“Nạn” sao chép trên báo mạng điện tử

Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo và các văn bản luật, dưới luật về bản quyền đều yêu cầu khi nhà báo, cơ quan báo chí sử dụng số liệu, thông tin, bài, ảnh của cá nhân, tổ chức khác phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hiện tượng sao chép thông tin tràn lan trên báo mạng điện tử đang ở mức đáng báo động. Ảnh minh họa

Trích dẫn mù mờ, viết tắt tùy tiện, dịch cẩu thả

Hiện nay, nhiều tờ báo dịch tin, bài tràn lan từ các báo nước ngoài mà không ghi rõ tên tác giả và nguồn gốc của tác phẩm hoặc nếu có ghi cũng qua loa đại khái. Theo khảo sát, tên của nhiều tờ báo nước ngoài bị viết tắt một cách thoải mái, không theo một quy chuẩn nào, như FS (tạp chí Fashion), JJ (Just Jared), Asia (Asianone), DM (DailyMail)... Thậm chí, nhiều tên báo bị “vô tình” viết tắt đã trở nên hết sức mù mờ khiến không một độc giả nào, thậm chí là phóng viên có thể kiểm chứng thông tin hay tìm ra tờ báo gốc. Ví dụ như: A, E, G, S, KK, GQ, GB, TST, Kbite, KP, VG, VS, UDN, VF, EN, Us, MM...

Tương tự, việc trích dẫn nguồn và viết tắt tên các báo trong nước cũng hết sức tùy tiện. Ví dụ, báo Thể thao và Văn hóa thành TT&VH hoặc TTVH, Sinh viên Việt Nam thành SVVN, Người lao động thành NLD, VnExpress thành VNE... Đối với những độc giả thường xuyên đọc báo mạng điện tử có thể sẽ dần làm quen với kiểu ghi nguồn này, tuy nhiên không ít người vẫn lúng túng, nhầm lẫn. Với kiểu viết tắt như thế người đọc hoàn toàn có thể nhầm Kinh tế Việt Nam thành Kiểm toán Việt Nam, Vneconomy thành VnExpress hoặc ngược lại.

Ngoài ra, việc ghi nguồn theo kiểu gộp hai, ba báo như “theo Reuters, AP, BBC”, “theo BBC, FT”, “theo DT, VNN”... cũng khiến độc giả băn khoăn không biết đây là bài tổng hợp từ hai, ba báo hay là lấy trực tiếp từ một báo và gián tiếp từ các báo khác. Việc ghi rõ tên nguồn tin là thể hiện sự tôn trọng tờ báo và tác giả mà mình trích nguồn. Sẽ chẳng một tờ báo nào muốn tên của mình bị viết tắt ở báo khác và trở thành những chữ cái dễ gây hiểu nhầm. Cuối bài báo thường là tên tác giả mới (người tổng hợp, sưu tầm) cùng cụm từ “theo báo A, B”. Như vậy, nhiều tác giả đương nhiên bị mất tên trên tác phẩm của chính mình.

Do sự lỏng lẻo trong các quy định luật pháp về bản quyền tác phẩm và bảo vệ bản quyền

Nhiều tin, bài từ các báo nước ngoài bị biên dịch, giật tít một cách cẩu thả sai về mặt ngữ nghĩa, mỗi báo dịch một phách đang là một “tệ nạn”. Ví dụ, cùng là một bài đăng trên The Sun, nhưng báo thì dịch là “Phần hai bài phỏng vấn của Trương Bá Chi bị cắt bỏ”, tên kênh thực hiện cuộc phỏng vấn là “Entertainment News Channel” và nội dung bài dịch cho rằng nguyên nhân của việc bị cắt bỏ là “Vì lợi ích và sự tôn trọng dành cho Trương Bá Chi”. Trong khi đó một báo khác lại là “Phần hai cuộc phỏng vấn Trương Bá Chi bị đánh cắp” và đây là “cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh i - CABLE”. Bài dịch này cho rằng phần hai cuộc phỏng vấn không thể lên sóng truyền hình tiếp vì đã bị rò rỉ.

Những trường hợp dịch sai hoặc cố tình dịch sai như trên không phải là hiếm gặp. Một số nhà báo điềm nhiên cắt cúp, chỉnh sửa, biên dịch lại bài của người khác, báo khác và biến chúng thành tin, bài của mình.

Trên thực tế có thể dễ dàng phát hiện trường hợp nhà báo sao chép, sử dụng một phần hay toàn bộ tin, bài, ảnh của người khác, báo khác mà không ghi nguồn.

Hệ lụy không nhỏ

Việc sử dụng lại tin, bài, ảnh của các báo trong nước mà không xin phép, không ghi rõ nguồn gốc, không trả nhuận bút cũng xảy ra ở hầu hết các tờ báo mạng điện tử. Nhiều khi những tin, bài này bị biến dạng khiến bản thân chủ nhân (tác giả) của chúng cũng khó nhận ra “đứa con tinh thần” của mình.

