Sự trong sáng của tiếng Việt và nguy cơ bị "xâm lăng"

Với thực tiễn hiện nay, có thể nhận định rằng tiếng Việt đang bị “xâm lăng”, bị giảm bớt sự trong sáng bởi các ngôn từ, cách diễn đạt theo tiếng nước ngoài (tiếng Anh là chính) đang len lỏi trong giao tiếp, vào cả văn nói, văn viết hàng ngày của một bộ phận công chúng.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của con người, luôn phát triển, không thể ngăn cản, nhưng không có nghĩa là phát triển bằng cách đưa ngôn từ, cách nói nước ngoài bừa bãi trong khi ngôn ngữ Việt có đủ từ, ngữ, năng lực thể hiện và diễn đạt.

Tiếng Việt rất đẹp, rất phong phú, là tiếng mẹ đẻ, cần bảo vệ sự trong sáng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn quan tâm tới việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, và thực sự là tấm gương về mặt này. Những bài nói, bài viết của hai nhà lãnh đạo tiền bối này luôn thuần khiết, chuẩn mực về tiếng Việt, là những áng văn hay.

Nói tiếng Việt “bị xâm lăng”, nghe ra có vẻ hơi quá, vì hiện tượng này mới diễn ra ở quy mô nhỏ, nhưng tiếc thay lại diễn ra mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Từ tiếng nước ngoài được sử dụng “vô tư”, không cần dịch nghĩa, giải thích. Đơn giản là những từ cửa miệng: Ok, No, Yes, Good, Very good; Sành điệu hơn là những từ hot, hotboy, hotgirl, diva, hit, chat…; Chính thức hơn là những thuật ngữ chuyên môn: GDP, IQ, ICOR v.v... Những danh từ tiếng Anh có từ tương đương trong tiếng Việt vẫn được sử dụng tràn lan như Showbiz, MC, Gameshow, Live Show, rocker, logistics, format, scandal, stress, PR, blogger, xêm xêm... Có cả những từ “trộn” Anh- Việt như Show diễn, sàn catwalk, các bài hit, tuổi teen… Rồi còn có cả những chương trình truyền hình tên tiếng Anh như Vietnam Idol, Vietnam Got Talent, Vietnam Next Top Model, The Voice v.v... Cứ như thế này thì tiếng Việt còn gì trong sáng và thuần Việt?

Ở lĩnh vực nào tiếng nước ngoài được “tôn vinh” nhất? Ở mọi lĩnh vực, nhưng nhiều nhất là trong ngành giải trí, giới nghệ thuật. Thật phản cảm khi người dẫn chương trình (MC), ca sĩ, diễn viên trên sân khấu nói một câu, một vài từ tiếng nước ngoài trước khi nói lại bằng tiếng Việt, hoặc ngược lại, nói từ tiếng Việt trước, dẫn từ tiếng Anh sau để diễn giải, cứ như tiếng nước ngoài mới là “chuẩn”. Rồi trong nhiều chương trình ca nhạc, nhiều ca sĩ “ưu tiên” chọn bài hát nước ngoài, say sưa diễn, biểu cảm. Đó là chưa kể một số ca sĩ vừa hát xong, phấn chấn hét lên “I love you”, giơ tay gửi chiếc hôn gió, gây khó chịu cho người nghe, người xem. Người Việt mấy khi bày tỏ “tình yêu công cộng” như thế? Nhiều ca sĩ có tuổi chỉ cúi đầu, nói “cám ơn” vừa đủ nghe.

Ngoài xã hội cũng có những biểu hiện sính ngoại, phổ biến như trương to tướng biển hiệu, tên cửa hàng, cửa hiệu, tên tòa nhà bằng tiếng nước ngoài. Nhiều biển hiệu viết chữ tiếng nước ngoài ở trên, to hơn tiếng Việt.

Trong báo chí thì sự trong sáng của tiếng Việt ít bị vi phạm hơn, nhưng bị “xâm hại” dưới dạng dùng lại những từ ngoại nhập như showbiz, tuổi teen, gameshow, live show của ngôn ngữ nói, và dùng cách viết, cách thể hiện đôi lúc đặc sệt phong cách nước ngoài, nhất là trong các tin, bài dịch từ báo chí nước ngoài. Gần đây trên báo chí còn xuất hiện xu hướng dùng nguyên tên nước, địa danh bằng tiếng nước ngoài, không phiên âm như thông lệ để phục vụ đông đảo bạn đọc. Trong thực tế, từ lâu đã hình thành một hệ thống tên nước phiên âm, Việt hóa dễ đọc, dễ nhớ như Mat-xcơ-va, Bắc Kinh, Mỹ… ai cũng đọc được, nghe là hiểu ngay. Ngày nay, những Egypt, Cypros, Maldives, Moscow, Jakarta, London v.v... được sử dụng khá phổ biến trên các báo, trừ một số báo chính thống như báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân.

Trong bối cảnh hội nhập thì dùng hạn chế tiếng nước ngoài ở một mức độ nào đó cũng có thể chấp nhận được, nhưng có lúc sự lạm dụng vượt quá ngưỡng cho phép của pháp luật. Cứ như chiến dịch “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” (tiếng Việt không phải là hàng), mở rộng ra lĩnh vực ngôn ngữ, thì tiếng mẹ đẻ cần phải được tôn trọng, ngoại trừ đối với một vài trường hợp như từ internet, là phát minh mới của loài người, cả thế giới đều dùng, chấp nhận dùng nguyên thể, dù dịch ra tiếng Việt cũng được.

Có thể khẳng định rằng mọi ngôn ngữ đều có thể chuyển ngữ được, kể cả sang tiếng Việt, và những từ riêng lẻ, dù khó đến mấy cũng không phải không có từ tương đương. Nói cách khác, có thể giữ được sự trong sáng của tiếng Việt, miễn là có ý thức về việc này. Nhiều người hài hước cho rằng người sính dùng (pha) tiếng nước ngoài là người hoặc rất giỏi, hoặc là người rất kém tiếng Việt, tiếng nước ngoài, vì không hiểu hết các sắc thái của ngôn ngữ, ngộ nhận sự hiểu biết của mình.

Vấn đề bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cũng đã được nêu tại diễn đàn Quốc hội. Có đại biểu đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về việc trách nhiệm của một cơ quan quản lý nhà nước về việc này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có lần phát biểu, đã chỉ ra trách nhiệm thuộc về viện nghiên cứu ngôn ngữ, thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có nỗ lực rõ rệt. Thiết nghĩ Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội là cơ quan có quyền lực có trách nhiệm giám sát, thúc đẩy công cuộc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, tiếng Việt của chúng ta được bổ sung nhiều từ ngữ, được Việt hóa. Tiếng Việt ngày nay có nhiều từ Hán Việt rất hay, gọn và lọn nghĩa. Một số từ tiếng Pháp, Anh cũng vậy, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học- kỹ thuật. May mắn thay, tiếng Việt vẫn thuần khiết, trong sáng, đẹp và giữ vững được bản sắc. Tuy nhiên, trước làn sóng hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, mong rằng các nhà báo hãy cùng tham gia, tham gia tích cực, có ý thức vào việc giữ gìn sự trong sáng, cái đẹp của ngôn ngữ Việt.

Hà Minh

Nguồn: Nhà báo và Công luận

Tin nổi bật