Khi báo chí thiếu nhậy cảm về quyền riêng tư của trẻ em

Nhiều cơ quan báo chí vẫn chưa có các qui định cụ thể hay các khóa học về bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em bị xâm hại tình dục trong các tin, bài.

Phóng viên Nguyễn Hạnh (thứ nhất, từ phải sang) chia sẻ ý kiến về việc phòng chống và hỗ trở TE bị XHTD.

Phóng viên Nguyễn Hạnh, kênh VTC14 của Đài Truyền hình Kỹ thuật số (VTC) đã sản xuất ba phóng sự truyền hình ngắn và một tọa đàm trực tiếp 90 phút về xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em (TE). Những tác phẩm của nữ phóng viên, theo đuổi đề tài suốt 4-5 năm qua, góp phần mang đến công lý cho gia đình bé gái 3 tuổi bị xâm hại tình dục bởi ông già 77 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội. Phóng viên Nguyễn Hạnh từng tham gia đối thoại mở với chuyên gia và nhà quản lý giáo dục về "Vai trò của nhà trường trong việc phòng chống và hỗ trợ TE bị XHTD", tại hội thảo "Phòng chống XHTD TE: Từ luật pháp, chính sách đến thực tiên".

Trước, trong và sau khi sản xuất các chương trình trên, chị Hạnh luôn xin phép gia đình và em bé cung cấp những thông tin xung quanh vụ án lên truyền hình. Đồng thời, cũng thực hiện các biện pháp đảm bảo quyền riêng tư của gia đình như giấu mặt nạn nhân, làm mờ hình và làm méo tiếng của nạn nhân. 

Phóng sự về XHTD TE ở Ba Vì, Hà Nội trong tọa đàm trực tiếp "XHTD TE" của VTC14. (Ảnh chụp màn hình)

"Tôi không nghĩ những biện pháp trên giảm tác động của câu chuyện" nữ nhà báo, cho biết. "Các bài báo của tôi vẫn mô tả đúng người thật việc thật, truyền cảm xúc cho khán giả về hành trình tìm công lý của gia đình nạn nhân bị XHTD". 

Nguyễn Hạnh cũng như nhiều phóng viên khác hiểu về tầm quan trọng bảo vệ quyền riêng tư của các nạn nhân XHTD và gia đình của các em nhờ kinh nghiệm bản thân cũng như qua làm việc với các chuyên gia và luật sư. 

Tuy nhiên, nhiều tòa soạn vẫn chưa có các văn bản đạo đức quy định cũng như các khóa tập huấn về đề tài này. Do đó, còn có phóng viên thiếu nhậy cảm về quyền trên. Năm 2013, báo Lao động đăng thông tin: "Trong một cuộc điều tra xã hội học, có đến 5% trong số các nhà báo được hỏi cho rằng việc công khai danh tính, địa chỉ các trẻ em bị lạm dụng, bị phạm tội, có hoàn cảnh đặc biệt… là bình thường, là tăng tính thuyết phục của bài báo!"

Sự thiếu nhậy cảm của báo chí trong việc thực hành quyền riêng tư của trẻ bị xâm hại khá phổ biến. Nghiên cứu năm 2013 của Trung tâm Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội (CODES) tiết lộ: Khảo sát trên 5 tờ báo điện tử được xếp vào top 50 trang web được truy cập hàng đầu VN trong năm 2012 cho thấy: Có đến 548 bài báo có nội dung không đảm bảo sự riêng tư cho trẻ em khi đăng tên nạn nhân, tên trường, địa chỉ, ảnh nạn nhân và tên của bố mẹ/người giám hộ nạn nhân. Gần một nửa trong số các nạn nhân là trẻ bị xâm hại và 74% là bé gái. Trong đó có nhiều bài (68%) được đăng tải lại nguyên văn trên các trang mạng khác.