Để “câu” người đọc nên nhiều tờ báo mạng điện tử luôn “đau đầu” để tìm cách giật lại tít, viết lại sa-pô và thậm chí là toàn bộ nội dung.

Ví dụ: Bài Cha hành hạ hai con gái dã man có sa-pô gốc là: “Chính quyền địa phương đang giám sát, nếu người cha này tiếp tục đánh con thì sẽ xử lý hình sự”. Tuy nhiên, nó đã được thay đổi thành "Trói hai con cho kiến đốt... thắt cổ, rồi quẳng xuống ao và sa-pô là: “Có lần ba đánh cháu bị thương ngay trán và bất tỉnh, sau đó ba thắt cổ, ba thả cho tắm rửa nhưng không cho ăn... Có lần ba thắt cổ hai chị em rồi quẳng xuống ao gần nhà, hàng xóm phải lội xuống cứu hai chị em con...”.

Không ít nhà báo còn ngang nhiên sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của người khác rồi biến thành bài của mình. Đây là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và bản quyền tác giả. Ở các nước phát triển, vấn đề này được coi là rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến kiện tụng, gây thiệt hại rất lớn cho tờ báo vi phạm. Cách đây mấy năm, một tờ báo ở Mỹ bị tờ VietMercury kiện, phải bồi thường khá nhiều tiền chỉ vì ăn cắp một câu trong bài viết của họ.

Việc sao chép toàn bộ tác phẩm của người khác dù sao cũng dễ bị phát hiện. Tuy nhiên, có một số dạng sao chép khó phát hiện hơn. Ví dụ việc phóng viên “chịu khó” ngồi nghe hoặc đọc lại toàn bộ nội dung một cuộc phỏng vấn trực tuyến nào đó rồi ghi chép, biên tập và sáng tạo thành một bài của riêng mình (do mình khám phá, phỏng vấn). Hay việc copy một phần thông tin từ bài viết trước về cùng chủ đề, chỉnh sửa cho phù hợp với thời gian hiện tại là đã có một tác phẩm mới.

Hiện tượng phóng viên khi viết về một vấn đề nào đó, nhưng không đủ thông tin nên đã tìm kiếm trên mạng hoặc trên sách báo để “đắp thịt” cho bài viết của mình dày dặn và hấp dẫn hơn nay đã trở nên phổ biến.

Có thể truy cập vào một vài tờ báo mạng điện tử, so sánh các bài viết cùng một chủ đề sẽ thấy nhiều bài chỉ khác nhau về tít, còn nội dung thì tương tự, hoặc giống nguyên xi hoặc thay đổi đôi chỗ. Đây là hành vi vi phạm đạo đức rất tinh vi, tác giả và độc giả cũng khó lòng phát hiện ra.

Có một thực tế là mặc dù hiện tượng vi phạm bản quyền bằng hình thức này hay hình thức khác diễn ra hàng ngày, nhưng rất hiếm khi có sự lên tiếng, phản hồi của tác giả. Số lượng tin, bài lớn và sự luân chuyển thông tin không ngừng trên mạng đã khiến họ chẳng mặn mà với việc làm rõ trắng đen của những thông tin bị “ăn cắp”. Chính sự “bao dung”, dung túng của chủ nhân những tin, bài bị sửa đã tạo điều kiện cho nhiều tờ báo mạng điện tử tranh thủ “làm thả cửa” và lâu dần thành lệ, không còn nghĩ đấy là tật xấu nữa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có nhiều. Một phần, do sự lỏng lẻo trong các quy định luật pháp về bản quyền tác phẩm và bảo vệ bản quyền; do việc sao chép thông tin trên mạng quá dễ dàng; xuất phát từ thực tế thiếu hụt về thông tin, nhân lực của các báo. Bên cạnh sự vô tư của những tác giả có tác phẩm bị sao chép và sự dễ dãi của công chúng khi đón nhận những thông tin bị sao chép. Nguyên nhân sâu xa, cốt lõi nhất chính là ý thức về bản quyền tác phẩm và tôn trọng bản quyền tác phẩm của mỗi phóng viên, biên tập viên và ban biên tập... Một điều đáng buồn là không ít phóng viên, biên tập viên cho rằng, việc làm trên không vi phạm luật và đạo đức nghề nghiệp. Phần nhiều những người này còn rất trẻ, có thế mạnh về ngoại ngữ, nhưng không được đào tạo cơ bản về báo chí.

Thực tế trên đã trở thành thói quen của nhiều tờ báo mạng điện tử dù đó là tờ có lịch sử phát triển lâu đời hay tờ báo non trẻ. Điều này thể hiện sự yếu kém về chuyên môn, hạn chế về đạo đức nghề nghiệp, không tôn trọng bản thân và công chúng báo chí. Nếu những vi phạm hiện nay không được giải quyết, chắc chắn những hệ lụy từ vấn đề này sẽ là vật cản cho sự phát triển của báo mạng điện tử Việt Nam./.

Nguồn: PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang/ Tạp chí Người làm báo (nguoilambao.vn)

Tin nổi bật