Đưa tin Breaking News - Tránh làm "nóng" xã hội không cần thiết

Nằm trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34, Hội thảo "Breaking News - Sức mạnh của chương trình thời sự" đã diễn ra trong sáng nay (19/12).

Buổi hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Thành Lương - Phó TGĐ Đài truyền hình Việt Nam (THVN); bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó TGĐ Đài THVN, ông Hoàng Sơn - Trưởng Ban Thời sự, Đài THVN cùng các vị lãnh đạo nguyên là Tổng Giám đốc Đài THVN, đại biểu đại diện các cơ quan báo chí, Đài PT-TH trong cả nước.

Hội thảo "Breaking News - Sức mạnh của chương trình thời sự" tại LHTHTQ lần thứ 34

Với nội dung chính "Breaking News - Sức mạnh của chương trình thời sự", hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại biểu bởi đây là một vấn đề mang tính thực tiễn cao, bám sát thực tế của ngành truyền hình trong nước và trên thế giới, phù hợp với xu thế phát triển của truyền hình hiện đại.

Trong buổi hội thảo, các tham luận đã đề cập đến một số nội dung chính như: Breaking News là gì?, công tác tổ chức sản xuất Breaking News và những cách làm, kinh nghiệm làm Breaking News của nhiều cơ quan truyền thông thế giới.

Breaking News là gì?

Mở đầu buổi hội thảo là tham luận của Cơ quan thường trú của Đài THVN tại Mỹ được thể hiện dưới dạng Video. Theo phóng viên Trần Hà chia sẻ trong tham luận, Breaking News chính là một dạng tin nóng, tin đặc biệt vừa xuất hiện. Hầu hết các đài truyền hình lớn của Mỹ như CNN, CBS hay ABC đều dành thời lượng riêng cho các bản tin Breaking News.

Tin nóng có thể xen ngang một bản tin bình thường và thông thường chỉ có một số phóng viên chính đảm nhận việc đưa tin Breaking News. Trong cuộc cạnh tranh gay gắt của ngành truyền hình Mỹ, các đài TH luôn chạy đua để có được những tin tức, hình ảnh đầu tiên. Phóng viên Trần Hà đã chia sẻ cách thức cô lấy tin Breaking News và việc tác nghiệp tại Mỹ mỗi khi có tin nóng như kiểm tra độ chính xác của nguồn tin, việc lựa chọn tin nóng giữa các tin tức khác, trực tiếp đến hiện trường... Theo phóng viên Trần Hà, điều quan trọng nhất khi xử lý các tin nóng, đó là việc người PV phải có một cái đầu “lạnh”.

Công nghệ tiên tiến của truyền hình thế giới trong việc thực hiện Breaking News

Để thấy rõ được sự ảnh hưởng của công nghệ đối với việc thực hiện Breaking News, nhà báo Trần Thảo Linh - Trung tâm Truyền hình Thời tiết và Cảnh báo thiên tai đã có tham luận về việc thực hiện bản tin khẩn cấp, cảnh báo thiên tai của các đài truyền hình trên thế giới và Việt Nam. Trong bối cảnh chung của biến đổi khí hậu toàn cầu thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra với tần suất ngày một dày và cường độ càng dữ dội, thì việc đưa tin kịp thời, chính xác là điều vô cùng quan trọng.

Đối với Đài truyền hình NHK – Nhật Bản, sở hữu công nghệ hiện đại, thế mạnh của NHK là luôn có được hình ảnh nóng, ấn tượng. NHK đặt mục tiêu là cơ quan đầu tiên ghi nhận được hình ảnh khi thiên tai xảy ra, thông qua việc sử dụng những trang thiết bị hiện đại chuyên dụng như Camera điều khiển từ xa, máy bay trực thăng, các xe màu. NHK cũng thiết lập cơ chế sản xuất riêng cho từng dạng thiên tai. Đối với trường hợp động đất, ngay khi động đất xảy ra, sau 1 giây, NHK phát sóng cảnh báo sớm động đất về những rung chấn mạnh..

