PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng: Nên khuyến khích các nhà báo in sách

Những năm gần đây, ngoài sự xuất hiện của những cuốn sách về lý thuyết, kỹ năng, kinh nghiệm làm báo, các nhà báo còn tập hợp các tác phẩm báo chí đặc sắc của mình để in thành sách. Việc này bước đầu đã được các đồng nghiệp đón nhận và góp thêm mầu sắc cho hoạt động nghề nghiệp. Thời Nay có cuộc trò chuyện với PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng (ảnh) - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam về vấn đề này.

PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng

Phóng viên (PV): Bà đánh giá thế nào về xu hướng gần đây các nhà báo chọn lọc các tác phẩm báo chí hay của mình để in sách?

PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng (ĐTTH): Trên thế giới, việc làm này đã hết sức phổ biến, như Thụy Điển là một điển hình, các nhà báo đều viết sách và xuất bản sách. Ở nước ta, việc in các tác phẩm báo chí thành sách diễn ra từ các thế hệ nhà báo kỳ cựu như Hữu Thọ, Phan Quang, Hồng Vinh… Và gần đây số lượng ấy có tăng lên đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa được thường xuyên.

Cá nhân tôi rất ủng hộ và nghĩ rằng chúng ta nên khuyến khích. Bởi các tài liệu về kiến thức và kỹ năng làm báo ở ta hiện còn rất mỏng. Đó sẽ là tư liệu cần thiết để các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên, sinh viên… có thể dễ dàng tìm hiểu, sẻ chia rồi rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực với nghề.

PV: Bà nhìn nhận thế nào khi nhiều loạt bài, chùm bài của các tác giả vốn đã đăng tải ở những thời điểm khác nhau, nay cùng được tập hợp trong một ấn phẩm. Sự “cô đúc” đó cho ta thấy điều gì?

ĐTTH: Việc tập hợp các bài báo sẽ giúp các nhà báo có thể nhìn thấy sự thay đổi, tiến bộ và trưởng thành trong quá trình làm báo của mình. Tương tự như vậy, nếu bạn đọc yêu thích tác giả ấy cũng có thể quan sát được điều đó. Việc in các bài báo thành sách của một nhà báo giống như việc xâu chuỗi các thời khắc của lịch sử để các nhà báo có một cái nhìn toàn diện nhất về những sự kiện đã diễn ra rồi từ đó đối chiếu, so sánh và chắp nối với các sự kiện đang diễn ra.

Ngày nay, công nghệ bùng nổ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử khiến thông tin đến và trôi đi cũng rất nhanh. Chính vì vậy, việc in thành sách các bài báo có chất lượng tốt sẽ tạo ra một kho kiến thức quý, lưu truyền được lâu hơn.

PV: Theo bà, về phía Hội nghề nghiệp hay cơ quan báo chí nên có sự quan tâm, hỗ trợ đến việc ra sách về đề tài báo chí của các hội viên như thế nào?

ĐTTH: Về mặt tinh thần, các cơ quan nên có sự biểu dương, động viên kịp thời. Về phía Hội Nhà báo Việt Nam, hằng năm các tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia đã được in thành sách và gửi về các liên chi hội, thư viện của các trường đại học báo chí trên cả nước. Toàn bộ chi phí in sách do ngân sách nhà nước hỗ trợ.

PV: Vừa qua, lần đầu Giải Báo chí toàn quốc về Thông tin đối ngoại đã có thêm hạng mục sách trong hệ thống giải. Với cái nhìn của người làm nghề lâu năm, bà nghĩ chúng ta có nên áp dụng với các giải báo chí khác không?

ĐTTH: Giải Báo chí về Thông tin đối ngoại tập trung vào một chủ đề cụ thể vì thế việc có thêm hạng mục chấm sách tôi nghĩ là cách làm sáng tạo và bắt kịp được với xu thế thời đại. Tương tự như vậy, chúng ta nên áp dụng với một số giải báo chí khác, tất nhiên chỉ là với những giải báo chí mang nội dung chuyên ngành.

Với những giải có quy mô lớn như Giải Báo chí Quốc gia do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, vì có hàng nghìn tác phẩm dự thi, trong khi số lượng thành viên ban giám khảo cũng như thời gian có hạn nên việc có thêm hạng mục sách sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu nhìn xa hơn, khi mà xu hướng các nhà báo in sách càng nhiều, tôi nghĩ những cuộc thi về nội dung, cách trình bày sách hay một số tiêu chí về ấn phẩm sách có thể được đặt lên “bàn cân”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Quang Hưng- Ngô Khiêm/ Thời nay

Tin nổi bật