Giá trị nhân văn, dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm người làm báo

Việc xây dựng Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã và đang được các cấp Hội trong toàn quốc hưởng ứng và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết. Các công việc chuẩn bị cũng đang được Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh. Trước thềm Hội thảo đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung xây dựng Bộ Quy định này (dự kiến diễn ra ngày 16/11/2016), Báo NB &CL đã có cuộc trao đổi với nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, để hiểu rõ hơn những nét mới, cách thức và tiến độ xây dựng Bộ Quy định mà những người làm báo và xã hội rất quan tâm.

+ Từ 1/1/2017, Luật Báo chí 2016 bắt đầu có hiệu lực. Thời điểm dự kiến đưa Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam vào thực thi cùng với Luật báo chí 2016 đã đến gần. Ông có thể giới thiệu một cách khái quát về những công việc đã làm được và tiến độ của việc xây dựng Bộ Quy định đạo đức có ý nghĩa quan trọng này?

Nhà báo Hồ Quang Lợi:  Sau khi Hội Nhà báo Việt Nam có chủ trương xây dựng Bộ Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam cho phù hợp với Hiến pháp 2013 Luật Báo chí 2016, đáp ứng với tình hình mới của đời sống xã hội và đời sống báo chí, thời gian qua, từ T.Ư Hội đến các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc đã triển khai  nhiều công việc theo đúng lộ trình của nhiệm vụ quan trọng này. Trước hết, Hội T.Ư đã thông báo Kế hoạch và Hướng dẫn thực hiện xuống đến các cấp Hội trong cả nước; tiếp đến là tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, học tập Luật Báo chí 2016 và Hướng dẫn góp ý kiến xây dựng Bộ Quy định mới về đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN.

Ngay sau đó, T.Ư Hội đã tích cực đôn đốc các cấp Hội trong cả nước tổ chức quán triệt, học tập Luật và đóng góp ý kiến vào việc xây dựng Bộ Quy định mới. Cho đến nay, hầu hết các cấp Hội đã tiến hành sinh hoạt và gửi ý kiến đóng góp về cơ quan T.Ư Hội. Ban soạn thảo của T.Ư Hội gồm 13 thành viên được thành lập và giao cho Ban Kiểm tra của Hội làm đơn vị Thường trực. Ban soạn thảo đã tiến hành 2 cuộc họp. Từ tất cả các đóng góp của các cấp Hội gửi về, bộ phận thường trực đã chắt lọc, tập hợp được 10 bộ ý kiến. Tại cuộc họp lần thứ nhất, Ban soạn thảo đã phân tích, tổng hợp thành 2 phương án. Và tại cuộc họp lần thứ hai, trên cơ sở văn bản đề xuất các Điều cụ thể của 13 thành viên, Ban soạn thảo đã phân tích sâu và xây dựng thành 1 phương án gồm 9 Điều…

Nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

+ Trong lộ trình xây dựng Bộ Quy định  này, bên cạnh những thuận lợi thì đâu là những khó khăn, những điều cần lưu ý thưa ông?

– Nhà báo Hồ Quang Lợi: Về mặt thuận lợi, thứ nhất, chúng ta đã có những Bộ Luật và Quy định có tính nền tảng là Hiến pháp 2013, Luật Báo chí 2016, Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp được ban hành từ năm 2005; thứ hai, công việc này luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin & Truyền thông, cùng sự quan tâm, hưởng ứng, đóng góp ý kiến tích cực của dư luận xã hội và các cấp Hội trong toàn quốc…

Tuy nhiên, tôi nghĩ, vấn đề cần phải đặc biệt lưu ý khi xây dựng Bộ Quy định này, đó là đời sống xã hội, đời sống báo chí hiện nay rất sôi động, đa dạng và có những diễn biến rất phức tạp, vấn đề đạo đức báo chí đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Làm sao trong số lượng điều không nhiều và ngôn từ, câu chữ không nhiều nhưng phải thể hiện được tất cả những nội dung cơ bản nhất, thiết yếu nhất, thì đó là điều rất khó khăn đối với Ban soạn thảo… Do vậy, tất cả những vấn đề được đưa ra đều đòi hỏi các thành viên phải lưu ý, trăn trở, suy tính, bàn luận thật kỹ. Cuối cùng là tất cả những nội dung không thể thiếu phải được thể hiện trong những câu chữ ngắn gọn, vừa có tính khái quát, lại vừa cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện nhất.

