Những cuốn sách quý giá của gia đình nhà báo Huỳnh Hùng Lý

Nhiều năm trở lại đây, tháng Tư là tháng của sách. Những ngày này, chợt nhớ đến một cuốn sách đặc biệt – cuốn sách được coi là một trong những tiểu thuyết Cách mạng miền Nam đầu tiên viết năm 1953 và lưu lạc cả nửa thế kỷ mới trở về. Đó là cuốn sách “Chiến đấu viên họ Trần” của cố nhà báo Huỳnh Hùng Lý.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, con trai nhà báo Huỳnh Hùng Lý đã mang cuốn sách này cùng những cuốn sách giá trị trong gia đình báo chí của mình ra Hà Nội hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam đợt vừa rồi. Xin nhắc về những cuốn sách đầy giá trị lịch sử và báo chí đó.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tặng những cuốn sách của gia đình cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - con trai ông còn chia sẻ, ông là một người lưu trữ tư liệu tuyệt vời. Những cuốn sách của nhà báo Huỳnh Hùng Lý hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí là những tư liệu quý giá, vừa gắn liền với những giai đoạn lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam, vừa có sự tiếp nối truyền thống báo chí của gia đình ông.

Năm 1953, nhà báo Huỳnh Hùng Lý xuất bản cuốn sách “Chiến đấu viên họ Trần” (ký tên Việt Hùng) viết về nhà cách mạng lão thành Trần Xuân Độ, một người mà tác giả đã nhận xét: “Cuộc đời ông là một thiên tiểu thuyết ly kỳ, hùng tráng, là một bài thơ hết sức đẹp đẽ, là một bức tranh màu sắc tuyệt vời”. Với lòng cảm phục và trân trọng, nhà báo Huỳnh Hùng Lý đã ghi lại cuộc đời của vị chiến đấu viên họ Trần với dung lượng không dài nhưng giá trị như một tiểu thuyết. Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, khi làm luận văn về cuốn sách này đã viết: “Đây là cuốn tiểu thuyết cách mạng miền nam đầu tiên”. Còn học giả Trần Bạch Đằng coi đây là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ cán bộ, thanh niên lúc bấy giờ. Tiếc rằng sau lần xuất bản đầu tiên, bản thảo của cuốn sách không còn.

Hai cuốn sách Chiến đấu viên họ Trần và Ngòi bút rượt đuổi thời gian của nhà báo Huỳnh Hùng Lý

Mãi đến năm 2001, gia đình ông Trần Xuân Độ gọi điện cho nhà báo Huỳnh Hùng Lý nói rằng vừa tìm được cuốn sách xuất bản năm 1953 ấy. Lúc này, chiến đấu viên Trần Xuân Độ đã qua đời. Ông đã đến từ thế kỷ XIX, đi qua gần trọn thế kỷ XX vinh quang. Nhà báo Huỳnh Hùng Lý quyết định tái bản cuốn sách “Chiến đấu viên họ Trần”. Lần tái bản này có phần viết tiếp theo về ông Trần Xuân Độ năm 1997 của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhiều bài viết khác về ông Trần Xuân Độ cho đến ngày ông mất (năm 1998). Thế là một cuốn sách lưu lạc gần nửa thế kỷ đã trở về và tái hiện lại đầy đủ hơn chân dung cuộc đời một chiến sĩ tiêu biểu của cách mạng.

Những cuốn sách báo chí của gia đình nhà báo Huỳnh Hùng Lý

Những cuốn sách của cố nhà báo Huỳnh Hùng Lý không chỉ là những tư liệu quý giá mà còn mang đậm dấu ấn làm báo của hai thế hệ trong gia đình được bao quanh bởi một “khí quyển” báo chí đậm đặc. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết, sinh thời, ba anh cũng có ước nguyện tặng lại những tư liệu quý giá đó để vừa phục vụ cho công tác đào tạo báo chí, vừa để mọi người hiểu thêm về báo chí cách mạng Việt Nam. Dù sao đi nữa, lịch sử vẫn bình lặng thổi qua và những trang báo cũng sẽ khép lại như cách sự kiện trôi đi trong dòng chảy. Nhưng có những cuốn sách có thể đi theo ta suốt cả cuộc đời, làm cho ta khóc và sống tốt hơn với cuộc sống ngắn ngủi này.

Nhà báo Huỳnh Hùng Lý từng là Bí thư Báo chí của Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Thư ký Tòa soạn Báo Nhân Dân miền Nam, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ bút tờ báo đối ngoại xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam "Miền Nam Việt Nam chiến đấu", (Sud Vietnam Enlutte)...

Cố nhà báo Hoàng Tùng, Bí thư TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đã đánh giá nhà báo Huỳnh Hùng Lý là một “Thư ký lịch sử” khi đề tựa tập hồi ký “Ngòi bút rượt đuổi thời gian” của ông xuất bản năm 2001. Đây là cuốn sách tập hợp những bài báo thời sự nóng hổi trong cuộc đời báo chí của nhà báo Huỳnh Hùng Lý. Một tác phẩm báo chí thường có giá trị mang tính thời điểm. Nhưng khi đã gắn liền với lịch sử để vượt lên, “rượt đuổi thời gian” sẽ mang một sức sống lâu dài. Mỗi một giai đoạn báo chí khác nhau sẽ có cách làm báo và tiếp cận báo chí khác nhau. Nhưng tư liệu chỉ có thiếu chứ không bao giờ thừa. Cuốn sách “Ngòi bút rượt đuổi thời gian” của nhà báo Huỳnh Hùng Lý - một nhà báo chính luận xuất sắc cùng thời với nhà báo Hoàng Tùng, nhà báo Trần Bạch Đằng là một tư liệu thể hiện một phong cách báo chí chính luận điển hình và đậm tính chân xác của lịch sử.

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử (nhandan.com.vn)

Tin nổi bật