Rolling Stone - Khi “hòn đá tảng” bị rao bán

Đúng vào năm tròn tuổi 50, Rolling Stone – tờ tạp chí nổi tiếng bậc nhất chuyên về âm nhạc, chính trị và văn hóa đại chúng, được ví là “Hòn đá tảng” trong làng báo chí âm nhạc thế giới - lại bị rao bán. Động thái này thêm một lần nữa cho thấy sự suy thoái trên đà “tuột dốc không phanh” của ngành báo chí xuất bản toàn cầu.

5 thập kỷ lẫy lừng

Năm 1967, sự bùng nổ của ngành công nghiệp ghi âm đã khiến chàng trai người Mỹ Jann Simon Wenner bật lên ý tưởng: thế giới âm nhạc đang ngày càng sôi động rất cần được phản ánh một cách chuyên sâu, có nghề. Cùng với một người bạn – nhà phê bình âm nhạc  Ralph J. Gleason, Jann Simon Wenner đã cho ra đời tờ tạp chí chuyên về âm nhạc và văn hóa đại chúng mang tên – Rolling Stone (tên một ca khúc của Muddy Waters). Ngay từ ấn bản đầu tiên, đề ngày 9 tháng 11 năm 1967, Rolling Stone đã tạo nên giọng điệu rất riêng với những bài viết chuyên sâu về âm nhạc với văn phong báo chí được xem là “truyền thống, chuẩn mực”, khác hẳn với lối viết “ào ào theo thời cuộc” của nhiều tờ tạp chí thời bấy giờ.

Tuy nhiên, làm nên thương hiệu Rolling Stone trong làng báo chí âm nhạc không chỉ là những bài viết mang tính chuyên môn cao mà còn bởi những bài phê bình và các bảng xếp hạng âm nhạc đầy… tranh cãi. Một điều rất đặc biệt về Rolling Stone  mà có lẽ ít tạp chí cùng loại nào có được đó là việc không chỉ là tờ tạp chí chuyên sâu và được đánh giá cao về âm nhạc và văn hóa đại chúng, Rolling Stone nổi danh trong làng báo Mỹ và được độc giả nước này săn đón nhờ những bài viết độc đáo, mang đậm phong cách riêng về những vấn đề chính trị thông qua chuyên trang National Affairs (Các vấn đề quốc gia), với sự tham gia viết bài của rất nhiều những cây bút sắc sảo.

50 năm tồn tại phát triển, dẫu có lúc thăng lúc trầm, nhưng với việc liên tục mạnh dạn nhìn lại mình, liên tục đổi mới để bắt kịp các trào lưu, xu hướng mới, bất chấp “cơn bão” khủng hoảng báo in toàn cầu, Rolling Stone trong nhiều giai đoạn vẫn giữ vững  “phong độ” là một trong những tạp chí âm nhạc bán chạy nhất (với số bản in khoảng 1,2-1,3 triệu bản/kỳ, tuần 2 kỳ), mang tầm ảnh hưởng lớn nhất và được lên bìa tạp chí này là mơ ước của hầu hết các ca sỹ. Trên tất cả, Rolling Stone được ghi nhận là một hiện tượng văn hóa Mỹ.

Tương lai mịt mù

Điều chua xót cho không chỉ làng báo Mỹ là hiện tượng báo chí, văn hóa Mỹ ngày nào nay đứng trước tương lai bất định. Theo tờ Financial Times, quyết định bán đi toàn bộ cổ phần kiểm soát tạp chí của ông Jann Wenner sau 50 năm thành lập cho thấy tạp chí đã đi đến điểm kịch trần của sự khó khăn. Dù đã quyết định chuyển từ báo in sang báo điện tử, Rolling Stone vẫn rơi vào tình trạng sụt giảm thê thảm lượng phát hành.

Bên cạnh doanh thu ảm đạm, những bê bối liên tiếp gần đây xảy ra với tờ tạp chí danh tiếng trong khoảng 2 năm gần đây cũng được giới quan sát đánh giá là nguyên nhân quan trọng đẩy “hòn đá tảng” vào những bế tắc không lối thoát, uy tín suy giảm nghiêm trọng.

Truyền thông hồi năm 2015 đã ồn ào chuyện Hội nam sinh ĐH Virginia (Mỹ) đệ trình lên tòa án bang Virginia trong đó cáo buộc tạp chí Rolling Stone và tác giả bài viết “Vụ cưỡng hiếp ở trường đại học” tội phỉ báng và làm mất uy tín của hội này. Trong bài báo dài 9.000 chữ đăng vào tháng 11/2014, phóng viên Sabrina Rubin Erdely đã dẫn lời nữ sinh tên “Jackie” cáo buộc cô bị cưỡng hiếp tập thể trong tòa nhà Hội nam sinh Phi Kappa Psi hồi tháng 9/2012.

Tuy nhiên, khi bài báo đăng, cảnh sát vào cuộc tiến hành điều tra nhưng không phát hiện bất kỳ dấu vết nào của vụ cưỡng hiếp. Trong bài báo, Jackie khẳng định vụ cưỡng hiếp xảy ra khi Hội nam sinh Phi Kappa Psi tổ chức một bữa tiệc. Nhưng trên thực tế không có bữa tiệc nào diễn ra hôm đó.

Ngày 5/12/2014, Rolling Stone phải lên tiếng thừa nhận “đã có những thông tin không khớp trong câu chuyện của Jackie” và đến tháng 4/2015, buộc phải công khai xin lỗi và rút lại bài báo. Cũng trong năm 2015 này, Rolling Stone đã vấp phải phản ứng dữ dội từ ngôi sao nhạc rock Sinead O’Connor, do đăng ảnh ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian trên trang bìa. Sinead O’Connor còn kêu gọi tẩy chay Rolling Stone. Nhiều ý kiến đồng tình với nữ ca sĩ này và đồng nhất với nhận định “Lâu nay Rolling Stone không còn là một tạp chí âm nhạc nghiêm túc nữa”.

Trước áp lực tồn tại, công ty Wenner Media, đơn vị chủ quản của tạp chí Rolling Stone, năm ngoái đã bán 49% cổ phần trong các tài sản báo in và báo điện tử của Rolling Stone cho công ty BandLab Technologies có trụ sở tại Singapore. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa biết Kuok có muốn nắm giữ cổ phần chi phối của Rolling Stone hay không. Đầu năm nay, ông Wenner bán 2 tạp chí khác của công ty Wenner Media là tạp chí US Weekly và nguyệt san Men’s Journal cho công ty American Media.

Jann Simon Wenner – người từng góp công đầu làm nên danh tiếng của  Rolling Stone, người đồng sáng lập và là vị TBT được xem là “vĩnh cửu” của Rolling Stone – giờ đây đang thở dài bất lực. Ở tuổi 71, Wenner không những không thể làm gì hơn để cứu vãn Rolling Stone mà bản thân ông, hy vọng được tiếp tục giữ vai trò chủ bút tại tờ báo nơi mình sáng lập cũng còn là mong manh, nếu một khi ông chủ mới của “hòn đá tảng” nói lời từ chối với ông.

Theo Hà Trang/congluan.vn

Tin nổi bật