Sau 30s - 1 phút, đã xác định được cường độ địa chấn, NHK sẽ phát sóng bản tin Breaking News do ở Nhật bản có 73 máy đo cường độ địa chấn lắp tại các Đài truyền hình trên khắp quốc gia, tất cả dữ liệu được tập trung về Tokyo chỉ trong 1 phút.

NHK sử dụng công nghệ đồ họa hiện đại ấn tượng. Trong những trường hợp thiên tai, thảm họa xảy ra, không ghi nhận được hình ảnh thực tế, NHK sẽ sử dụng đồ họa 3D tinh xảo mô phỏng chân thực diễn biến thiên tai xảy ra.

Đối với kênh truyền hình CNN, các bản tin khẩn cấp về Thiên tai là một phần quan trọng, hòa hợp vào dòng tin tức chung của một show lớn, dựa trên nền tảng cốt lõi là thông tin khoa học, số liệu từ Cơ quan Khí tượng – Thủy văn. Những thông số khoa học được kết nối và chứng minh bằng những tác động thực tế đến đời sống con người. Thế mạnh của họ là mạng lưới phóng viên hiện trường rộng khắp. Bất cứ đâu trên thế giới có thiên tai lớn xảy ra, lập tức có sự xuất hiện của phóng viên tại hiện trường để truyền tải những hình ảnh, diễn biến mới nhất của thiên tai và những tác động đến đời sống dân sinh. Khi thiên tai đỉnh điểm, họ sử dụng nhân sự của cả kênh phục vụ cho các bản tin Breaking News.

Thế mạnh của CNN còn là thông tin sâu, dày dặn, chi tiết, nhiều góc độ về khoa học và đời sống cho từng điểm trong vùng thiên tai. Các bản tin cũng truyền tải những hình ảnh nhanh, nóng thông qua đội ngũ phóng viên hiện trường, từ những người săn bão (một số kênh còn có người săn bão chuyên nghiệp riêng) và từ chính khán giả. Các bản tin được thể hiện bằng đồ họa mô phỏng ấn tượng, giải thích các hiện tượng khoa học, những tác động của thiên tai ứng với đặc điểm của địa phương.

Đài Truyền hình quốc gia Czech lại có cách làm khác là tăng tính tương tác, khán giả không còn đơn thuần thụ nhận tin thời tiết mà trở thành một người tham gia đưa tin cho các bản tin thông qua việc cung cấp tin tức, hình ảnh qua Facebook và trang web của Đài Truyền hình. Ngoài hình ảnh từ khán giả, phóng viên, Đài truyền hình cũng liên tục cập nhật hình ảnh, video từ hệ thống camera của Cơ quan khí tượng tại những vùng có thiên tai. Ngoài ra họ cũng đổi mới giao diện hình ảnh đồ họa, 3D bắt mắt, hiện đại.

Đối với Đài THVN, Trung tâm Truyền hình Thời tiết và Cảnh báo Thiên tai cũng đã thực hiện các Bản tin Thời tiết với các tin nóng Breaking News. Trong đó, một bản tin trong chuỗi Breaking news về siêu bão Haiyan đã nhận được giải thưởng của Cộng đồng Khí tượng châu Âu.

Trước một số ý kiến chia sẻ của đại diện các Đài PT-TH địa phương khi gặp phải khó khăn trong việc thực hiện Breaking News, thì tham luận của Phòng Chào buổi sáng – Ban Thời sự, Đài THVN đã đưa ra một số giải pháp và lưu ý khi tổ chức sản xuất thực hiện Breaking News.

Tham luận đã đưa ra những giải pháp cụ thể như cách kiểm tra nguồn tin, khai thác trên Internet khi có tin nóng, cách chọn lựa góc độ quay phim, cách sử dụng đồ họa, việc đảm bảo an toàn cho phóng viên tác nghiệp trong vùng nguy hiểm…

Thách thức của ngành truyền hình trong kỷ nguyên số

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Vũ Quang Hào (Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Quốc gia Hà Nội) với tham luận về mối liên hệ giữa Breaking News và công chúng truyền hình đã cho thấy những thách thức mà ngành truyền hình sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Nhìn từ góc nhìn của truyền thông đại chúng, công chúng truyền hình ở Việt Nam thập niên qua đã thay đổi do hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh sống của chính họ. Sự thay đổi này đã chế định đáng kể mối liên hệ giữa Breaking News và công chúng truyền hình.

