Giới hạn diện tích quảng cáo trên báo điện tử là không khả thi

Thẩm tra sơ bộ của Thường trực Uỷ ban về Dự án Luật Quảng cáo cho thấy, việc quy định giới hạn diện tích quảng cáo trên báo điện tử là không khả thi.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Uỷ ban về Dự án Luật Quảng cáo đưa ra tại kỳ họp thứ 2, UBTVQH khoá 13 (ngày 26/9) cho biết, theo điều 26 Dự thảo Luật quy định quảng cáo trên báo điện tử không vượt quá giới hạn 25% diện tích mỗi trang thể hiện trên khuôn hình.

Nhưng theo kết quả giám sát của Uỷ ban, nguồn thu duy nhất của tất cả các báo điện tử đều từ quảng cáo. Hiện nay, trong số 34 báo điện tử và 66 trang thông tin điện tử, chỉ có 3 báo điện tư hoạt động hoà vốn hoặc có lãi. Việc hạn chế nguồn thu từ quảng cáo sẽ dẫn đến tình trạng báo điện tử không đủ kinh phí để chi cho hạ tầng công nghệ, thuê máy chủ, băng thông, đường truyền và nguồn nhân lực vận hành, do đó sẽ khó có điều kiện nâng cao chất lượng tin bài và nhiều báo sẽ không thể tồn tại.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phân tích, do đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện điện tử, diện tích mỗi trang báo có thể kéo dài bằng cách di chuột trên thanh cuốn bên phải màn hình. Hơn nữa, bên cạnh phần quảng cáo cố định trên khuôn hình máy tính, còn có những hình thức quảng cáo không cố định, có thể phóng to, thu nhỏ tuỳ theo ý muốn của độc giả. Do vậy, việc quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử là khó khả thi.

Thêm vào đó, công nghệ hiện nay cho phép tích hợp thông tin đa phương tiện, do vậy, cùng một thông tin có thể truyền tải trên nhiều phương tiện như máy tính, ti vi, điện thoại di động có cấu hình khác nhau. Nếu quy định cứng nhắc về diện tích quảng cáo trên báo điện tử thì sẽ khó áp dụng cho những phương tiện thông tin tương tự.

Không nên giới hạn diện tích quảng cáo trên báo điện tử

Thường trực Uỷ ban cũng nhận thấy, theo quy định, chỉ có báo điện tử và trang thông tin điện tử phải xin cấp phép hoạt động, còn hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử... đang nằm ngoài sự quản lý của nhà nước. Một số trang mạng từ các máy chủ nước ngoài đang tự do quảng cáo ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, thiết kế lại điều này cho phù hợp với tình hình thực tế.

Liên quan đến hình thức quảng cáo bằng đoàn người, Thường trực Uỷ ban cho rằng đây là loại hình quảng cáo mới đang có một số biến tướng phức tạp, không ít trường hợp gây náo loạn đường phố, gây ùn tắc giao thông, cần phải bổ sung quy định nhà tổ chức phải thông báo cho chính quyền địa phương trước khi tổ chức hoạt động này để chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng có thể giám sát, không để ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và an toàn xã hội.

Nội dung quảng cáo liên quan đến sức khoẻ trẻ em được đặc biệt quan tâm khi Thường trực Uỷ ban phân tích: Khoản 4 Điều 8 Dự thảo Luật Quảng cáo quy định cấm quản cáo "Các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình vú và vú ngậm nhân tạo dùng cho trẻ từ khi sinh đến sáu tháng tuổi". Trong khi đó, khoản 1 Điều 6 Nghị định 21/2006/NĐ-CP ngày 27/2/2006 lại quy định: "Nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức". Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị Ban soạn thảo Luật cân nhắc lại điều này để quy định cho phù hợp với yêu cầu bảo vệ sức khoẻ trẻ em.

Đặc biệt, qua giám sát thực tế, Thường trực Uỷ ban nhận thấy hiện nay có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng hình ảnh, danh nghĩa cán bộ, công chức, nhân viên chuyên môn hay hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để quảng cáo nhằm tạo niềm tin cho người tiếp nhận quảng cáo, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị bổ sung thêm một khoản cấm về vấn đề này.

Có nên bỏ giấy phép trong lĩnh vực quảng cáo?

Tại phiên họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, không nên quy định quá chi tiết về các mặt hàng bị cấm quảng cáo vì về sau sẽ phát sinh rất nhiều mặt hàng khác và không thể cứ sửa đổi luật thường xuyên được.

Ông Lý cũng đề cập đến việc có thể bỏ giấy phép quảng cáo, nhưng nhấn mạnh rằng vấn đề này cần cân nhắc, bởi nếu bỏ toàn bộ thì thị trường sẽ rất loạn. Theo đó, phải xem xét loại nào có thể bỏ được, loại nào không.

Ý kiến của Chủ nhiệm Phan Trung Lý được khá nhiều ý kiến tán thành. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất nên tìm hiểu kinh nghiệm của các nước xem liệu họ có bỏ cấp giấy phép trong lĩnh vực quảng cáo hay không. "Nếu làm rõ được những điều kiện thẩm quyền quảng cáo thì không cần phải cấp phép quảng cáo; nhưng nếu như chưa quy định cụ thể được như vậy thì phải cấp giấy phép" - ông Lưu nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề cập đến việc xem xét nên quy định dành 1 kênh truyền hình dành riêng cho quảng cáo.

Tuệ Khanh

Theo VnMedia

Tin nổi bật