Tác nghiệp tại tòa: Phóng viên chưa có Thẻ nhà báo sẽ bị “cấm cửa“?

Dư luận lại tiếp tục phản đối, bởi lẽ yêu cầu này không phù hợp với thực tiễn và mâu thuẫn với những quy định pháp luật hiện hành.

Ngay sau khi TANDTC công bố bản Dự thảo mới nhất về Nội quy phiên tòa, trong đó quy định nhà báo khi tham dự phiên tòa phải xuất trình Thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu, dư luận lại tiếp tục phản đối, bởi lẽ yêu cầu này không phù hợp với thực tiễn và mâu thuẫn với những quy định pháp luật hiện hành.

Quy định trên của TANDTC đồng nghĩa với việc tất cả những phóng viên (chưa có Thẻ Nhà báo) sẽ không được quyền tham dự phiên tòa để tác nghiệp, trong khi nhà báo hay phóng viên đều có vai trò, nhiệm vụ như nhau.

 Quy định cứng nhắc

Nói quy đinh trên không phù hợp thực tiễn vì không phải bất kỳ ai hoạt động trong lĩnh vực báo chí đều được cấp Thẻ Nhà báo. Theo quy định, để được cấp Thẻ Nhà báo, các phóng viên phải có thời gian công tác liên tục tại một cơ quan báo chí trong ba năm trở lên và không vi phạm kỷ luật. 

 “Thực tế có không ít người đã làm việc nhiều năm trong lĩnh vực báo chí nhưng vì trong quá trình công tác, họ chuyển nhiều cơ quan báo chí khác nhau mà mỗi cơ quan họ lại làm việc chưa đủ 3 năm liên tục, vì thế họ chưa được cấp Thẻ Nhà báo. Theo đề xuất của TANDTC thì đội ngũ những người làm báo này bị “cấm cửa” dự tòa hết hay sao? Đây không phải là những phóng viên mới vào nghề để nói rằng họ còn “non” nghiệp vụ hay chưa có kinh nghiệm. Bởi vậy, nếu “cấm cửa” không cho phóng viên chưa có Thẻ Nhà báo  tham dự phiên tòa để tác nghiệp sẽ không phù hợp với thực tiễn và pháp luật. Đây là quy định cứng nhắc, cơ quan soạn thảo nên xem xét lại”- ông Nguyễn Bá, Phó Tổng biên tập Báo Bưu điện băn khoăn.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản thì hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng; mức phạt sẽ tăng lên gấp đôi nếu có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định các hình phạt tương ứng với các hành vi uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên hoặc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên… Nói như vậy để khẳng định một điều: nhà báo và phóng viên đều có trách nhiệm và quyền bình đẳng ngang nhau, đều được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Nếu họ bị cản trở, hành hung khi đang hoạt động nghề nghiệp thì cũng được bảo vệ như nhau và không phân biệt họ là nhà báo hay phóng viên (có Thẻ hay chưa có Thẻ). 

Cũng cần nhắc lại rằng, Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí từ tháng 11/2013 trở về trước chỉ nhắc đến chủ thể là “nhà báo” mà chưa có chức danh “phóng viên”. Nhưng đến Nghị định 159 thì đây là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên tại thời điểm này, Chính phủ đã thừa nhận vai trò của phóng viên trong hoạt động tác nghiệp của báo chí. 

Gần đây, tại Nghị định 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút (sẽ có hiệu lực từ 01/6/2014 tới đây), ngoài đối tượng là nhà báo, văn bản luật này cũng đề cập đến phóng viên. Như vậy, bên cạnh nhà báo thì phóng viên cũng có vị trí và vai trò tương ứng trong quá trình tác nghiệp.

Chỉ cần Giấy giới thiệu là đủ 

Theo cơ quan soạn thảo, quy định nhà báo tham dự phiên tòa phải xuất trình Thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu là nhằm đảm bảo việc tham dự phiên tòa là để thực hiện nhiệm vụ được phân công, tránh tình trạng nhà báo dự tòa nhưng không vì lý do tác nghiệp. Lập luận này xem ra không phù hợp, bởi nếu vì sợ nhà báo dự tòa không phải vì lý do tác nghiệp thì Tòa chỉ cần yêu cầu nhà báo trình Giấy giới thiệu, không nhất thiết phải có thêm Thẻ Nhà báo, vì như vậy sẽ gây khó khăn cho những phóng viên chưa có Thẻ.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định phóng viên dự tòa phải có Thẻ Nhà báo là để đảm bảo về khả năng, trình độ của người tác nghiệp- tức là đòi hỏi người viết bài phải có kinh nghiệm. Điều này không phải không có lý, nhưng hoạt động báo chí có đặc thù riêng. Chất lượng bài báo không phụ thuộc vào độ tuổi của tác giả bài viết (cũng như không phụ thuộc vào việc họ đã được cấp Thẻ Nhà báo hay chưa) mà phần lớn được điều chỉnh bởi khả năng tư duy và sự nhạy bén trong việc nắm bắt và phân tích thông tin. 

Không chỉ vậy, khi ký Giấy giới thiệu cử một ai đó tham dự phiên tòa thì lãnh đạo Tòa soạn đã có sự cân nhắc, lựa chọn những nhà báo hoặc phóng viên có đủ năng lực, trình độ để viết bài. Hơn nữa, phía sau mỗi bài báo của phóng viên được cử đi tham dự phiên tòa còn có trách nhiệm của cả Ban Biên tập tờ báo đó. 

“Nếu cơ quan nào cũng đòi Thẻ Nhà báo với lý do đòi hỏi người có kinh nghiệm để đưa tin thì cơ hội cho các phóng viên trẻ mới vào nghề sẽ không có. Muốn có kinh nghiệm thì ngay từ đầu, khi người đó mới vào nghề, các cơ quan, tổ chức liên quan phải tạo điều kiện cho họ được hành nghề hợp pháp. Kinh nghiệm của ngày hôm nay hay ngày mai phải được tích lũy từ chính những bước chân đầu tiên khi mới vào nghề”- nhà báo Anh Tuấn, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC1 chia sẻ.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình với các quan điểm trên và cho rằng, để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của báo chí phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp, Nội quy phiên tòa không nên đòi hỏi nhà báo phải có đủ cả Thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu. Thay vào đó, chỉ cần nhà báo, phóng viên có một trong hai loại giấy tờ này, thông thường chỉ cần Giấy giới thiệu là đủ, vì tờ giấy này đã đủ để chứng minh hai điều: người được cử đến tham dự phiên tòa đang làm việc tại tờ báo đó và được Ban Biên tập tờ báo này tin tưởng lựa chọn để giao nhiệm vụ.

Vân Anh

Nguồn:baophapluat.vn
Tin nổi bật