Chắc hẳn sẽ có nhiều điểm mới được đưa vào Bộ Quy định này để có thể phát huy được hiệu quả cao trong thực tiễn, thưa ông?

– Nhà báo Hồ Quang Lợi:  Hiện nay Ban soạn thảo đã cân nhắc, chắt lọc và đưa ra bản dự thảo Quy định gồm 9 điều và sẽ phải tiếp tục lắng nghe thêm những ý kiến đóng góp. Ngày 16/11/2016, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung xây dựng Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (mới).

Phóng viên tác nghiệp.

Bộ Quy định mới được xây dựng lên dựa trên 3 yếu tố chính: Một là, có sự kế thừa Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN ban hành năm 2005;   đồng thời có tham khảo từ các bộ Quy định đạo đức báo chí của các  nước khác; Hai là, dựa trên cơ sở nhận thức về mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức. Do đó, 2 phạm trù này luôn có sự gắn kết, thống nhất với nhau. Đây là điểm mới và rất cơ bản của Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo lần này. Nghĩa là, tuy không thể bê nguyên si toàn bộ những điều quy định trong Luật Báo chí vào Quy định, nhưng những gì thuộc về nền tảng, cơ bản, cốt lõi của  hoạt động báo chí phải được thể hiện, đặc biệt vấn đề liên quan trực tiếp đến đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của nhà báo thì phải được đưa vào; Ba là, căn cứ vào những biến động, thay đổi, nét mới của đời sống xã hội, đời sống báo chí và thời đại truyền thông kỹ thuật số… mà bộ Quy định trước đây chưa đề cập tới.

+ Không ít ý kiến cho rằng, bên cạnh hiệu quả đã đạt được thì Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN năm 2005 vẫn chưa được nhiều hội viên tuân thủ- tính nghiêm minh của Quy định vẫn còn hạn chế. Vấn đề này được khắc phục như thế nào trong Bộ Quy định mới, thưa ông?

– Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trước hết có thể nói, vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng được khẳng định mạnh mẽ trong thực tiễn đời sống chính trị, xã hội của đất nước. Thứ hai, là về mặt luật pháp thì vai trò, vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam đã được thể hiện rất rõ ràng bằng các Điều quy định trong Luật Báo chí. Thứ ba, trong Luật Báo chí 2016, vấn đề đặt ra giữa luật pháp và đạo đức đã có quy định rất rõ: nếu ai vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam thì bị tước Thẻ Nhà báo do Bộ Thông tin Truyền thông cấp. Còn nếu chưa có Thẻ Nhà báo mà vi phạm Quy định đạo đức thì đương nhiên sẽ không được cấp.

Có thể, có ý kiến đây đó cho rằng Quy định quá khắt khe, gây khó cho người làm báo. Nhưng có thể khẳng định, trước hết, đây là Bộ quy định đã được giới báo chí cả nước hết sức quan tâm, góp ý kiến xây dựng. Mục tiêu của bộ Quy định này có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Từ ý nghĩa rất tích cực này, tôi tin rằng, Bộ Quy định sẽ được lan toả trong đời sống báo chí và tác động tích cực, trực tiếp đến đội ngũ những người làm báo Việt Nam. Trên nền tảng của luật pháp và đạo đức, chúng ta cùng chung sức xây dựng  một nền báo chí lành mạnh, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích tối cao của đất nước và nhân dân.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Ngọc Lành (Thực hiện)/congluan.vn

Tin nổi bật