Tác nghiệp Tây Bắc ngày xuân

Trong chuyến tác nghiệp đầu Xuân lên miền Tây Bắc, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những cảnh đẹp kỳ vĩ với hoa ban, hoa mận nở trắng rừng, không khác gì chốn bồng lai tiên cảnh, đồng thời được hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây với những kỷ niệm không thể nào quên...

Tác nghiệp Tây Bắc ngày xuân luôn mang lại những cảm xúc ngây ngất cho nhà báo. Ảnh: Cao Anh Tuấn

1. Chúng tôi được dẫn đến nhà anh Tòng Văn Hân, dân tộc Thái đen xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Anh Hân và gia đình rất cởi mở và chân tình đón tiếp chúng tôi không khác gì những người thân đi xa lâu ngày trở về.

Sau một buổi sáng dẫn chúng tôi ra thực địa để tác nghiệp, gặp gỡ người dân bản địa để phỏng vấn, chụp ảnh. Trên đường về nhà anh, chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về tri thức bản địa của đồng bào dân tộc Thái đen nơi đây.

Sau khi ngẫm nghĩ một hồi, anh chậm rãi: “Tri thức bản địa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc ít người ở vùng Tây Bắc nói riêng là một phức hợp những kinh nghiệm được hình thành trong thế ứng xử giữa hoạt động của cộng đồng trong một vùng môi trường có các điều kiện cụ thể để sinh tồn, được chọn lọc, bồi đắp và truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng.

Tri thức bản địa là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa, song không chỉ có giá trị về văn hóa mà còn tác động đến mọi mặt đời sống, nhất là bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển kinh tế, quản lý xã hội và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ... Tri thức bản địa là một bộ phận của đời sống xã hội của người Thái Tây Bắc.

Thông qua đó, đồng bào tạo dựng được lối sống lành mạnh, phát huy những phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đồng thời bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan và các tệ nạn xã hội”.

Tinh khôi mùa xuân. Ảnh: Tu Geo

2. Chỉ vào một dòng suối trong vắt đang uốn lượn chảy vòng qua các triền núi và thửa ruộng bậc thang, anh hỏi: “Các anh có biết tại sao đồng bào các dân tộc ít người hay dựng nhà, làm ruộng cạnh những dòng suối không?”. Chúng tôi đều nhìn nhau lắc đầu, hoặc có biết thì cũng chỉ lờ mờ nên không dám trả lời.

Thấy vậy, anh nói tiếp: “Những tri thức, kinh nghiệm được đúc kết từ nhiều đời như lợi dụng sức chảy của nước mà uốn dòng suối, tránh sự phá lở ruộng và bản.

Chính những tri thức đó đã khiến bản, mường của người Thái vẫn được trụ vững trên những dải đất bên cạnh sông, suối mặc dù trải qua nhiều thăng trầm.

Đây là vùng đất vốn có nhiều ưu thế cho phát triển một nền nông nghiệp tự cung, tự cấp. Từ cuộc sống và lao động sản xuất, đồng bào đã đúc rút kinh nghiệm cho quá trình chọn lựa địa bàn cư trú và sản xuất đảm bảo sự tồn tại và phát triển cho nhiều đời con cháu đó là:

“... Có ruộng thì có cá.
Có ruộng thì có lúa.
Vào đó ở mới sống được suốt đời...”

Chúng tôi nghe vậy, đồng thanh “À” lên một tiếng và cười vui vẻ. Anh hỏi tiếp: “Vậy các anh đã biết về tri thức bản địa chưa?”. Tôi trả lời: “Nghe anh nói, chúng tôi đã biết!”. Anh tủm tỉm cười một cách bí ẩn. Về đến nhà, anh bảo: “Giờ sắp đến trưa rồi, mời anh em dùng bữa với gia đình nhé?”. Nói rồi anh chỉ tay vào một đàn gà rất đẹp đang quanh quẩn kiếm ăn dưới gầm nhà sàn và bảo: “Các anh thích ăn con nào thì cùng bắt!”.

Chúng tôi hè nhau quây vào và bắt được một con gà trống rất to và xách tới đưa cho anh. Anh Hân nhìn qua rồi bảo: “Đây là con gà nhà hàng xóm, mình ăn con này là mất đoàn kết làng xóm ngay!”. Chúng tôi nhìn nhau không hiểu thế nào. Anh chạy ra sân, một tay xách con gà vừa nãy, một tay túm luôn được một con gà đang kiếm ăn ở sân, mà chúng tôi thấy chẳng khác gì con gà chúng tôi đã bắt lúc trước.

Tri thức bản địa góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn tình đoàn kết của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Ảnh: Ngọc Nga

3. Để minh chứng cho việc tri thức bản địa đã ăn sâu vào đời sống dân tộc mình và phát huy được những giá trị văn hóa tốt đẹp, anh tâm sự: Người Thái chúng tôi thường làm vườn kết hợp với nuôi gà.

Bên cạnh đó, con gà bao giờ cũng gáy vào một giờ, một thời điểm nhất định, vậy là tín. Chính vì vậy, khi có khách quý đến thăm, chúng tôi sẽ mổ gà để đãi khách. Mổ chính con gà nhà mình nuôi là thể hiện tinh thần hiếu khách. Người Thái chúng tôi, có khi hai nhà chỉ cách nhau một bờ rào. Nhiều lúc, con gà nhà này sang gầm sàn nhà bên cạnh để kiếm ăn. Do vậy, để tránh nhầm lẫn gà của nhau, chúng tôi đã quy định.

Con gà đối với chúng tôi hàm chứa chữ tín và chữ nghĩa. Bởi vì, một con gà trống có thể dẫn dắt cả đàn gà phát triển. Còn con gà mái khi có con diều hoặc con quạ bay qua, nó sẽ xòe cánh ra để che chở cho đàn con, dù nó có thể bị thương, đó là nghĩa.

Ví dụ, gà nhà ông A được đánh dấu vào ngón chân ngoài của chân trái, gà nhà ông B là ngón tiếp theo, cứ thế với các nhà khác quanh đó đến hết 2 bàn chân gà. Ngón chân gà được đánh dấu sẽ cắt móng đi một ít, vì con gà còn nhỏ dễ cắt, sẽ không chảy máu gì.

Khi mổ gà, tôi bắt gà nhà mình và nghiêng sang nhà bên cạnh để nhà bên cạnh chứng giám đây là tôi bắt con gà nhà tôi. Khi gà chín, thân gà sẽ được chặt ra ăn bình thường, còn 2 cái chân gà và cái đầu để vào một đĩa.

Hai cái chân gà có ý nghĩa trong trường hợp không may nếu gà nhà hàng xóm thời gian đó bị con cáo, con chồn bắt mất thì người ta sẽ không nghi mình bắt trộm gà nhà họ. Nếu cần thiết, họ có thể sang nhà mình kiểm tra 2 cái chân gà vì một mất mười ngờ là điều khó tránh khỏi.

Tất cả chúng tôi nhìn nhau cười vui vẻ và cùng phụ anh một tay xử lý và chế biến con gà. Bữa trưa hôm đó, cánh nhà báo chúng tôi và gia đình anh Hân uống rượu vui vẻ với món gà luộc rất ngon hiểu thêm về ý nghĩa tín và nghĩa của người dân nơi đây.

Những tri thức bản địa tưởng rất bình thường đó góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn tình đoàn kết trong bản của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc./.

Nguồn: Ngọc Nga/ nguoilambao.vn

Tin nổi bật