Nhà báo tốt, xấu và sự công bằng của Hollywood

Rosewater, Kill The Messenger, Citizenfour, Nightcrawler, The Interview là những bộ phim thú vị, đều xoay quanh một đề tài chung là giới truyền thông và báo chí.

Các phim này, với nhân vật chính là nhà báo, đã hoặc sắp ra mắt trong năm 2014. Tuy nhiên điều khiến người ta quan tâm là tại sao giới truyền thông lại xuất hiện dày đặc trong điện ảnh Mỹ?

Từ anh hùng đến kẻ săn tin giật gân

Trong thời đại ngày nay, giới truyền thông từ chỗ bị ghét đã trở thành một nghề nghiệp được điện ảnh Mỹ mổ xẻ kỹ lưỡng và công bằng hơn. Hollywood ít nhất đã học được một nguyên tắc quan trọng của nghề báo, đó là cách đánh giá phải đa dạng, đa chiều.

Trong các bộ phim mới như Rosewater (ra mắt cuối tuần qua), Kill The Messenger, Citizenfour (kể về nhân vật tiết lộ tin tình báo mật Edward Snowden và những tờ báo đăng thông tin do nhân vật này cung cấp) đã mô tả nhà báo như những người dám mạo hiểm sự nghiệp và mạng sống để đưa sự thật đến cho công chúng.

Hai nhà báo xuất sắc do Robert Redford và Dustin Hoffman đóng trong All The President's Men

“Đó là điều đáng được bảo vệ, nhìn nhận và tôn vinh” - Jon Stewart, đạo diễn kiêm biên kịch của bộ phim Rosewater (Nước hoa hồng), nói trong một cuộc họp báo ra mắt phim ở New York. Phim của ông dựa trên một chuyện có thật về nhà báo Maziar Bahari (Gael Garcia Bernal đóng) bị bắt và tra tấn ở Iran.

“Lâu nay, công chúng chỉ trích giới báo chí vì thất vọng về một lý tưởng” - Stewart nhận định. Thái độ chỉ trích thường được thể hiện qua những lời châm biếm.

Trong phim The Interview (Cuộc phỏng vấn), sẽ ra rạp vào ngày 25/12, 2 nhà báo do James Franco và Seth Rogen đóng giả làm hề để thực hiện một nhiệm vụ của CIA.

Còn trong Nightcrawler (Kẻ săn tin đen), ra rạp cuối tháng 10, Jake Gyllenhaal đóng vai một nhà báo chuyên quay phim, đưa tin giật gân về các tai nạn và tội ác. Một chi tiết rất đắt giá trong phim là khi chính người bạn thân của nhân vật nhà báo gặp tai nạn, phản ứng đầu tiên của người này là cầm máy quay lên và ghi hình, chứ không phải cứu giúp bạn. Nghề nghiệp đã trở thành nỗi ám ảnh sâu sắc.

Chân dung nhà báo trong Kill The Messenger (Giết người đưa tin) có lẽ là phức tạp nhất. Nhà báo Gary Webb (Jeremy Renner đóng) từng đóng vai trò "người có công" khi kết nối thông tin giữa Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và phiến quân ở Nicaragua để thực hiện các hoạt động chống phá chính quyền Nicaragua. Về sau Webb lại trở thành mục tiêu công kích của cả Chính phủ Mỹ lẫn những nhà báo đồng nghiệp khi vụ việc bị phanh phui.

Những ví dụ trên cho thấy, giới truyền thông vào phim ảnh với cách phản ánh khá đa dạng, nhưng đều chứng minh được một điều, đó là hậu trường báo chí hiện trở thành chủ đề rất được quan tâm. Công chúng không chỉ tiếp nhận sản phẩm báo chí khi đã hoàn thành, họ còn quan tâm đến quá trình sản xuất ra chúng. “Nhà báo lấy tin từ nguồn nào, xử lý thông tin ra sao” là chủ đề dễ gây tò mò, hút khách.

8 thập kỷ mô tả nghề báo trên phim

Từ bộ phim All The President's Men năm 1976, hình tượng nhà báo đã được xây dựng với cảm hứng anh hùng. Bộ phim dựa trên câu chuyện có thực, kể về những nhà báo giỏi, dũng cảm phanh phui vụ Watergate khiến Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức. Phim do Robert Redford và Dustin Hoffman đóng vai chính, đã thu được thành công vang dội.

All The President's Men và những phim ca ngợi nghề báo như Good Night, And Good Luck (2005) đã khiến nhiều người trẻ tuổi muốn theo học nghề báo, nuôi dưỡng một lý tưởng đẹp về nghề nghiệp này.

Nhưng lùi lại trước đó nhiều thập kỷ, vào năm 1931, phim The Front Page (Trang nhất) lại mô tả nhà báo như những kẻ khốn nạn đói thông tin, sẵn sàng thêu dệt và phạm tội để có tin giật gân.

Trong khi đó, những phim như Scandal Sheet (1931), Nothing Sacred (1937) và His Girl Friday (1940) lại phản ánh nghề báo ở góc nhìn ở giữa, gồm cả tốt lẫn xấu, cả yêu lẫn ghét, giống như Kill The Messenger. Các phim này có kịch bản do các cựu nhà báo viết.

Dù phản ánh giới truyền thông và báo chí dưới góc độ ra sao, các bộ phim đều có lý và không thiếu căn cứ từ thực tế.

Cảm hứng anh hùng không hề phiến diện bởi sự thực từ mấy chục năm trước hay bây giờ đều có những hình mẫu như vậy. Trong năm 2014, trên toàn thế giới đã có 42 nhà báo bị giết hại khi tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm, trong đó có vụ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chặt đầu 2 nhà báo James Foley và Steven Sotloff gây chấn động dư luận.

Ở góc độ ngược lại, hình ảnh nhà báo xấu cũng được củng cố bằng vô số kênh thông tin lá cải tràn ngập trong những năm qua.

Thiên thần hoặc ác quỷ

Hình tượng truyền thông và báo chí trong phim Mỹ ngày càng đa dạng, sát thực và đây là bước tiến thú vị. Theo Dennis Doros, đồng chủ tịch hãng phim độc lập Milestone, Hollywood đang biến nghề nghiệp này thành một chủ đề tương tự các nghề nghiệp khác mà họ từng mổ xẻ như nghề giáo, nghề luật sư, nghề cảnh sát.

“Người làm nghề đó có thể là thiên thần hoặc ác quỷ” - Doros nói. Kết quả từ tư duy này là phim ảnh Mỹ có nhà báo xấu và nhà báo tốt, có truyền thông ác quỷ và truyền thông lay động lòng người.

Đọc bài Khi truyền thông song hành cùng đời thực TẠI ĐÂY

Nguồn: Mi Ly/thethaovanhoa.vn

Tin nổi bật