Reuters: Trung Quốc xúi giục ngư dân cướp cá của láng giềng

Theo Reuters, hàng vạn tàu cá Trung Quốc đang được chính phủ trợ cấp và trang bị rất tốt để đánh bắt trái phép ở Biển Đông nhằm nhiều mục đích, cả thương mại thủy sản lẫn mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Reuters cho hay, theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hồi cuối năm ngoái, hơn 50.000 tàu cá nước này đã được lắp đặt hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu nhằm phục vụ cho việc đánh bắt trái phép ở Biển Đông. Hầu hết chi phí lắp đặt là do chính phủ tài trợ.

Với hệ thống trên, khi bị tàu tuần tra của Việt Nam hay Philippines bắt gặp đang đánh bắt trái phép, tàu Trung Quốc có thể liên lạc ngay được với lực lượng tuần duyên Trung Quốc.

Tính đến cuối năm 2012, với 16 vệ tinh trên khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhiều vệ tinh khác đang lên kế hoạch được triển khai, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu được coi là một đối thủ đáng gờm đối với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ và Glonass của Nga.

Đội tàu đánh cá của Trung Quốc ở đảo Hải Nam

Theo Reuters, mặc dù không biết thực tế các tàu cá Trung Quốc đã phải dùng hệ thống này để gọi cứu trợ hay chưa, nhưng các ngư dân mà Reuters phỏng vấn đều cho biết họ chưa từng phải gọi cứu trợ.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho hay, tín hiệu cấp cứu sẽ gửi thông điệp thẳng tới giới chức Trung Quốc. Sau đó, Bắc Đẩu sẽ gửi dữ liệu về vị trí chính xác của chiếc tàu. Hệ thống nhắn tin độc đáo của Bắc Đẩu còn cho phép người dùng liên lạc với các ngư dân khác, gia đình và bạn bè của họ.

Hơn nữa, theo Reuters, một số ngư dân Trung Quốc cho biết, các quan chức tỉnh Hải Nam khuyến khích họ đánh bắt trái phép gần quần đảo Trường Sa, cách đảo Hải Nam tới 1100 km về phía nam.

Bên cạnh đó, Reuters dẫn lời một ngư dân khác cho hay, họ được trợ cấp nhiên liệu cho mỗi chuyến đi. Một chiếc tàu cá có động cơ 500 mã lực sẽ được nhận 2000 đến 3000 nhân dân tệ (tương đương 320 tới 480 USD) mỗi ngày.

Anh này nói: “Chính phủ nói với chúng tôi nơi cần đi tới và họ trợ cấp tiền nhiên liệu dựa vào loại động cơ”.

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, một tuần sau khi vừa nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc hồi tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm bất ngờ đến làng chài Đàm Môn, nơi ông cam kết với các ngư dân rằng chính phủ Trung Quốc sẽ làm nhiều hơn để bảo vệ họ khi họ đánh bắt trái phép ở những vùng biển tranh chấp.

Reuters cho rằng, Trung Quốc đang hỗ trợ rất lớn cho ngư dân để họ có thể tiến sâu hơn vào vùng Biển Đông, một phần trong kế hoạch thực hiện mưu đồ khẳng định những yêu sách chủ quyền vô lý của nước này.

Tàu đánh cá Trung Quốc đang được hỗ trợ rất tốt để đánh trái phép ở Biển Đông.

Để tạo ra được các lý do hợp lý cho đội tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông, hồi tháng 10/2012, Cục Hải Dương Trung Quốc cho rằng, trữ lượng thủy hải sản ở gần bờ biển Trung Quốc đã bị cạn kiệt.

Đánh bắt trái phép vì thiếu cá ăn?

Theo một số nhà phân tích, những lý giải về hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông thường tập trung vào vai trò chiến lược của vùng biển này. Theo họ, lý do hiếm khi được nhắc tới đó là nguồn hải sản phong phú ở đây. Ví dụ, theo báo cáo năm 2014 của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (PAO), lượng thủy hải sản tiêu thụ bình quân đầu người của Trung Quốc là 35,1 kg, cao gần gấp đôi so với mức bình quân thế giới là 18,9 kg.

Reuters dẫn lời ông Alan Dupont, một giáo sư về an ninh quốc tế từ đại học New South Wales ở Úc cho biết: "Các sản phẩm thủy hải sản đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của người Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng đây là một lý do mà hầu hết mọi người đều không tính đến khi xem xét (hành động của Trung Quốc) trong các cuộc xung đột và tranh chấp” ở Biển Đông.

“Rõ ràng là đội tàu cá Trung Quốc đang được chính phủ khuyến khích đánh bắt ở các vùng biển tranh chấp...Tôi nghĩ chính phủ đang khuyến khích các tàu cá làm như vậy cả vì lý do địa chính trị và cả vì những lý do kinh tế và thương mại”, ông Alan nói thêm.

Reuters nhận định thêm, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Bắc Kinh đã liên tục phô diễn sức mạnh “cơ bắp” ở Biển Đông.

Hồi cuối năm 2013, Trung Quốc đã điều tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh tới Biển Đông để tham gia các cuộc diễn tập. Tháng 3/2014, tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã phong tỏa, ngăn chặn, không cho tàu của Philippines tiếp vận nhu yếu phẩm cho các binh sĩ đóng quân tại bãi Cỏ Rong. Nghiêm trọng hơn, hồi đầu tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc còn có nhiều hành động gây hấn khác với các nước láng giềng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Reuters của Anh, một trong những hãng tin lớn nhất thế giới.

PHẠM KHÁNH (lược dịch)

Infonet

Tin nổi bật