Nhiều người cố tình "trốn" nộp lại thẻ nhà báo

Nhiều phóng viên, nhà báo cố tình giữ lại thẻ nhà báo sau khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc ở cơ quan báo chí có tên ghi trong thẻ. Cơ quan báo chí phải rất vất vả mới có thể thu hồi lại thẻ.

Khó thu hồi thẻ nhà báo là ý kiến chung của nhiều cơ quan báo chí tại cuộc họp bàn về dự thảo Thông tư cấp đổi thẻ nhà báo diễn ra chiều ngày 15/12/2014, tại trụ sở Bộ TT&TT, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn.

Theo phản ánh của các cơ quan báo chí, đã có không ít trường hợp nhà báo sau khi nghỉ hưu vẫn cố tình giữ lại thẻ nhà báo "để làm kỷ niệm" bằng cách giả vờ là đã đánh mất thẻ (hiện không có quy định xử lý đối với những người đánh mất thẻ). 

Cũng có người sau khi chuyển công tác sang cơ quan báo chí khác, hoặc bị kỷ luật và đã nghỉ việc vẫn cố tình dùng thẻ cũ để hành nghề, thậm chí mang đi dọa dẫm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Không ít phóng viên, nhà báo khi chuyển cơ quan vẫn cố tình giữ lại thẻ nhà báo được cấp ở cơ quan cũ để tiếp tục hành nghề. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cơ quan báo chí phải dùng “nghệ thuật” mới có thể thu hồi được thẻ nhà báo của những trường hợp như vậy, chẳng hạn như cố tình giữ lại lương và chỉ thanh toán sau khi nhận lại thẻ nhà báo, hoặc cảnh báo là sẽ công bố rộng rãi việc nhà báo, phóng viên này không còn làm ở cơ quan mình, thẻ nhà báo không còn hiệu lực... 

Trên thực tế, vẫn còn không ít cơ quan báo chí vì nể tình những cán bộ về hưu hoặc anh em đã từng cộng tác với mình mà làm lơ chuyện thu hồi thẻ nhà báo theo quy định.

Ông Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cũng thừa nhận thu hồi thẻ nhà báo là công việc rất khó thực thi. Tuy nhiên, dự thảo Thông tư cấp đổi thẻ nhà báo sẽ vẫn nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan báo chí là phải thu hồi lại thẻ nhà báo khi phóng viên, nhà báo không còn làm việc ở cơ quan mình nữa, trường hợp bị kỷ luật và chuyển cơ quan khác thì phải báo cáo với Bộ TT&TT để xem xét và có thể Bộ TT&TT sẽ ra quyết định thu hồi thẻ. 

Với những trường hợp chuyển cơ quan sau khi thời hạn thẻ nhà báo vẫn còn nhiều (chẳng hạn, thời hạn hiệu lực của thẻ nhà báo là 5 năm nhưng vừa được cấp 2 năm thì chuyển sang cơ quan khác – PV), cơ quan quản lý chỉ phát thẻ mới cho phóng viên, nhà báo khi thu được thẻ nhà báo cũ.

Gợi ý “lời giải” cho “bài toán” khó thu hồi thẻ nhà báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đề xuất 2 giải pháp: Một là các cơ quan báo chí có trách nhiệm không xác nhận bảo hiểm cho phóng viên, nhà báo chuyển sang cơ quan khác khi phóng viên, nhà báo này không nộp lại thẻ nhà báo. Hai là thiết lập chuyên trang ở cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT thông báo công khai số thẻ nhà báo không còn giá trị hoạt động báo chí.

Để tránh trường hợp phóng viên, nhà báo cố tình không trả lại thẻ nhà báo với lý do cơ quan báo chí không có quyền thu hồi thẻ nhà báo, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu bổ sung vào dự thảo Thông tư cấp đổi thẻ nhà báo nội dung “cơ quan báo chí có trách nhiệm thu hồi lại và nộp lại thẻ cho cơ quan cấp thẻ”.

Đồng tình với việc phải siết chặt quy định quản lý về việc thu hồi thẻ nhà báo, song vẫn có ý kiến cho rằng cần xem xét lại quy định thu hồi thẻ đối với trường hợp phóng viên, nhà báo bị kỷ luật ở mức cảnh cáo. Bởi vì thẻ nhà báo là thẻ hành nghề, sau khi bị cảnh cáo, phóng viên, nhà báo này vẫn tiếp tục đi làm, nếu bị thu hồi thẻ trong vòng 1 năm thì họ sẽ không có thẻ nhà báo để tác nghiệp.

Tuy nhiên, ý kiến này cũng vấp phải sự phản biện rằng vẫn nên thu hồi thẻ trong vòng 1 năm với phóng viên, nhà báo bị cảnh cáo. Trong 1 năm bị thu hồi thẻ, phóng viên, nhà báo này có thể dùng giấy giới thiệu để đi tác nghiệp. Và họ vẫn có cơ hội tiếp tục phấn đấu để được cấp lại thẻ trong năm sau đó.

Bình Minh

Infonet

Tin nổi bật