Nghi án nhận hối lộ hơn 16 tỉ đồng có liên quan đến quan chức ngành đường sắt: Vì sao trước khi báo chí Nhật phát hiện, tất cả đều xuôi chèo mát mái?

Tính đến thời điểm này, đã có ít nhất 2 dự án của ngành giao thông liên quan đến nguồn vốn ODA Nhật Bản bị lình xình vì liên quan đến việc nhận hối lộ của quan chức Việt Nam.

Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, người bị báo YOMIURI SHIMBUN phanh phui việc nhận hối lộ.

Vụ việc ông Huỳnh Ngọc Sĩ nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây nhận hối lộ 262.000 USD từ quan chức Nhật Bản để Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI, trụ sở chính tại Nhật) thắng thầu dự án xây dựng tại Đại lộ Võ Văn Kiệt, TP HCM năm 2008 thì không còn là nghi án. Ông Sĩ đã bị tuyên án 20 năm tù giam.

Còn vụ việc này, vụ việc đang là tâm điểm của dư luận có liên quan đến khoản hối lộ 16 tỉ đồng của Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) với Dự án xây dựng đường sắt nội đô Hà Nội (tuyến số 1), thì mới chỉ là nghi án. Trong những động thái tích cực nhất, ngành GTVT cũng như các cơ quan pháp luật của Việt Nam đang nỗ lực điều tra để sớm công khai kết quả.

Nhưng, có một câu hỏi đặt ra là tại sao những lình xình này chỉ được phát hiện bởi báo chí Nhật Bản? Tại sao, trước khi báo chí Nhật Bản tung ra những thông tin gây sốc này thì tất cả mọi việc vẫn xuôi chèo mát mái?

"Thời điểm Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trình báo cáo chọn nhà thầu tư vấn lên Bộ GTVT phê duyệt, mọi việc vẫn diễn ra bình thường, bây giờ thì phát sinh vấn đề", đó là trả lời của nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, vị Bộ trưởng tại vị ở thời điểm xảy ra nghi án nhận hối lộ 16 tỉ đồng, được báo chí đăng tải.

Giống như vị cựu Bộ trưởng của mình, Thanh tra Bộ GTVT cũng xác nhận Dự án xây dựng đường sắt nội đô Hà Nội (tuyến số 1) được bắt đầu từ năm 2009 và cho đến thời điểm trước tháng 3/2014, phía Việt Nam mà trước tiên là thanh tra Bộ GTVT chưa hề có bất kỳ thông tin nào về khoản hối lộ 16 tỉ đồng được cho là có liên quan đến quan chức ngành đường sắt Việt Nam.

Chỉ đến cuối tháng 3 vừa qua, trong hai số báo liên tiếp ra ngày 20 và 21, Yomur Shimbun, tờ báo được cho là truyền thống và uy tín hàng đầu Nhật Bản, với lượng phát hành lúc đỉnh cao lên tới 14 triệu bản mỗi ngày, thông tin về thừa nhận của ông Tamio Kakinuma, 65 tuổi, Chủ tịch JTC, việc đã đưa hối lộ quan chức ở Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan 130 triệu yên Nhật để giành được các hợp đồng tư vấn xây dựng đường sắt sử dụng vốn ODA Nhật Bản. Việc đưa hối lộ diễn ra khoảng 40 lần, mỗi khoản chi được quyết định tùy theo giá trị hợp đồng nhận được.

Cụ thể, JTC đã "lại quả" 80 triệu yên (khoảng 16,6 tỉ đồng) cho một dự án ODA trị giá 4,2 tỉ yên (khoảng 862,8 tỉ đồng) ở Việt Nam; 30 triệu yên cho 3 dự án 2,9 tỉ yên ở Indonesia, và 20 triệu yên cho một dự án khoảng 700 triệu yên ở Uzbekistan.

Chỉ một ngày sau khi những thông tin gây sốc nói trên được đăng tải trên tờ Yomur Shimbun, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định với báo chí trong nước, rằng, dù "Bộ GTVT chưa nhận được thông tin hay yêu cầu điều tra từ phía Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ đã liên tục chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần khẩn trương rà soát lại và có báo cáo". Và, ngày 23/3, mặc dù là ngày nghỉ nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã triệu tập gấp một cuộc họp khẩn cấp và một số quan chức được coi là có liên quan đến dự án đã phải tạm đình chỉ công tác để giải trình.

