Phóng viên thường trú phải sinh hoạt Hội nhà báo Việt Nam hai chiều

(ICTPress) - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu vừa cho biết phóng viên thường trú tại địa phương sẽ hoạt Hội nhà báo Việt Nam hai chiều tại cơ quan báo chí của phóng viên và Hội nhà báo địa phương.

Tại Hội nghị triển khai công tác Hội nhà báo Việt Nam năm 2017 vừa diễn ra tại Lâm Đồng, Chủ tịch Thuận Hữu cho biết Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam đã quyết định theo Điều lệ Hội, phóng viên thường trú phải sinh hoạt Hội nhà báo VN hai chiều, vừa sinh hoạt với cơ quan báo chí của phóng viên và Hội nhà báo địa phương, nơi phóng viên thường trú.

Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Hội nhà báo VN 2017

Chủ tịch Thuận Hữu cũng cho biết các địa phương trong khi xét duyệt cấp phép cho mở Văn phòng đại diện của cơ quan báo, đồng thời cũng phải xem xét nhân sự của văn phòng đại diện thường trú.

Theo Chủ tịch Thuận Hữu, thời gian vừa qua việc quản lý phóng viên thường trú tại địa phương có những lỏng lẻo cần phải siết chặt. Ở cấp Trung ương, Ban Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội nhà báo Việt Nam đã phối hợp trong công tác quản lý, giao ban báo chí. Ở địa phương sẽ là Ban Tuyên giáo, Sở TT&TT và Hội nhà báo tỉnh thành sẽ phối hợp.

Chủ tịch Thuận Hữu cho biết qua theo dõi của Hội nhà báo Việt Nam có hiện tượng có phóng viên trong suốt một năm không có một tin, bài nào về việc tốt, thay vào đó chỉ là những thông tin đánh đấm. Nhiều văn phòng đại diện các báo ở địa phương có quá nhiều cộng tác viên. Nhiều cơ quan báo tự in thẻ của báo cho cộng tác viên. Như vậy, không trách nhiệm. Hay có báo này đuổi việc phóng viên này thì báo kia nhận về. Không thể để tình trạng này kéo dài.

Chủ tịch Thuận Hữu cũng đặc biệt nêu hiện tượng có một số tờ báo điện tử có hiện tượng đưa bài lên, gỡ bài xuống để lấy view. Nhiều thông tin nhảm nhí vẫn được đăng tải. Những người làm báo chân chính thấy là không nên.

Theo đó, Chủ tịch Thuận Hữu đề nghị các cơ quan báo điện tử bỏ bớt những thông tin nhảm nhí, giật gân, câu khách. Báo chí không nên vì mối lợi ích trước mắt để câu view, làm bất ổn xã hội… Các cơ quan báo chí, nhà báo hãy thực hiện 10 quy định đạo đức người làm làm báo Việt Nam, đặc biệt lưu ý Điều 5 “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Theo đó, nhà báo tham gia mạng xã hội phải có trách nhiệm.

Tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Phạm Văn Linh cũng đã nhấn mạnh: “Tác động của báo chí đối với xã hội là rất lớn. Một sự kiện đưa ra nếu chọn đúng vấn đề mà xã hội quan tâm sẽ tạo được sức lan tỏa, có một hiệu ứng xã hội rất lớn. Thời gian qua, đã có những vấn đề tiêu cực mà báo chí phát hiện được xã hội rất hoan nghênh. Tuy nhiên, thực tế cũng có những vụ việc báo chí đưa không đúng đã có tác động không tốt, gây những dư luận và hậu quả khó lường đối với sự phát triển của xã hội. Mà vụ đưa tin không đúng về nước mắm vừa qua là một ví dụ điển hình…”. Vì vậy, khi thông tin về một vấn đề nào đó, báo chí cần phải thể hiện làm sao nói cho chính xác, khách quan và có tính xây dựng; phải hết sức thận trọng, hết sức trách nhiệm để thông tin vừa đảm bảo sự phát triển nhưng phát triển theo đúng định hướng của báo chí Cách mạng. 

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, hoàn thành tốt những nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề hoạt động của năm 2017, các cấp Hội đầu tư nghiên cứu, xây dựng chương trình công tác, kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp với thực tiễn của đơn vị, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động Hội cũng như chất lượng báo chí, trong đó tập trung một số nội dung trọng tâm như:

Các cấp Hội tiếp tục động viên, cổ vũ hội viên, người làm báo làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, cổ vũ thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết TW 4 (khóa XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị về hoc tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước.

Tổ chức quán triệt, thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam đến tất cả các tổ chức Hội và hội viên. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời việc vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức người làm báo.

Tiếp tục làm tốt công tác rà soát tổ chức Hội, đội ngũ hội viên, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong toàn hệ thống các cấp Hội; Phát động đợt thi đua rộng khắp trong tất cả các cấp Hội và hội viên thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, Luật Báo chí 2016 và Chỉ thị số 120/CT-HNBVN ngày 10/4/2017 của Hội Nhà báo Việt Nam về việc tổ chức học tập, thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

 LP

Tin nổi bật