Nhà báo Mỹ: ‘Chuyện nào ở Mỹ Lai cũng khiến tôi ám ảnh’

Tôi hỏi Deborah, câu chuyện nào ở Mỹ Lai khiến bà ám ảnh nhất? Deborah nói, chuyện nào cũng ám ảnh, vì ngay từ đầu, việc những người lính Mỹ giết người vô cớ, đó đã là điều ám ảnh không được phép rồi.

Deborah Nelson: “Một người phụ nữ khác mà tôi hỏi - bà Phạm Thị Đán, vợ của một người làm công nhân thủy lợi bị giết. Câu chuyện đấy lại khác. Cô ấy mô tả hiện trường khi cô ấy nhìn thấy thi thể của người chồng, cô ấy tả đi tả lại câu chuyện đó, tôi hiểu, đó là sự giận giữ với những gì mà cô ấy đã nhìn thấy; dường như sự giận giữ của người phụ nữ đó còn tăng hơn khi cô nói chuyện với tôi.

Nhà báo Deborah Nelson

Tuy nhiên, tôi cũng không có quyền ngắt lời người phụ nữ đó mà hãy để họ tiếp tục nói thêm những câu chuyện khác”.

Tôi hỏi Deborah, câu chuyện nào ở Mỹ Lai khiến bà ám ảnh nhất? Deborah nói, chuyện nào cũng ám ảnh, vì ngay từ đầu, việc những người lính Mỹ giết người vô cớ, đã là điều ám ảnh không được phép rồi.

“Tôi nhớ về một nhân vật mà tôi phỏng vấn - chị Hồ Thị Vân. Cuộc thảm sát mà cô ấy là nạn nhân sống sót lại không có tên trong hồ sơ, và chúng tôi phải tìm bằng được nhân chứng của vụ thảm sát này.

Khi sang Việt Nam, chúng tôi mất nhiều tuần lễ để tìm ra nó. Nhưng quả thật khó khăn hơn chúng tôi tưởng. Chúng tôi đi tìm địa danh, thì nó không giống như các trường hợp khác, hầu hết các vụ thảm sát khác đều có tên trong hồ sơ; nhưng vụ thảm sát 19 người không có tên trong hồ sơ, chỉ ghi là 1 ngôi làng nhỏ cách Hội An 20km.

Tôi đến một ngôi làng gần giống như thế, và gặp một nông dân. Họ dẫn tôi đến một tượng đài có một ngôi mộ. Tôi hỏi, có phải vụ thảm sát xảy ra ở đây không? Nhưng, đó lại là 1 vụ thảm sát do lính Hàn Quốc gây ra chứ không phải do lính Mỹ. Tôi muốn tìm thông tin về vụ thảm sát xảy ra ngày 8/2/1969, ông ấy nói có biết, cách đây vài cây số sẽ tiếp tục thấy 1 cái tượng đài. Chúng tôi đến nơi đó và gặp nhưng có tới 2 tượng đài. Vậy là tôi biết thêm 2 cuộc thảm sát nữa, nhưng, đó vẫn chưa phải là cuộc thảm sát chúng tôi tìm.

Gặp quá nhiều những tượng đài, tôi càng cảm nhận được những gì mà lính Mỹ gây ra cho người dân nơi đây, là những điều không thể tha thứ được. Vậy mà, họ đã im lặng 30 năm, và dường như họ vẫn muốn sự việc được rơi vào quên lãng?

Thời điểm đó 2006, ngôi làng mà tôi tìm đến, cả làng chưa có chiếc xe ô tô nào, nên khi có một chiếc xe ô tô xuất hiện, rất nhiều người dân đã kéo ra. Họ tập trung rất đông, và tôi hỏi họ về câu chuyện này.

Trong đám đông ấy, có hai người phụ nữ được mọi người đẩy lên phía trước. Thì ra, đó là 2 người có người thân mất trong vụ thảm án mà chúng tôi đang tìm.  Chúng tôi đã thu thập được thông tin về những gì đã diễn ra ở đây, dù nó không được lưu trong hồ sơ.

Cô Hồ Thị Vân đứng trong đám đông và nói to lên, và cô này đã dẫn chúng tôi đi. Câu chuyện của cô Vân kể, tôi thực sự không biết tôi có tiếp tục được phỏng vấn nữa hay không, bởi thời điểm xảy ra, cô Vân mới chỉ là 1 cô bé thiếu niên.

Ngày hôm đó, hải quân Mỹ bắn tên lửa vào làng để tìm du kích. Mẹ của Vân đẩy hết cả nhà xuống hầm, lúc đó, một lính Mỹ đi đến cửa hầm, buộc từng người dưới hầm phải đi lên. Người lính này nói “Mama San, Mama San” – ý nói là người Việt Nam. Dù ở dưới hầm nhưng cô Vân vẫn nghe được tiếng nói ấy, và nó ám ảnh cô Vân đến tận bây giờ.

