Phát thanh viên - NSƯT Kim Cúc: Đam mê trong từng hơi thở…

Là một trong hai nữ PTV đọc bản tin chiến thắng ngày 30/4/1975, NSƯT Kim Cúc vẫn được thính giả nhắc đến suốt hơn 40 năm qua bởi chất giọng truyền cảm, đi vào lòng người. Gặp lại cô, vẫn giọng đọc quen thuộc ngày nào, cô kể lại câu chuyện của cách đây 40 năm bằng niềm vui của người cảm thấy may mắn và vinh dự góp mặt trong khoảnh khắc quan trọng của lịch sử. Còn tôi, ngồi nghe như nuốt từng lời…

Niềm hạnh phúc không gì tả hết

NSƯT Kim Cúc khi đã về hưu.

40 năm đã trôi qua nhưng ký ức về giờ khắc ý nghĩa mà lịch sử ban tặng dường như vẫn còn đầy ắp trong lòng người PTV đã nghỉ hưu nhiều năm nay. Có rất nhiều người nhắc đến cô, trả lại niềm vinh dự sau nhiều năm có sự nhầm lẫn về người đầu tiên đọc bản tin chiến thắng, cô vẫn ăm ắp niềm hạnh phúc, giống như chuyện của một thời vừa thoáng qua đây.

Ngày 30/4/1975, những thông tin về giải phóng miền Nam trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đã làm nức lòng nhân dân cả nước. Người đọc bản tin trên sóng Đài TNVN tại thời khắc thiêng liêng đó kể lại: Ca trực hồi đó thường phân công một PTV nam và một PTV nữ, hoặc hai PTV nữ của hai miền đảm nhiệm. Khi có tin quân và dân ta chiến thắng hay bắn rơi máy bay Mỹ ở khu vực nào, chúng tôi đọc trực tiếp lên sóng phát thanh xen giữa các chương trình đã thu băng sẵn. Hôm ấy, tôi và chị Kim Tuý cùng ca trực. Chưa đến giờ phát bản tin trưa, vừa thu xong một phần băng thì anh Trần Trọng Truỷ - người nhận và biên tập tin của ca trực đó - chạy ào vào phòng. Tôi còn nhớ như in hình ảnh anh cầm tờ tin huơ lên, hét to: “Chiến thắng rồi!” và dúi bản tin vào tay chúng tôi, giục giã: “Hai chị vào đọc đi, giải phóng Sài Gòn rồi! Giải phóng Sài Gòn rồi!”.

Người PTV ngồi trước mặt tôi kể đến đây mà mắt cô đỏ hoe, cảm xúc nghẹn lại, tôi cũng cảm giác như khí thế của ngày tháng ấy quấn vào tâm trí lúc nào không hay. Giọng đọc trên sóng phát thanh truyền cảm thế nào thì giọng kể đời thường của cô cũng như vậy. Bao nhiêu năm trong nghề, quả thực thời gian và tuổi tác không làm cho chất giọng ấy bớt đi phần nhiệt huyết. Cô kể mà như người PTV đang làm nhiệm vụ, chỉ khác là, có lẽ tuổi già đã khiến cô xúc động hơn khi nhắc về kỷ niệm.

Câu chuyện gián đoạn một vài giây, cô lại tiếp tục sôi nổi kể tiếp: Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi chạy như bay xuống tầng hầm, nơi đặt hệ thống truyền và phát thanh trực tiếp. Chị Tuý đứng trước micro, bắt đầu cất giọng đọc. Giọng chị thật truyền cảm. Vừa đọc, chị vừa nắm chặt tay tôi không rời. Chưa bao giờ tôi thấy chị đọc truyền cảm đến thế. Khi vừa dứt bản tin, chị chuyển ngay sang để tôi đọc lần thứ hai. Tôi cũng phải nắm tay chị Tuý để giữ bình tĩnh… Nói xong, cô như trở lại cái ngày lịch sử ấy, đọc dõng dạc cho chúng tôi nghe, rành rẽ và hào sảng: Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Vào hồi 11g30, quân ta đã tiến vào giải phóng Sài Gòn, chiếm Bộ Tổng tham mưu, Dương Văn Minh đã phải đầu hàng vô điều kiện, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc Dinh Độc lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”.

Có lẽ, thời khắc này với lịch sử chỉ là một lát cắt nhỏ bé nhưng với những con người trong cuộc thì cả cuộc đời của họ, ký ức ấy vẫn trọn vẹn mà khi nhắc đến, dù nhắc trăm lần, vẫn luôn là niềm hạnh phúc không gì tả hết.

Lẫn vào công chúng chứ không đứng một mình

NSƯT Kim Cúc thời trẻ.

Nếu chỉ nhắc về câu chuyện của lịch sử 40 năm trước, hẳn là chưa đủ để nói về NSƯT Kim Cúc. Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Kim Cúc vẫn tiếp tục công việc của một người PTV, thính giả quen thuộc với cô qua nhiều chương trình của Đài TNVN suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là chương trình Đọc truyện đêm khuya. Mặc dù đã nghỉ hưu chục năm nay, nhưng cô vẫn tiếp tục gắn bó với công việc này ở Đài TNVN, VTV, các xưởng phim và tham gia đào tạo các lớp PTV và nghề MC của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh, TTXVN hay của các địa phương tổ chức… Công việc vẫn cuốn hút người phụ nữ ấy, chung thủy với nó cho tới nay. NSƯT Kim Cúc cho biết thêm, hạnh phúc nhất với cô cũng như những PTV khác là mặc dù trở thành “người của công chúng” nhưng lẫn vào công chúng chứ không đứng một mình.

