Những sự kiện nổi bật trong nước tuần 22 - 28/5/2017

* Khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV; * Chính phủ kiên định với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng GDP 6,7%; * Xử lý cục máu đông nợ xấu 610.000 tỷ đồng; * Vấn đề xử lý nợ xấu 12 dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu; * Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh Cục Nghệ thuật biểu diễn.

(*) Kỳ họp Quốc hội thứ 3, Khóa XIV, sẽ xem xét thông qua 13 dự luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Tại kỳ họp, báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày trước Quốc hội đã nhìn thẳng vào thực chất của nền kinh tế đang phải đối đầu với nhiều khó khăn, thách thức, khi mà tăng trưởng kinh tế ở quý I/2017 ở mức thấp nhất trong những năm gần đây.

(*) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp khẩn bàn về tăng trưởng kinh tế. Mặc dù còn vô cùng khó khăn, Chính phủ vẫn cam kết đưa nền kinh tế cán đích tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,7%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp khẩn với các thành viên Chính phủ để bàn về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2017. Trong đó, một số chỉ tiêu cụ thể được giao cho các bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã họp khẩn với các thành viên Chính phủ để bàn về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2017

Tiêu biểu như ngành Nông nghiệp sẽ tăng trên 3%; Công nghiệp tăng 8%; Xây dựng tăng trên 10%  và Du lịch tăng 30%... Quan điểm của Chính phủ là chỉ có thực hiện được tăng trưởng thì mới đảm bảo được các cân đối vĩ mô như: ngân sách, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu và việc làm, thu nhập và đời sống người dân. Đồng thời tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững những năm tiếp theo.

Theo Báo Người Đại biểu Nhân dân, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% dù khó nhưng không phải không đạt được nếu những rào cản được dỡ bỏ, những "lô cốt", "tường thành" của bộ máy cồng kềnh và những "chiêu trò" hành dân, nhiễu doanh nghiệp trong một bộ phận đội ngũ công chức được chặn đứng.

(*) Xử lý “cục máu đông” 610.000 tỷ đồng nợ xấu. Dù tỷ lệ nợ xấu từ cuối nhiệm kỳ trước được đánh giá là về ngưỡng an toàn dưới 3%. Tuy nhiên khối nợ xấu hiện vẫn đang một trong những thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng được xem là điều dễ hiểu. Vì nếu nhìn vào lĩnh vực công nghiệp thì những đầu tàu của tăng trưởng là các dự án công nghiệp lớn được đầu tư từ nhiều năm trước để tạo tăng trưởng cho giai đoạn hiện nay thì đang bị đắp chiếu, hoặc làm ăn thua lỗ. Trong khi đó, cả nền kinh tế đang phải tiếp tục gánh hệ lụy của khối nợ xấu khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất cho vay.

Trong bài viết Xử lý "cục máu đông" 610.000 tỉ đồng nợ xấu, Báo Lao động đã dẫn lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: “Sau 4 năm đã giải quyết được 610.000 tỷ đồng nợ xấu là một thành công rất lớn. Thành công là bởi ngoài việc giữ cho nợ xấu không bị sụp đổ nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng của khối các tổ chức tín dụng”.

Dù sau 4 năm đã xử lý 610.000 tỉ đồng nợ xấu, song nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại về quy mô.

Mặc dù số lượng lớn nợ xấu đã được xử lý, nhưng theo báo cáo của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, nợ xấu đang có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến thời điểm cuối năm ngoái, nợ xấu nợ bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu đã ở mức 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư của cả nền kinh tế.

Cũng theo ông Lê Minh Hưng, việc củng cố lại hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém như mua bán lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để…

Vì thế, việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu tại kỳ họp này và nếu được thông qua thì Nghị quyết này được ví như là giải pháp căn cơ, là bước đi cần thiết để xử lý nợ xấu.

(*) Xử lý thế nào đối với các dự án nghìn tỷ đang "đắp chiếu"? Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 3, Khóa XIV,  lần đầu Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội 12 dự án nghìn tỷ đang "đắp chiếu" với tổng số nợ phải trả lên tới 55.000 tỷ đồng. Đây được xem là một gánh nặng đang đè lên nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tính riêng Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, một nhà máy đóng tàu của Vinashin sau khi được Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp quản thì Tập đoàn này đã rót về đây 5.000 tỷ đồng để trả nợ.

Đối với dự án này, đang có 3 phương án xử lý được xem xét gồm: Chuyển đổi sở hữu Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Phương án 2 là phá sản; Phương án 3 là tiếp tục tái cơ cấu.

Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án cho phá sản. Song, nếu lựa chọn phương án này, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sẽ mất ít nhất khoảng 5.000 tỷ đồng.

Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, một nhà máy đóng tàu của Vinashin sau khi được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tiếp quản thì Tập đoàn này đã rót về đây 5.000 tỷ đồng để trả nợ

Các dự án thua lỗ khác như: Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất xơ sợi Đình Vũ… cũng đã có phương án xử lý và sẽ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong năm nay. Phấn đấu đến hết năm sau sẽ tạo được chuyển biến căn bản trong xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án này.

Theo Báo Người lao động, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương, tập đoàn, tổng công ty tập trung giải quyết tồn đọng, có giải pháp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường, chia sẻ rủi ro với từng dự án và đặc biệt không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Còn trong báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ. Đặc biệt, có giải pháp dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo Quốc hội xem xét cho ý kiến.

(*) Yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao năng lực Cục Nghệ thuật biểu diễn. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày 26/4/2017.

Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.

Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Trước đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn cập nhật danh sách gần 300 ca khúc nhạc đỏ trên trang web: cucnghethuatbieudien.gov.vn. Theo ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc cập nhật danh sách này đồng nghĩa với việc thông báo những ca khúc này đã được phép phổ biến rộng rãi, rất quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.

Trong đó, có những ca khúc ca ngợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân và dân ta như: Tiến quân ca, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Chào em cô gái Lam Hồng, Biết ơn Võ Thị Sáu, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Bộ đội ta về làng.

Tuy nhiên, việc cập nhật danh sách các ca khúc cách mạng truyền thống, đã gây nên nhiều tranh cãi trong giới âm nhạc và công chúng.

Nguồn: Song Anh (tổng hợp)/ Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam

Tin nổi bật