Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng nước ta, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là một nhà báo xuất sắc.

Ảnh: Tư liệu

Từ những năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài để tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Người đã có tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của báo chí cách mạng. Người hiểu rằng muốn thức tỉnh quần chúng, muốn trang bị lý luận cách mạng cho quần chúng thì không có phương tiện nào hữu hiệu hơn báo chí. Thời gian hoạt động ở Pháp, Người tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo Người Cùng Khổ, nhằm tố cáo bản chất tàn bạo của chế độ thực dân Pháp, làm các dân tộc trên thế giới biết đến Việt Nam và ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh tự giải phóng. Tại Trung Quốc tháng 6 năm 1925, Người đã tổ chức ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và sáng lập ra Báo Thanh Niên cơ quan ngôn luận của Hội, ra số báo đầu tiên bằng tiếng việt vào ngày 21 tháng 6 năm 1925, sự kiện lịch sử này đánh dấu mốc khởi nguồn và trở thành ngày hội của báo chí cách mạng Việt Nam.

 Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo vô sản đầu tiên của nước ta, mà Người còn là một nhà báo tài năng với tầm hiểu biết sâu, rộng, khả năng quan sát tinh tế, nắm bắt vấn đề nhạy cảm và khả năng dự báo thiên tài. Người đã viết bài cho nhiều tờ báo trong nước và ngoài nước, điển hình là các tờ báo: Người Cùng Khổ, Nhân Đạo, Thư Tín Quốc Tế, Đời Sống Công Nhân, Cờ Đỏ…(Báo quốc tế); Thanh Niên, Việt Nam Độc Lập, Nhân Dân…(Báo trong nước). Người viết nhiều thể loại: tin ngắn, tin dài, bình luận, chính luận, trào phúng, tuyên ngôn, hiệu triệu, thơ tự sự, thơ chữ tình… Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hoạt động báo chí cách mạng của mình từ năm 1919 đến năm 1969, Nhà báo kiệt xuất Hồ Chí Minh đã từng sử dụng khoảng 90 bút danh khác nhau để viết hơn 2000 bài báo các loại bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga, Hoa, Việt, đăng trên 50 tờ báo và tạp chí ở trong nước và nước ngoài. Những bài báo ngắn gọn của Người đã góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa. Những bài báo của Người dù viết dưới bút danh gì, ngôn ngữ gì cũng đều chứa đựng lượng thông tin phong phú, trung thực, diễn đạt trong sáng, giản dị, thể hiện tầm uyên bác về trí thức được kết tinh từ vốn văn hoá dân tộc và nhân loại.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Báo chí là một mặt trận, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng. Vì thế, cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng.Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” . Người yêu cầu đội ngũ những người làm báo: phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Người căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút viết phải đặt câu hỏi: viết cái gì? (xác định đề tài), viết cho ai? (xác định đối tượng), viết làm gì? (mục đích của bài báo) và viết thế nào? Người thường xuyên nhấn mạnh mục đích viết báo: không phải để một ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ. Vì vậy, khi viết xong bản thảo thì mỗi người phải đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì phải bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi vẫn chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Người còn dặn thêm: khi viết xong rồi thì nhờ anh em xem giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là tuyệt rồi. Người nhắc nhở phải kiên quyết chống lối viết: tràng giang đại hải, dùng từng đống danh từ lạ, hoặc viết như mật mã, thích ba hoa, viết vừa dài, vừa rỗng, thích khoe chữ, lạm dụng điển tích, sính chữ nước ngoài.

Nhiệm vụ của các nhà báo rất nặng nề, đề hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ cách mạng vẻ vang đó, Người yêu cầu các nhà báo phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ chính trị, đồng thời phải hòa mình vào đời sống của quần chúng nhân dân để viết cho đúng tâm trạng, nhu cầu và nguyện vọng của họ. Bác khuyên các nhà báo: Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn đã tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công.

 Những lời dạy trên đây của Người vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là những đòi hỏi mà những người làm báo cần tu dưỡng, rèn luyện không ngừng để có thể hoàn thành sứ mệnh của những nhà báo chân chính.

 Ngày nay, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng là sự tiếp nối thành công con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, nhằm thực hiện hoài bão, lý tưởng cao đẹp của Người, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và toàn dân tộc. Bên cạnh những thành tựu, những thuận lợi, đất nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn thử thách, hơn lúc nào hết những người làm báo phải thể hiện vai trò  người chiến sĩ và tính chiến đấu của báo chí cách mạng trong việc làm sáng tỏ đường lối, chủ trương và các chính sách của Đảng và Nhà nước ta, động viên,  cổ vũ lòng hăng hái và tinh thần phấn đấu của nhân dân ta vì sự nghiệp đổi mới. Tính chiến đấu còn phải thể hiện trong việc đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phê phán các luận điệu xuyên tạc và các hành vi chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

 89 năm đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền báo chí Cách mạng Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta. Lớp các thế hệ nhà báo đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, lĩnh vực báo chí ngày càng đổi mới hiện đại và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, dù phương tiện có hiện đại đến mấy nhưng chất lượng mỗi bài báo đều do đội ngũ những người cầm bút quyết định. Vì thế tấm gương của chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy của báo chí cách mạng và những lời dạy của Người đối với báo chí vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự sâu sắc. Vẫn tiếp tục tỏa sáng và là những nội dung thiết yếu mà đội ngũ nhà báo cần quán triệt sâu sắc và thực hiện triệt để, nhằm nâng cao phẩm chất và năng lực của mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Viết Thư

Nguồn: nguoilambao.vn

Tin nổi bật