Nghệ thuật ma trận hóa thông tin của báo chí Mỹ

Nhờ Google, Yahoo, mạng lưới Internet, tiếng Anh được sử dụng phổ biến trên thế giới, nên báo chí Mỹ luôn có thể tạo ra những luồng tin khiến độc giả thế giới dễ bị cuốn vào “ma trận thông tin”. Trong tuần qua, nhà báo điều tra giàu kinh nghiệm Robert Perry (Mỹ) đã có bài viết phơi bày thói “lập lờ đánh lận con đen” của báo chí Mỹ từ cuộc chiến tại Iraq đến diễn biến ở Ukraina hiện nay.

nhà báo điều tra giàu kinh nghiệm Robert Perry (Mỹ)

Nhân dân Mỹ đã từng "xơi quả lừa" do báo chí đưa tin sai sự thật, họ từng bị đẩy vào cuộc chiến Iraq dựa trên những tuyên bố không có thật rằng Saddam Hussein cất giấu một kho vũ khí lớn để lập kế hoạch chia sẻ với Al-Qaeda. Gần 4.500 lính Mỹ đã chết khi tham chiến ở Iraq. Chi phí cho cuộc chiến có thể đã vượt qua con số 1 ngàn tỉ USD.

Trò xưa lại tái diễn với những bài viết "tự do chủ nghĩa" đối với cuộc khủng hoảng mới mang tên Ukraina. Vốn là một siêu cường ưu việt về truyền thông - thông tin, nên lãnh đạo giới truyền thông luôn có thể cung cấp nguồn tin u ám với cách sử dụng ngôn từ "hủy diệt", "thảm sát", "xâm lược" cho thế giới. Chiêu bài này đang được tận dụng nhằm giải quyết những cuộc "khủng hoảng toàn cầu".

Năm 2013, tờ Bưu điện Washington từng đưa tin: Carl Gershman - Chủ tịch Quỹ Quốc gia vì dân chủ (NED), ông này có tư tưởng tân bảo thủ - sẽ rải 100 triệu USD/ năm để bôi trơn ngòi bút và "đánh bóng bàn phím máy tính" của báo chí Mỹ, giúp các "nhà hoạt động dân chủ" nhằm mục đích gây bất ổn nội bộ những chính phủ mà Nhà Trắng thấy gai trong mắt. NED được thành lập năm 1983 đã có quan hệ mở với CIA để cùng thực hiện các nhiệm vụ bí mật.

Ngay khi nổ ra cuộc khủng hoảng với các cuộc biểu tình ở Ukraina, một chính trị gia có tư tưởng tân bảo thủ khác là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu - bà Victor Nuland, nhắc nhở giới doanh nhân Ukraina (tất nhiên là thuộc phe đối lập) rằng: Mỹ đã đầu tư 5 tỉ USD để thực hiện "khát vọng châu Âu" của Ukraina, điều đó ngụ ý Mỹ có dự kiến nào đó trong số tiền này. 

Những cuộc biểu tình đó đều có sự góp mặt của một số phe phái cực hữu, chẳng hạn: Svoboda và thậm chí lực lượng dân quân tân phát xít đảng cánh hữu. Khi người biểu tình chiếm Tòa Thị chính Kiev, biểu tượng phát xít và cờ Liên minh Chiến đấu - lực lượng dân tộc cực đoan Ukraina đã được kéo lên.

 Một số quan chức Mỹ, trong đó có Trợ lý Ngoại trưởng Nuland và Thượng nghị sĩ McCaine công khai đứng về phía người biểu tình, bất chấp biểu ngữ tôn vinh tên Stepan Bandera, một trùm phát xít trong Thế chiến II đã gây ra các vụ thảm sát người dân Ba Lan và Do Thái.

Vào ngày 20/2, trong lúc bạo lực gia tăng, thì một nhóm tay súng bí mật đã xả đạn vào cả những người biểu tình và cảnh sát. Khi cảnh sát tấn công lại, lực lượng dân quân tân phát xít ném bom xăng. Có hơn 80 dân thường và hơn 10 cảnh sát thiệt mạng, nhưng báo chí Mỹ lu loa đổ lỗi cho lực lượng cảnh sát của Tổng thống Yanukovych gây ra bạo lực đối với "những người vô tội".

Câu chuyện thực tế cho thấy: Cuộc khủng hoảng Ukraina đã được thổi bùng lên bởi "nhân tố Mỹ", cả Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ đều khích động và khai thác triệt để sự bất mãn của nhân dân với Chính phủ Yanukovych ở miền Tây nước này. Mục đích để kéo Ukraina ra khỏi sự ảnh hưởng của Nga, đặt nó vào "lực hấp dẫn" của Mỹ và đồng minh phương Tây.

Dùng bạo lực để lật đổ chế độ dân cử, phe đối lập được Mỹ cùng đồng minh phương Tây hoan nghênh nồng nhiệt. Và trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua tại tòa nhà chính phủ Kiev, Mỹ tiếp tục "ca ngợi" chính quyền mới của Kiev là "minh chứng về dân chủ, cải cách".

Hầu như tất cả các nguồn tin chính thống của báo chí Mỹ đều thống nhất với nhau những bài tường thuật một chiều lệch hướng và sai sự thật. Đó là sự đồng thuận trong các hãng thông tấn lớn của Mỹ. Ngay cả khi người Mỹ không muốn biết sự thật, thì báo chí Mỹ vẫn hàng ngày cung cấp cho họ "sự thật" đầy đủ.

Nguồn: Báo Công an Nhân dân
Tin nổi bật