Bà Nguyễn Thị Lan Minh, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (thứ nhất từ trái sang) trả lời phỏng vấn báo chí về XHTD TE

Bà Nguyễn Thị Lan Minh, chuyên gia Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, một số cơ quan báo chí tập trung vào tin giật gân để tăng lượng truy cập. "Họ không cân nhắc đến hậu quả đối với trẻ em," bà cho biết: "Hội nhà báo có quy định 10 điểm về đạo đức đối với nhà báo cũng như các quy định cụ thể trong Luật báo chí điều chỉnh việc đưa tin liên quan đến quyền riêng tư."

Bà Lan Minh, cựu Trưởng ban Thanh thiếu niên của Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng một số bài báo về XHTDTE không che mặt nạn nhân và đăng nhiều chi tiết phản cảm khiến người đọc lạc hướng quan tâm. Hậu quả là một số em bị hàng xóm gọi là "kẻ bị XHTD". "Những bài báo đó cho rằng đang bảo vệ trẻ em nhưng thực tế đang xâm hại các em," nhà báo đang tích cực bảo vệ quyền trẻ em cho biết.

Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci lập luận rằng những vi phạm trên như sự xâm hại lần thứ hai đối với nạn nhân. "Trong một số trường hợp, báo chí đã xâm hại nghiêm trọng quyền riêng tư của trẻ," ông cho biết. "Điều đó làm trẻ tổn thương. Điều gì sẽ xảy ra khi các em lớn lên và biết thông tin cá nhân của mình bị tiết lộ?"

Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em Nguyễn Thị Nga cũng cho rằng sự thiếu nhậy cảm của báo chí trong những trường hợp này là sự xâm hại lần thứ hai đối với nạn nhân và đôi khi nguy hại hơn lần đầu.

"Khi báo chí đăng thông tin như vậy, quyền riêng tư của nạn nhân bị xâm phạm. Nó khiến các nạn nhân khác ngần ngại trình báo sự việc của mình", bà Nga cho biết." Các cơ quan liên quan cũng bị ảnh hưởng khi chưa có kết quả điều tra. Chẳng hạn, khi báo đăng, có nhiều câu hỏi như sao kẻ tình nghi không bị bắt khi đã bị cảnh sát hỏi cung?"

Một số nhà báo nữ không muốn mình bị đánh đồng với những nhà báo như vậy. "Bản thân mình là nhà báo đọc còn cảm thấy chối tai chối tai. Bạn đọc không thích những chi tiết như vậy xuất bản để bêu riếu nạn nhân," Phan Dương, phóng viên VNExpress chia sẻ: "Đó không thể được coi là thông tin đáng tin".

Kênh VTC 14 che hình người thân của em nhỏ bị XHTD ở Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Điều 21 về quyền bí mật đời sống riêng tư của Luật Trẻ em qui định "Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Điều 33 của Nghị định 56/2017/NĐ-CP làm rõ nội dung của điều 21 Luật Trẻ em: "Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em".

Điều 15 của Thông tư 09/2017/TT-BTTTT, cụ thể hóa điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP: "Đối với báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, phải làm mờ hoặc che mặt trẻ em và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo quy định tại Điều 33."

Tuy nhiên, luật sư Lê Ngọc Luân, người bảo vệ nạn nhân thành công trong vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, cho rằng có khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực hành. "Chúng ta phải thực tế. Lý thuyết không đủ. Chúng ta có Luật nhưng có bảo vệ được trẻ em không?" ông đặt câu hỏi. Luật sư Luân cho phép báo chí phỏng vấn nạn nhân và gia đình có che mặt và đăng lời kể của nạn vì ông tin việc xuất bản thông tin đó tạo sự đồng cảm của dư luận và thúc đẩy các cơ quan hành pháp thụ lý vụ kiện.

Bài báo được thực hiện trong khuôn khổ chương trình học bổng báo chí khu vực Đông Nam Á SEAPA 2017.

Nguồn: Thúy Bình/hanoitv.vn

Tin nổi bật