Máy bán báo tự động xuất hiện ở TP.HCM

Nhận thấy những bất cập trong việc phát hành báo giấy, ba sinh viên Dương Văn Linh, Lê Văn Việt và Trịnh Đức Cường, thuộc khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, đã nảy ra ý tưởng thiết kế chiếc máy bán báo tự động.

Chia sẻ ý tưởng của cả nhóm, Lê Văn Việt cho biết, quan sát việc mua bán báo tại TP.HCM sẽ thấy vào những ngày mưa gió, các sạp báo lề đường gần như không thể hoạt động; còn ngày nắng thì thường xế trưa là người bán nghỉ, rất khó tìm mua một tờ báo.

Chiếc máy bán báo cũng giống như máy bán nước ngọt, nhằm giúp mọi người có thể mua báo ở nơi công cộng, qua đó giảm thiểu chi phí phát sinh và việc phát hành báo được thực hiện dễ dàng dưới mọi điều kiện thời tiết.

Nhóm đã mất ba tháng ròng rã để hoàn thành chiếc máy. Linh đảm trách phần thiết kế cơ khí khung các bộ phận của máy, Đức Cường lo phần hệ thống điện, còn Việt lo lập trình cho chiếc máy, mỗi người một việc để tiết kiệm tối đa thời gian. Máy bán báo có ba bộ phận chính là: thùng máy; bộ phận điều khiển; thiết bị kiểm tra tiền thật và nhận, thối tiền.

Toàn bộ hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động, không cần có người quản lý. Máy có thể bán được rất nhiều loại báo, từ tạp chí tới báo tờ khổ giấy A4. Đặc biệt không phân biệt độ dày, mỏng của tờ báo, thuận lợi cho các loại báo giải trí có kèm các sản phẩm dạng gói, hộp như mỹ phẩm, dầu gội... làm quà tặng độc giả.

Máy thích hợp đặt ở những nơi công cộng như: bến xe, nhà ga, bên trong các cao ốc văn phòng, trước cửa bệnh viện... Ngoài bán báo tự động, máy còn có thể dùng để bán, cũng tự động, những mặt hàng khác như bánh kẹo, nước giải khát...

Theo Việt, dù thói quen đọc báo trực tuyến đã rất phổ biến nhưng không phải báo nào cũng được đưa lên mạng internet, nhất là các tạp chí, vì vậy, máy bán báo sẽ vẫn “có đất sống”.

Khó khăn nhất đối với nhóm khi thiết kế máy là làm sao điều khiển máy chọn chính xác tờ báo muốn mua trong rất nhiều loại báo được bán. Nhóm phải thử nghiệm rất nhiều lần mới có được “giải thuật” cho máy. Thêm vào đó, thời gian thực hiện rất eo hẹp do vừa làm vừa học.

Trước ý tưởng mới lạ và thiết thực, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật đã cho phép nhóm được vào phòng thí nghiệm của trường ban đêm để làm việc. Biết học trò phải dè sẻn chi tiêu vì mua linh kiện rất tốn kém, một giảng viên trong trường đã bỏ tiền túi hỗ trợ các bạn một phần. Cả nhóm đã phải lùng sục khắp thành phố để mua linh kiện cũ, đắt nhất là linh kiện ở bộ phận nhận biết tiền thật và tiền giả. Phần thưởng cho sự cố gắng của nhóm là buổi ra mắt sản phẩm tại trường đã làm nhiều sinh viên và thầy cô thích thú.

Hiện tại, chiếc máy đã hoàn thành và hoạt động tương đối tốt trong thời gian dài. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, vấn đề thẩm mỹ cho máy chưa được tốt nên phải nghiên cứu tìm cách khắc phục. Một công ty truyền thông biết tin đã đến tận nơi để đặt hàng nhóm sản xuất máy. Thành công này khiến cả nhóm rất vui và thấy phấn khởi vì dự án có thể áp dụng vào thực tế.

Theo TTO

Tin nổi bật