Đến với nghề PTV giống như duyên số, NSUT Kim Cúc bảo rằng, đó là mơ ước từ nhỏ mà cô đã miệt mài theo đuổi suốt chặng đường dài. Khi còn đang đi học lớp 10, cô đã được mời làm cộng tác viên cho Đài Truyền thanh Nam Định. Sau đó, được tuyển là diễn viên Đoàn văn công Hữu Ngạn. Trái tim của cô bé đôi mươi vẫn luôn ấp ủ ước mơ được làm việc tại 58 Quán sứ, Hà Nội và cô đã biến ước mơ thành hiện thực sau nhiều năm cố gắng. Cái ngày cô được mời sang làm việc cho Đài TNVN mà cô cứ nghĩ chỉ đơn giản là đi đọc thay, đọc hộ. Năm 1972, cô mới chính thức là người của Đài TNVN. Và cô cùng với các đồng nghiệp đã trở thành thế hệ PTV thứ hai, kế cận các anh, chị lớp trước. Hơn 40 năm qua, cô sống trọn vẹn với nghề, đam mê đến mức tưởng như quên đi cả những “khoảng trời riêng” của mình chỉ vì công việc. Lúc nào cũng bận rộn, đi sớm về khuya, càng thấm thía những nhọc nhằn lại càng yêu càng thấy thú vị.

NSƯT Kim Cúc (bên phải)

Có lẽ trời phú cho cô một chất giọng chạm đến cảm xúc sâu thẳm của người nghe, ngay cả lúc cô ngồi trò chuyện. Cô khẳng định rằng, nếu như khoảnh khắc của giây phút đọc bản tin chiến thắng là một may mắn lớn lao trong đời người thì bí kíp thành công trong nghề cho đến hôm nay, với cô không đơn giản chỉ là chuyện “trời phú”. Đam mê đến từng hơi thở với công việc trong phòng đọc, không gian lặng ngắt, những chiếc micrô lạnh ngắt chỉ có dòng chữ “Hàng triệu người đang nghe bạn nói” trên tấm biển xanh nho nhỏ treo trước mặt là nguồn động viên khích lệ nhưng cũng là sức ép tâm lí cho người PTV. Với cô, nghề nào cũng vậy, luôn luôn cần sự nỗ lực trong cả một hành trình chứ không chỉ là câu chuyện khoảnh khắc may mắn của lịch sử. Ý thức điều đó, cô luôn rèn giũa, bền bỉ luyện thanh, luyện giọng với kỷ luật tự giác thường xuyên, thường ngày. Cô chia sẻ: Tôi có cách rèn luyện riêng biệt để có thể đọc tốt được các thể loại tác phẩm, từ chính luận đến văn nghệ. Cao độ, trường độ, tốc độ, âm lượng của tiếng nói khác nhau để phù hợp với nội dung của câu viết, cường độ viết, thể loại viết… phải là sự kết hợp hài hòa giữa việc luyện giọng với ngữ điệu của cuộc sống hàng ngày. Tôi đi ra đường rất nhiều mà chỉ để nghe, nghe mọi người nói, chú ý đến cách nói của mọi người, cả đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ… rồi đến một ngày nào đó cần tác phẩm và chợt “gặp” được một ai đó ngoài đời mà mình đã nghe thấy, dạy cho mình cách đọc phù hợp với nhân vật.

Câu chuyện của chúng tôi xung quanh bản tin chiến thắng của cách đây 40 năm nhưng lại dài hàng vài tiếng đồng hồ bởi những cảm xúc của người trong cuộc, bởi sự tâm huyết, nhiệt thành của người phụ nữ đam mê với nghề. Chỉ muốn ngồi nghe cô nói mãi, cảm giác không còn là câu chuyện được kể lại mà như đang được “truyền lửa”. Thế mới hiểu rằng, nghề PTV chẳng hề nhàn nhã, không có đam mê, không tâm huyết sẽ chẳng thể gắn bó và chung thủy đến trọn đời như thế.

Chúng tôi không phải là tác giả của con chữ, nhưng lại phải đọc tất cả con chữ qua các tác phẩm. Vì thế kiến thức của người PTV không chỉ sâu mà còn rất đa dạng. Chúng tôi hiểu, biết, biểu hiện, diễn đạt tác phẩm bằng âm thanh. Mà muốn thành công thì phải diễn đạt đúng cái thần của tác phẩm đó. Người PTV phải nắm được hồn của tác phẩm. Từ đó, truyền cảm xúc một cách chân thực và đầy đủ tới thính giả những thông tin, những xúc cảm “gan ruột” của tác giả, thậm chí là hơn những gì họ mong muốn.

NSƯT KIM CÚC

Hà Vân

Nguồn: congluan.vn


Tin nổi bật