Ngày 25/3, tức là chỉ 3 ngày sau khi  báo Yomur Shimbun thông tin về nghi án nhận hối lộ 16 tỉ đồng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã bay sang Nhật để thực hiện kỳ vọng của Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng, sau chuyến đi này sẽ có được danh sách các cán bộ đã nhận tiền của nhà thầu Nhật Bản chứ không chỉ thụ động chờ đợi giải trình  và rà soát trong nước thì còn lâu mới có kết quả.

Những động thái tích cực của Bộ GTVT khiến dư luận nhớ về vụ nhận hối lộ ở Đại lộ Đông - Tây 6 năm về trước. Ban đầu, vụ Đại lộ Đông - Tây cũng chỉ là nghi án và cũng giống như nghi án 16 tỉ này, nó được phanh phui bởi báo chí Nhật chứ không phải các cơ quan chức năng Việt Nam.

Ngày 12/11/2008 cũng chính  báo Yomur Shimbun đưa tin về phiên tòa xét xử tại Tòa án quận ở Tokyo. 4 bị cáo là cựu lãnh đạo Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương Nhật Bản (PCI) gồm cựu Chủ tịch Masayoshi Taga, cựu Giám đốc điều hành Kunio Takasu, cựu Tổng Giám đốc Haruo Sakashita và ông Tsuneo Sakano, từng là Trưởng văn phòng đại diện PCI tại Hà Nội  thừa nhận trước tòa án là đã lót tay một khoản tiền không nhỏ trị giá 2,6 triệu USD cho một quan chức có liên quan đến dự án tại Việt Nam. 

Một tuần sau đó, ngày 19/11/2008 Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP HCM Huỳnh Ngọc Sĩ đã bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra vụ hối lộ nói trên. Ba tháng sau, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng Bộ Công an đã bắt tạm giam ông này và những sai phạm tại Dự án Đại lộ Đông - Tây dần bị phanh phui.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ, sau đó đã bị Toà kết án 20 năm tù giam về các tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Vụ án hối lộ ở Đại lộ Đông - Tây và nghi án ở Dự án đường sắt nội đô Hà Nội khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi, nếu như báo chí Nhật không đăng tải thì vụ hối lộ ở Dự án Đại lộ Đông - Tây  có lẽ sẽ mãi mãi nằm trong bóng tối. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ cũng sẽ không phải ra tòa và sẽ hạ cánh an toàn.

Và, cũng nếu không có sự phản ánh của báo chí Nhật thì cũng sẽ không có nghi án 16 tỉ đồng đang gây xôn xao dư luận. Tại sao trong tất cả các cuộc thanh, kiểm tra thường kỳ, không có bất kỳ một dấu hiệu sai phạm nào bị phát hiện?

Theo báo chí Nhật thì JTC là công ty tư vấn thiết kế chuyên ngành về khảo sát, thiết kế đường sắt. Bắt đầu từ những năm 90 thế kỷ trước, JTC vươn ra thị trường nước ngoài. Theo công bố của công ty thì tính từ năm 1993, JTC đã tham gia 14 dự án tại Việt Nam, trong đó có 5 dự án liên quan đến đường sắt Việt Nam, gồm: Dự án phục hồi cầu đường sắt Hà Nội - TP HCM (năm 2000); Phục hồi cầu đường sắt Hà  Nội - TP HCM (giai đoạn 2) (năm 1999-2009); Nâng cao an toàn đường sắt tuyến Hà Nội - TP HCM (2005-2011); Nghiên cứu tiền khả thi việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM (2008-2009) và Dự án xây dựng tuyến đường sắt nội đô Hà Nội (tuyến số 1) (2009-2015).

Dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi, trong ngần ấy dự án mà JTC đã tham gia ở Việt Nam suốt từ năm 1993 đến nay, liệu còn có nghi án nào như ở  Dự án đường sắt nội đô Hà Nội hay không?

Nguồn tin: Theo Báo Công an Nhân dân

Tin nổi bật