Những cách viết mào đầu hấp dẫn

Khởi đầu một cái gì đó đều khó, huống hồ muốn có sự khởi đầu hấp dẫn. Dưới đây là những ví dụ về cách viết mào đầu hấp dẫn cho một tác phẩm báo chí, hãy cùng tham khảo.

Mào đầu dẫn dắt

Hãy tránh xa cách vào đề theo kiểu sách giáo khoa và hãy thử một mào đầu có tính chất giai thoại, với lỗi dẫn dắt có đôi chút hư cấu. Loại này ứng dụng rất tuyệt với với những chủ đề vốn khô khan hoặc các vấn đề khoa học có tính lý thuyết cao. Đây là đoạn mở đầu bài báo nói về những tiến bộ trong ngành khám chữa bệnh thính giác:

“ Một vài năm trước đây, một người bạn ngoài 40 tuổi kể với tôi rằng chị bị điếc từ năm lên sáu. Sau một ca phẫu thuật, thính giác của chị trở lại hoạt động bình thường. Xúc động nhất, chị kể, là khi tỉnh thuốc mê, thấy cô y tá mở vòi nước trong phòng tắm, chị có thể nghe được tiếng nước đang chảy.” Đó là một giai điệu tuyệt với”, chị nói.

Nếu tác giả dùng mào đầu bài viết để kể về lịch sử của ngành Y tế khám chữa bệnh thính giác hoặc tập hợp những thống kê, số liệu khoa học về việc hiện có bao nhiêu người đang bị các bệnh về thính giác… phóng viên có thể sẽ đánh mất độc giả của mình ngay lập tức.

Mào đầu bằng một nhân vật

Chuẩn bị viét một bài báo mà trong tay không có số liệu hoặc chưa đủ các tư liệu cần thiết, bạn hãy liều mình mào đầu bằng một nhân vật có liên quan đến chủ đề. Thực ra, bản thân nhân vật, khi được coi là điển hình, cũng đã là một dạng tư liệu hấp dẫ và đầy sức sống. Sau đây là mào đầu trong một bài viết về trào lưu sống thử trong thanh niên, sinh viên xa nhà hiện nay:

“D, sinh viên trường Nông lâm và Q, sinh viên Ngoại ngữ mới quen được một tuần, đến ngày thứ 8 đã kéo nhau về sống thử vợ chồng. Từ ăn mặc, chợ búa, mua sắm đến cả việc học hành lẫn “XX” đều không thể không chung”.

Tương tự như thế, sau hai đoạn tiếp theo, tác giả lại tiếp tục vẽ ra một bức tranh khác với nhân vật là cặp “vợ chồng sống thử” làm công nhân tại một khu công nghiệp. Cuối cùng trong đoạn kết, tác giả đưa ra quan điểm của những người ngoài cuộc về vấn đề này. Bài viết hoàn toàn không cung cấp số liệu, chỉ minh chứng bằng nhân vật và đưa ra một số ý kiến do tác giả thu thập được song vẫn khiến người đọc thấy hấp dẫn và tin cậy.

Mào đầu dựng cảnh

Một nhà báo kể lại: Sau khi tiếp xúc với hai người phụ nữ chuyên làm nhiệm vụ giúp việc chăm sóc người cao tuổi, tôi đã quyết định viết về họ. Tôi đã cố gắng thử đi thử lại tới năm, sáu lần viết mào đầu nhưng không thành. Nhân vật, công việc và sự tất bật của họ cứ hiện lên trước mắt mà tôi không biết túm vào đâu để bắt đầu bài viết. Một ý tưởng chợt loé lên, tôi “bê” nguyên sự bận rộn và nhiệt tình của họ vào mào đầu để chính nó tự nói lên tất cả. Đó là lý do tôi chọn một mào đầu dựng cảnh để có thể diễn đạt được ý tưởng của mình:

“Chuông điện thoại réo vang; Mẹ tôi đang cần đi chụp Xquang. Việc này phải mất tới vài ngày mà tôi đang bận đi công tác, không thể đưa bà đi được không?”

“Chuông điện thoại tiếp tục réo: Ông nội tôi…”

Sau đó tác giả liệt kê tiếp hai cuộc gọi nữa, cũng vẫn giữ nguyên hình thức thể hiện và tiếp đó nhà báo viết: “Mỗi lần nhấc điện thoại là một lần họ nói câu đồng ý. Họ luôn vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ. Họ chính là những người giúp việc gia đình tại thung lũng Lehigh, ở Guthsville, PA”.

Mào đầu gây sốc

Chẳng có gì hấp dẫn độc giả bằng một mào đầu gây sốc. Bạn có thể bắt đầu bài báo bằng một lời phát biểu, một hình ảnh sốc. Mào đầu này đặc biệt hiệu quả với những bài viết mang tính cảnh báo.

