Nhà báo Quang Minh: Truyền hình hiện nay không thể phát triển một cách độc lập

Đây là quan điểm của nhà báo Lê Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam.

Nhà báo Lê Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24, Đài Truyền hình Việt Nam

Với tư cách là Trưởng ban Giám khảo thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm tại LHTHTQ lần thứ 37, nhà báo Lê Quang Minh đã có những nhận xét về các tác phẩm và cũng như chia sẻ xu hướng phát triển tại thể loại được đánh giá là khó và đặc thù này.

"Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm là một thể loại khó, nhất là đối với các đài truyền hình địa phương. Bởi các tác phẩm trong thể loại này đòi hỏi rất nhiều yếu tố về thể hiện, cũng như quy mô của chương trình. Tiêu biểu là một số chương trình thuộc được các đài lớn như VTV, HTV và một số đài trên địa bàn Hà Nội thực hiện trong vòng 1 năm", nhà báo Lê Quang Minh cho biết.

Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Quang Minh, thực tế quá trình chấm tại LHTHTQ 37cho thấy một số đài địa phương cũng đã tìm cho mình những lợi thế riêng bằng việc đi sâu vào các câu chuyện. Như đài PT-TH An Giang có những hình ảnh rất "đắt" về tình trạng sạt lở bờ sông, nội dung câu chuyện khai thác cũng rất tốt.

Một ví dụ tiêu biểu khác là đài ANTV đã làm chương trình giao lưu với các phạm nhân ngay trong trại giam. Đây là đề tài hay và cũng rất nhân văn khi nhân vật là những con người có quá khứ lầm lỗi và đang phải trả giá cho hành động của họ trong quá khứ. Người xem chương trình này có thể đúc kết được rất nhiều bài học cũng như giá trị nhân văn trong cuộc sống.

Truyền hình hiện nay không thể phát triển một cách độc lập

Bên cạnh đề tài, cách thể hiện cũng là điểm mới trong các tác phẩm trong thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm năm nay. Tiểu biểu như việc có sự tham gia nhiều hơn của yếu tố digital (kỹ thuật số) khiến cho hình thức giao lưu thay đổi khá nhiều.

"Hiện nay truyền hình không thể phát triển độc lập, đi cùng phải là hệ thống digital. Trước kia, một chương trình lên sóng, có người xem được, có người không xem được, người ta có thể bàn tán về câu chuyện đó. Song hiện nay nếu không theo dõi được, mọi người có thể lên các mạng để xem lại trên các website, cũng như trên các mạng xã hội", nhà báo Lê Quang Minh cho biết.

Theo nhà báo Quang Minh, chương trình "Bản hòa tấu cảm động của cha và con" đã "thắng lớn" trên mạng xã hội

Nhà báo Lê Quang Minh nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự chia sẻ chương trình trên mạng xã hội bởi điều này có thể tạo ra sự lan tỏa rất lớn cũng như giá trị cộng hưởng rất cao. Chương trình "Bản hòa tấu cảm động của cha và con" của VTV3 là một ví dụ tiêu biểu cho điều này, khi nội dung của chương trình đã được chia sẻ rất mạnh trên mạng xã hội tạo ra sự lan tỏa nhanh và rộng khắp.

Song theo nhà báo Lê Quang Minh, để tạo ra sự lan tỏa lớn khi chia sẻ trên mạng xã hội không phải là điều đơn giản, khi nội dung phải tốt và đặc biệt là phải mang thực sự mang giá trị nhân văn. Điều này tương đối khó khăn cho các chương trình Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm mang tính chất chính luận.

"Do đó các đơn vị cần phải tính khi làm thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, tính ở đây không chỉ cho liên hoan lần này mà cần tính để nâng tầm giá trị thương hiệu của mình", nhà báo Lê Quang Minh cho biết.

Ngoài ra, theo nhà báo Lê Quang Minh, nhiều tác phẩm thuộc thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm năm nay có hình thức thể hiện tốt. Cụ thể trong một số tác phẩm, phần lõi vẫn là giao lưu như trước, song nội dung này đã được bổ trợ bằng hàng loạt câu chuyện khác nhau. Điều này tạo ra sự hấp dẫn và lôi cuốn cho chương trình.

Khi được hỏi về giải thưởng trong thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm tại LHTHTQ 37, nhà báo Lê Quang Minh cho biết đã nhìn ra những ứng viên cho các giải cao nhất. Những tác phẩm đoạt giải trong thể loại Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm chắc chắn sẽ rất xứng đáng.

Nguồn: Thùy An/ vtv.vn

Tin nổi bật