉnh táo khi vào cuộc phanh phui các vụ việc tiêu cực tương tự. Đặc biệt trong bối cảnh những thành công trong quá trình tác nghiệp ở Tiên Lãng đang dẫn đến tâm lý báo chí cũng sẽ dễ dàng “thắng” trong các vụ việc tương tự.

Ông Võ cho hay, là một trong những người được truyền thông tiếp cận phỏng vấn ngay khi vụ cưỡng chế vừa xảy ra nên ông dễ dàng quan sát và phân tích được phản ứng của một số cơ quan truyền thông với vụ việc. Có tờ báo chọn cách im lặng, có tờ đưa tin chung chung, cũng có những cơ quan báo chí lớn ban đầu đưa tin từ góc nhìn này, nhưng sau đó đã lựa chiều để đưa theo góc độ khác. Nhưng về cơ bản, báo chí đã dẫn dắt được sự việc, dẫn dắt được dư luận và là một trong các nhân tố thúc đẩy sự vào cuộc của Thủ tướng.

Báo chí phải đi đến cùng

Ông Vũ Văn Luân: Nếu không có báo chí, vụ Tiên Lãng đã đi theo một hướng khác. Ảnh: Lê Nhung

Sở dĩ đưa ra khuyến cáo rằng giới truyền thông cần “tỉnh táo” trong những sự việc tương tự bởi theo thống kê của chính ông Võ, tỷ lệ các bài viết về tham nhũng trong đất đai, xây dựng trong gần 10 năm trở lại đây có những thay đổi đáng chú ý.

Thống kê sơ bộ của ông Võ từ 12 báo lớn cho thấy giai đoạn 2000 - 2001, số lượng bài vở chống tham nhũng khá dồi dào trong khi sang đến thời kỳ 2006 - 2009 sau vụ PMU18, tin bài giảm đáng kể.

Ngay những vụ tiêu cực mà báo chí đã phanh phui như thống kê của ông Lưu Đình Phúc cũng là những vụ rất điển hình và báo chí đã nhận được sự chỉ đạo để thông tin chi tiết.

Theo ông Võ, báo chí đang đứng trước thách thức là trong nhiều vụ việc khác diễn biến tinh vi, phức tạp, nhà báo không dễ tiếp cận được tài liệu như trong vụ Tiên Lãng.

Thống kê bước đầu của Cục Báo chí đến ngày 10/3/2012: Có hơn 1.200 bài viết trên báo in và báo điện tử về vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng.

Từ góc độ nhà quản lý báo chí, ông Lưu Đình Phúc tổng kết nhiều bài học cần rút ra nhân sự kiện tác nghiệp ở Tiên Lãng. Chẳng hạn, báo chí cần đi đến cùng trong đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực, tránh thái độ nửa vời. Bởi thực tế câu chuyện ông Vươn đã từng được một tờ báo của Bộ Công thương phản ánh từ năm 2008 nhưng báo chí chưa thực sự đeo bám vụ việc đến cùng.

Ngoài ra, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng một số tờ báo địa phương đã vào cuộc với quan điểm của chính quyền địa phương nên đã làm giảm tính phản biện, khách quan của thông tin.

Nhiều tờ báo chạy theo xu hướng thông tin một chiều phê phán chính quyền, ngôn ngữ kích động, kèm theo hàng trăm phản hồi. “Đây là cách làm thiếu thận trọng, không lường hết vấn đề chính trị có thể phát sinh”, ông Phúc nói.

Lắng nghe phản ánh của các nhà báo về việc bị cản trở khi tác nghiệp, ông Phúc cho rằng ngoài nỗ lực tự thân để kiếm tìm thông tin, nhà báo cần được tạo điều kiện hơn nữa. Chẳng hạn cơ quan công quyền chủ động cung cấp thông tin, phát ngôn phải thống nhất, tránh sơ hở…

Những thách thức trên cần sớm được gỡ bỏ khi nhà báo được bảo vệ bởi một hành lang pháp lý thông thoáng. Theo ông Phúc, đó là khi luật Báo chí bổ sung đầy đủ quy định về quyền tiếp cận thông tin. Là khi các nhà báo được trang bị kiến thức pháp luật để đưa tin chính xác, khách quan. Và đặc biệt là nhà báo cần đeo bám đến cùng vụ việc, đấu tranh không khoan nhượng trước hành vi tham nhũng, tiêu cực. Có như vậy nhà báo mới làm tròn trách nhiệm xã hội của mình.

Lê Nhung

VietnamNet

Tin nổi bật