Deborah Nelson bên bức ảnh của bà Hồ Thị Vân

Hầm có một cửa thoát ra bờ sông, mẹ của Vân đẩy cô bé ra cửa và bắt Vân chạy đi. Cô bé vừa chạy vừa quay đầu nhìn lại, thấy lính Mỹ đưa cả gia đình mình xếp thành hàng và bắn chết…

Buổi chiều quay trở về, cô Vân nói, toàn bộ những thi thể này lúc khi đó chồng lên nhau. Cô Vân nói rằng, khi lôi xác ra thấy người anh của mình vẫn ôm lấy người em, vậy là lính Mỹ đã bắn xuyên qua hai cơ thể.

Câu chuyện cô Vân kể với chúng tôi, khi cô ấy ngồi trong căn bếp, đồ ăn đã được nấu từ sáng nhưng cô ấy không ăn, cô ấy cứ thế khóc khi kể lại câu chuyện. Chúng tôi ngồi đó, lắng nghe và chờ đợi, xem cô ấy có muốn kết thúc câu chuyện không. Nhưng cô ấy vẫn không kết thúc…

Sau sự kiện ấy, cô ấy đã tham gia du kích, tham gia cách mạng chống lại Mỹ, và bị thương mù một mắt. Tôi hỏi, cô còn tức giận không, cô ấy nói: “Không, nhưng nếu lính Mỹ về đây tôi sẽ giết chết”.

Tôi dừng lại 1 giây để hỏi, quân phục họ mặc là gì, quả bom họ bắn là gì…, vì chúng tôi biết quân phục sẽ phân biệt được các đơn vị của quân đội Mỹ. Nghe cô Vân kể, tôi biết đây là Hải quân Mỹ. Hải quân Mỹ không lưu trữ hồ sơ gì, tất cả đã bị tiêu hủy. Vậy là, chúng tôi lại được nghe một câu chuyện về một vụ thảm sát khác, vì vụ thảm sát của bộ binh Mỹ gây ra ngày 8/2/1968 lại ở một ngôi làng khác.

Hình ảnh trong cuộc thảm sát Mỹ Lai, tháng 3/1968. Ảnh tư liệu.

Ngày thứ ba, tôi tìm được ngôi làng mà tôi muốn. Một người đàn ông, khi đó là một câu bé sống sót kể: người chị của cậu bị lính Mỹ cưỡng hiếp, cả gia đình bị giết chết. Anh này nói, có một người Mỹ đi cả chặng đường dài để hỏi câu chuyện này thật có ý nghĩa, vì như thế người ta vẫn nhớ câu chuyện đã xảy ra. Điều này làm tôi rất mừng.

Tôi, suốt cả câu chuyện, hầu như đều im lặng để không cắt ngang câu chuyện của Deborah Nelson. Tôi cũng có những cảm giác căng thẳng, nghẹt thở, đau đớn, căm phẫn…, giống như những cảm giác mà Deborah đã có, khi bà tiến hành điều tra sự việc tưởng như quên lãng này.

“Mở lại một câu chuyện đau buồn của một gia đình, tôi nghĩ rằng, gia đình họ chịu đựng được thì không có lý do chúng tôi lại không chịu đựng được” – bàn tay của Deborah đan vào nhau. Cánh tay của bà, những mảng da đã bắt đầu điểm đồi mồi.

Tôi không giật mình về chi tiết làn da đồi mồi của Deborah Nelson. Bà sinh năm 1953, hơn tôi gần 30 tuổi. Hơn hết, bà là một người Mỹ yêu hòa bình, yêu Việt Nam, và mong muốn mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.

...
Deborah Nelson sinh năm 1953 tại Grayslake, bang Illinois, Mỹ. Bà tốt nghiệp đại học Northern Illinois ngành báo chí và có bằng tiến sĩ luật của trường Đại học DePaul.

Hiện bà là giáo sư thỉnh giảng tại trường Báo chí Philip Merrill, thuộc Đại học Maryland. Trong hơn 30 năm làm báo, bà làm việc cho các tờ danh tiếng như Los Angeles Times, Washington Post, Seattle Times và Chicago Sun-Time với rất nhiều phóng sự điều tra sắc sảo gây được tiếng vang trong dư luận. Bà là thành viên ban lãnh đạo Quỹ dành cho báo chí điều tra (FIJ), thành viên ban cố vấn chương trình phóng sự điều tra.

Năm 1997, bà đoạt giải thưởng Pulitzer ở thể loại phóng sự điều tra cho loạt bài đăng trên tờ Seattle Times về những sai phạm trong chương trình xây dựng nhà ở cho người Ấn của chính quyền bang. Sau đó, bà phụ trách dự án báo chí dành cho các tác giả đoạt giải Pulitzer các năm 2001 và 2002. Năm 2006, bà và nhà nghiên cứu quân sự Nicholas Turse là đồng tác giả của series phóng sự điều tra về tội ác chiến tranh của Mỹ đăng trên tờ Los Angeles Times.

Di Linh/Vietnamnet

Tin nổi bật