Ở Việt Nam hiện đã có tới 20 triệu người dùng smartphone, bên cạnh đó là số lượng lớn người dùng Ipad và Laptop. Ba công cụ cầm tay này là những công cụ mạnh nhất và hiệu quả nhất để công chúng muốn tham gia vào sự kiện nóng bỏng trong quá trình sự kiện đó được tái hiện trên sóng truyền hình. Điều đó nói lên rằng công chúng đã muốn xem truyền hình một cách chủ động, thứ vốn không có hoặc rất mờ nhạt ở thập niên trước.

Cũng nhờ vào ba công cụ cầm tay này mà một sự kiện nóng nào đó được phát trên truyền hình ngay lập tức có thể khơi nguồn rất nhiều ý kiến và trở thành dư luận xã hội. Công chúng truyền hình đã tương tác, đã cố kết với nhau tạo ra dư luận xã hội. Đây là vấn đề hiệu ứng của Breaking News, một câu chuyện vốn rất ít được bàn luận ở nước ta. Tuy nhiên trong bối cảnh mặt bằng công chúng như hiện nay thì câu chuyện này không thể nằm ngoài sự quan tâm của nhà sản xuất tin nóng. Cùng với đây là câu chuyện mà nhà sản xuất tin tức truyền hình cũng cần phải tính đến: quản trị Breaking news sao cho nó không bị lâm vào khủng hoảng, tức làm xã hội “nóng “ lên một cách không cần thiết.

Theo số liệu của Bộ Thông tin - Truyền thông và Báo cáo “Vietnam Mobile Internet 2014”, hết năm 2013, với dân số lên đến hơn 92,5 triệu người, đã có hơn 21 triệu hộ gia đình và 36,1 triệu người sử dụng Internet (chiếm 39% dân số), 134 triệu thuê bao điện thoại di động, 20 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook (chiếm 21,6% dân số) và hơn 13 triệu người sử dụng mạng chia sẻ video YouTube.

Những số liệu này cho thấy có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa tin tức trên mạng và tin tức trên truyền hình. Với tin nóng, không còn nghi ngờ gì nữa, công chúng sẽ đọc nó ngay trên mạng. Trong khi với truyền hình, thời gian sản xuất, khung giờ phát sóng các bản tin thời sự… đã trở thành rào cản đối với mặt bằng thông tin của Breaking News.

Trong khi việc phát Breaking News cắt ngang chương trình khác ở nước ta chưa phải là cách làm phổ biến. Thế nên, sự kiện nóng khi trở thành Breaking News trên màn hình đã kịp “nguội” khi công chúng biết trước nhờ xem tin mạng. Do vậy, vấn đề đặt ra là nhà sản xuất tin tức thời sự làm thế nào để Breaking News luôn chiếm được mặt bằng thông tin cần thiết.

Kết luận tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó TGĐ Đài THVN cho biết: “Việc thực hiện Bản tin Breaking News đòi hỏi công tác tổ chức sản xuất có tính chuyên nghiệp cao, không chỉ đưa tin nhanh, chính xác mà phải quyết định chất liệu để làm rõ, làm sâu sự kiện nóng, có khả năng nuôi thông tin, phát triển thông tin, đặc biệt đòi hỏi phóng viên trực tiếp tiếp cận hiện trường phải nắm bắt thông tin nhanh, chuẩn xác và có khả năng truyền đạt thông tin bằng các thiết bị truyền hình trực tiếp làm sao hấp dẫn và có tính thuyết phục. Thực tế cho thấy việc sản xuất bản tin Breaking News sẽ tạo nên sức mạnh cho các Bản tin Thời sự, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả”.

Nguồn: CA/vtv.vn

Tin nổi bật