Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Làm sao để danh dự nhà báo được tôn vinh

“Trước sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức thông tin khác nhau, vấn đề là làm sao để danh dự, đạo đức của các nhà báo được đề cao, được tôn vinh. Mong rằng báo chí của nước nhà luôn giữ được lòng tin của nhân dân", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Mong báo chí luôn giữ được lòng tin của nhân dân

Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 vừa được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức chiều 18/1/2017 tại Hà Nội.

Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn, cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan báo chí. Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo đồng chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao sự đồng hành của báo giới với Chính phủ và đất nước trong năm 2016.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chúc mừng báo giới đã đồng hành cùng Chính phủ và cả nước, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ trong một năm có rất nhiều sự kiện.

“Năm vừa rồi, ngoài việc thông tin vận động nhân dân thực hiện chủ trương và các chương trình của Chính phủ, công tác báo chí giúp phản biện, xây dựng chính sách có bước tiến rất rõ rệt. Sự chỉ đạo của Chính phủ về một số vấn đề liên quan tới người dân như y tế, vệ sinh thực phẩm, đổi mới giáo dục... nếu không có sự tuyên truyền, đặc biệt là sự phản biện, góp ý xây dựng chính sách đó thì Chính phủ và các Bộ, ngành không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao Bằng khen cho 17 cá nhân và 3 chuyên mục có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin tuyên truyền.

Phó Thủ tướng đặc biệt chia sẻ với những thách thức của báo chí. Theo chính sách chung, bao cấp ít đi, kể cả những báo trước tới nay nghĩ là bao cấp 100% như Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân cũng phải lo kinh phí để tăng thu nhập. Báo chí không đơn thuần chạy theo tính thương mại, nhưng phải dành tâm lực lớn lo kinh tế để báo phát triển, đời sống của anh em được nâng lên.

Cộng vào đó, công nghệ phát triển rất mạnh, các hình thức thông tin khác giành giật thị phần, ở đó đặc biệt lượng tin rất nhiều. Sự tham gia của các hình thức như mạng xã hội, báo đài của nước ngoài, buộc chúng ta phải vào cuộc cạnh tranh thông tin lớn hơn, đặt ra thách thức lớn cho làng báo.

Năm vừa qua đã xử lý nghiêm một số vụ việc. Mong rằng sự xử lý đó chỉ mang tính sự cố, làm để nhắc nhau chứ không mang tính thường xuyên, muc đích của việc quản lý, xử lý là để báo chí phát triển hơn.

“Trước sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức thông tin khác nhau, vấn đề là làm sao để danh dự, đạo đức của các nhà báo được đề cao, được tôn vinh. Trên mạng xã hội bây giờ, một lực lượng lớn Facebooker là nhà báo, tiếng nói của nhà báo có trọng lượng hơn nhiều so với những người tham gia mạng xã hội khác. Tôi thật sự mong rằng báo chí của nước nhà luôn giữ được lòng tin của cộng đồng, của xã hội, của nhân dân. Điều này vô cùng quan trọng, vì một khi báo chí chính thức lên tiếng mà có lòng tin thì tất cả những luồng thông tin sai lệch, không có thiện chí sẽ tự nhiên giảm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về việc năm vừa qua, hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí của Chính phủ và các Bộ, ngành đã tốt hơn nhiều so với trước, Phó Thủ tướng lưu ý: “Chính phủ mới chỉ cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách đã ban hành một cách tương đối đầy đủ, kịp thời hơn trước. Nhưng thông tin trong quá trình chuẩn bị ban hành chính sách vẫn chưa tốt. Báo chí có chức năng định hướng dư luận, vận động chính sách, thì Chính phủ và các Bộ ngành phải làm tốt hơn việc này”.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị thời gian tới tăng cường quản lý về bản quyền để bảo vệ quyền hợp pháp của các báo; tăng cường bảo vệ quyền và lơi ích hợp pháp của từng nhà báo.

“Bức tranh” báo chí năm 2016

Báo cáo tại hội nghị về tình hình hoạt động báo chí thời gian qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: Hiện cả nước có 859 cơ quan báo chí. Tính đến tháng 9/2016, cả nước có 18.360 nhà báo được cấp thẻ và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại cơ quan báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo. Tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí năm 2016 đạt khoảng 14.000 tỷ đồng, trong đó, các đài phát thanh, truyền hình đạt hơn 10.000 tỷ đồng, báo in, báo điện tử đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo (ngoài cùng bên trái) đồng chủ trì hội nghị.

Về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Cùng với hệ thống cơ quan báo chí điện tử các trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò là kênh thông tin nối dài, kịp thời và chuyên sâu về một vấn đề, lĩnh vực theo đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động đã được quy định trong giấy phép hoạt động báo chí của mình, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.

Những ưu điểm nêu trên có được nhờ nhiều yếu tố gồm: Sự nỗ lực, quyết tâm đổi mới trong chỉ đạo, định hướng, quản lý của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí được triển khai quyết liệt, nghiêm minh, lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực báo chí; Sự đầu tư đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ của các cơ quan báo chí...

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, hoạt động thông tin báo chí vẫn còn tồn tại những thiếu sót, khuyết điểm, tập trung ở các dạng sai phạm chủ yếu sau: Còn tình trạng cơ quan báo chí không tập trung phản ánh hoạt động của ngành, lĩnh vực mình, sa đà phản ánh những vấn đề thuộc lĩnh vực khác không đúng tôn chỉ, mục đích; Thông tin phiến diện, không cân bằng, đăng tải quá nhiều tin tiêu cực, giật gân câu khách, gây cảm giác u ám, nặng nề trong đời sống xã hội; Thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp lợi ích của đất nước, của nhân dân; Thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân; Vi phạm về bản quyền trên báo chí; Nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm những sơ hở, hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp để gây áp lực với động cơ không lành mạnh, thậm chí dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật;...

Một số nguyên nhân đáng chú ý dẫn tới những thiếu sót, khuyết điểm đó là: Ý thức chấp hành kỷ luật về thông tin của lãnh đạo một số cơ quan báo chí chưa nghiêm; Không ít cơ quan báo chí thực hiện việc liên kết với đối tác bên ngoài nhưng lại chưa quản lý tốt nội dung, thậm chí còn bị đối tác chi phối cả nội dung thông tin; Một số cơ quan chủ quản chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm, buông lỏng quản lý cán bộ hoặc nể nang, chưa kiên quyết trong xử lý sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền.

Bình Minh/Infonet

Tin nổi bật