“Scott chết khi em mới được năm tuổi rưỡi. Em sinh ngày 29 tháng 12 năm 1969. Lúc mới sinh, Scott trông rất kháu khỉnh với mái tóc xoăn vàng nhạt và đôi mắt xanh to. Đặc biệt, em khỏe mạnh, háu ăn và hiếu động.

Nhưng rồi, Scott đã bị nhiễm bệnh Tay-sachs…”

Đây là mào đầu trong bài viết cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh Tay-sachs, một loại bệnh di truyền lặn với nhiễm sắc thể thân gây ngu đần và mù ở trẻ em. Căn bệnh này đang gia tăng trong khi nhiều cặp vợ chồng còn thờ ơ và thiếu hiểu biết về nó.

Đôi khi, muốn gây sốc cho độc giả, bạn có thể dùng đại từ nhân xưng để trực tiếp gọi và trò chuyện với độc giả ngay trong mào đầu.

“Những người cao tuổi nên thận trọng với những lời đường mật của một số tên dược sĩ dởm khi chúng nói rằng đang gửi đến cho các ông bà những thiết bị y tế được tài trợ bởi Chương trình của chính phủ Mỹ về chăm sóc người già trên 65 tuổi”.

Đưa ra câu hỏi

Một cách viết mào đầu khá quen thuộc là sử dụng câu trích dẫn của một nhân vật có thế lực kèm theo giới thiệu tên, xuất xứ, chuyên môn của người đó hoặc bối cảnh phát ngôn.

“ Ngày 2/10, phát biểu trên truyền hình. Cảnh sát trưởng Iran Blair của thành phố London (Anh) đã xin từ chức với lý do “vì đặt lợi ích của người dân và Sở Cảnh sát London lên trên hết”.

Dùng đoạn hội thoại

Hội thoại là một trong những nguyên liệu quan trọng mà phóng viên có thể sử dụng để viết mào đầu. Đối với một bài báo mà chủ đề có vẻ mang chút kịch tính thì mào đầu hội thoại rất hiệu quả. Đây là đoạn mở đầu trong một bài viết về tôn giáo:

“Mẹ, thế là mẹ đồng ý rồi phải không. Con phải từ bỏ mọi thứ con yêu vì Đức cha Moon và niềm tin của người”, Athur, cậu con trai 22 tuổi của tôi đang nói qua điện thoại, “Âm nhạc của con, chiếc trống của con, căn hộ và cả bạn gái của con nữa”.

Trong đoạn mở đầu hiện lên hình ảnh hai mẹ con và những tâm tư của họ. Câu mở đầu tạo kịch tính và những cảm xúc khác nhau cho người đọc.

Mào đầu thể hiện quan điểm . Cuối cùng, nếu bạn không thể sử dụng được mào đầu nào trong số trên, bạn hãy nghĩ đến việc bắt đầu bài báo bằng việc đưa ra một lời tuyên bố, thể hiện một quan điểm. Mào đầu này đọc có vẻ hơi “thật thà” nhưng bù lại để tạo niềm tin với độc giả. Chú ý dùng những câu giản dị, rõ ràng và thẳng thắn. Đây là mào đầu của bài viết “Liệu luật pháp có đối xử sai với phụ nữ”:

“Công việc của tôi là bào chữa cho những phụ nữ mang tội giết chết những người đàn ông đã lạm dụng tình dục họ. Tôi gặp khách hàng của mình trong nhà tù”.

Mào đầu tiên không chỉ là một minh chứng cho tính xác thực của bài báo, bộc lộ quan điểm của tác giả mà còn là một lời mời độc giả bước vào… nhà tù cùng tác giả.

Lưu ý khi viết mào đầu

Dù bài viết của bạn đề cập vấn đề gì đi nữa thì điều bạn muốn nói phải được nhận ra ngay trong đoạn mào đầu, thậm chí, nếu có thể, nằm ngay trên tít.

Khi bạn đang viết về một tộc người nào đó, cần phải chắc chắn độc giả của bạn có thể biết tộc người đó là ai ngay từ những câu đầu tiên.

Hãy viết một mào đầu hấp dẫn nhưng không được phép gây chú ý quá mức so với toàn bộ bài báo vì sẽ khiến độc giả hiểu lầm, đánh giá bài viết là “đầu voi đuôi chuột”, mào đầu hay nhưng càng đọc càng chán.

Không sử dụng đoạn mô tả dài dòng ngay trong phần mở đầu Hãy dùng những câu ngắn và những đoạn văn ngắn

Theo Duy Hoàng
Tạp chí Người làm báo Thanh Hóa/Nghề báo

Tin nổi bật