Lỗi chính tả có nhỏ... như con thỏ?

Cán bộ Nhà nước, đường đường tốt nghiệp đại học, có bằng cử nhân hẳn hoi mà soạn thảo một công văn lại mắc chi chít lỗi? Và chẳng lẽ chúng ta lại phải bắt chước nước Pháp, cho tất cả các viên chức nhà mình đi học lại bài học chính tả?

Bạn đọc hẳn còn nhớ là vào năm 2005, Ngân hàng Quốc gia Philippines phải ra thông báo chính thức, xin lỗi toàn dân (và toàn thế giới) vì sự cố morrase trên tờ bạc 100 peso vừa phát hành. Ở tờ bạc mới in này, tên Tổng thống Gloria Macapagal AROROYO đã in nhầm thành Gloria Macapagal ARROVO.

Và bạn đọc cũng hẳn còn nhớ, tại Diễn đàn Hội nghị APEC 2007 được tổ chức tại Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ cũng đã nói nhịu, nhầm lẫn tới 2 từ (APEC nói thành OPECAustralia - nước Úc - nói thànhAustria - nước Áo). Hai sự cố liên quan tới chính tả này (dù rất nhỏ) không chỉ làm mất thể diện ngoại giao mà còn làm tổn hại tới kinh tế (Ngân hàng Philippines phải chấp nhận lưu hành một thời gian, sau đó in lại đợt giấy bạc mới và hủy serie in lỗi, đồng thời chịu toàn bộ  chi phí cho sự cố).

Đó là chuyện ở tầm vĩ mô. Còn ở tầm “không vĩ mô” thì sao? Cũng nhân nói chuyện nước ngoài, Hiệp hội doanh gia Pháp đã phối hợp với các cơ quan giáo dục nước này mở các lớp chuẩn hóa từ ngữ và chính tả cho các doanh nhân (có khóa dài tới 300 giờ). Lí do là rất nhiều văn bản pháp lí và kinh tế của họ mắc lỗi chính tả trầm trọng. Đời thuở nhà ai, quốc hiệu nước Pháp trên tiêu đề cũng bị in nhầm lung tung. Nhìn vào đội ngũ sinh viên thì các thầy cũng tá hỏa về chuyện viết sai hết sức tùy tiện. Một giáo sư đã nhặt ra tới 50 lỗi chính tả từ bài làm của chỉ một học trò (Sinh viên Việt Nam, s. 40 - 2007). Tuy không phải ai cũng vậy, nhưng quả thực, với đối tượng có học thức cao mà lại mắc lỗi sơ đẳng như thế, ngẫm lại cũng thấy giật mình.

Tôi cũng đã giật mình về chuyện chính tả ở ta không phải ít. Ấy là có lần tôi tình cờ liếc qua các sổ ghi cảm tưởng (ở các khu di tích, bảo tàng, triển lãm...) và sổ tang (ở các nhà tang lễ)... Tôi ngạc nhiên là chỉ thử xem thôi, tôi cũng có thể nhặt ra không ít những lỗi chết người:  (vô cùng) xúc động viết thành súc động, (cảm xúc) chân thành viết thành trân thànhtrân trọng (cám ơn) viết là chân trọng,... Rất nhiều vị không viết hoa chữ Nội (trong Hà Nội), Nam (trong Việt Nam), chữ Cộng, Xã (trong Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa....).  Và đặc biệt, các dấu câu (chấm, phảy, chấm than...) không hề được lưu ý (có lẽ các vị cho rằng mấy cái dấu vớ vẩn kia có gì là quan trọng, nhất là đối với các bậc lãnh đạo chuyên phải lo toàn việc đại sự, lớn lao?).

Nhìn sang đội ngũ học trò thì mới khiếp. Viết sai chính tả thì đã đành, nhiều không kể xiết.  Họ còn viết tắt vô tội vạ. Thực ra, viết tắt vốn là chuyện thường tình từ lâu nay. Bây giờ càng phải tắt hóa cho phù hợp với tốc độ công nghệ chứ (kí hiệu sao miễn có thể đọc không nhầm là được). Nhưng đáng tiếc là, không hiểu do thói quen, do quên  hay do cẩu thả, mà các sĩ tử cứ ung dung bê nguyên xi các dạng tắt trong đời thường vào bài viết: k, ko, kgno (= không), n, n`, nh, ~ (= những) " D c (= mọi góc cạnh), = m PC (= bằng máy vi tính),l, ng`  (= người), l d (= nhân dân), of (= của)... Ngay cả tên lãnh tụ thiêng liêng như  Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được tắt hóa thành CT HCM... Thật đáng phê phán là những lỗi này lại có mặt trong các bài kiểm tra, thậm chí là bài thi quan trọng (Vậy mà điểm vẫn cao, bởi các thầy cô chỉ chỉ chấm ý, xem đáp số, bỏ qua hầu hết các lỗi chính tả).

Chính tả là vấn đề của chính âm. Nhưng nhiều khi do nhiều nguyên nhân, chính tả không phản ánh đúng chính âm (mà ngôn ngữ nào cũng có tình trạng đó). Chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ người Pháp góp công sáng chế (từ thế kỉ 17) đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập xét từ góc độ chuẩn hóa. Vả lại, giao tiếp ngôn ngữ trong cuộc sống mới là cốt yếu. Người Hà Nội viết trời trong trẻo nhưng vấn phát âm chời chong chẻo, uống rượu say sưa vẫn nói là uống diệu xay xưa, rung rinh nói là dung dinh, trân trọng là chân chọng... Nhưng nếu viết sai chính tả các từ này thì lập tức sẽ gây hiệu ứng phản cảm. Người viết sẽ bị coi là kém cỏi, mắc những lỗi “chưa sạch nước cản” về chữ nghĩa. Lúc này, chính tả lại là vấn đề văn hóa. Người viết đúng chính tả là người phải chịu khó quan sát, sửa chữa, trau dồi... Phải qua nhiều lần làm quen, và có thể sai sót, vấp váp thì chúng ta mới có mẫn cảm ngôn ngữ văn tự mà biết sửa lỗi khi cần thiết.

Tuy nhiên, tất cả những kĩ năng đó chỉ có thể hình thành khi chúng ta có một thái độ thực sự nghiêm túc. Và cũng đã đến lúc các thầy cô ở nhà trường phải lưu ý bắt lỗi (và nếu cần, bắt lỗi nặng) trong các trường hợp bắt gặp các sai sót này trong học hành, thi cử. Nếu không, tôi e rằng chuyện chính tả (vốn được coi là “nhỏ như con thỏ”) sẽ diễn ra tràn lan khó kiểm soát. Cán bộ Nhà nước, đường đường tốt nghiệp đại học, có bằng cử nhân hẳn hoi mà soạn thảo một công văn lại mắc chi chít lỗi? Và chẳng lẽ chúng ta lại phải bắt chước nước Pháp, cho tất cả các viên chức nhà mình đi học lại bài học chính tả?

PGS. TS. Phạm Văn Tình

Nguồn: Infonet

Tin nổi bật