Đề cao đạo đức báo chí thời đại truyền thông số

(ICTPress) - Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, càng phải coi trọng vai trò của báo chí và  càng phải đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Cần phải tránh việc báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội và người làm báo vô trách nhiệm, không chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh điều đó trong cuộc trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam về vấn đề đạo đức nghề nghiệp báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

PV: Thời đại truyền thông kỹ thuật số đã và đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho báo chí, đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức đối với những người làm báo. Theo ông, đâu là những thách thức đáng chú ý nhất?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong “biển” thông tin dường như vô tận, nhiều khi xô bồ, hỗn tạp trên Internet, có nhiều thông tin sai lệch, thậm chí có những thông tin xấu độc, ác ý, gây tổn hại với xã hội. Mạng xã hội không hề “ảo” như nhiều người vẫn lầm tưởng, trái lại , trong rất nhiều trường hợp, những ngôn từ, hình ảnh được tung lên mạng lại có tính “sát thương” rất cao. Có người bị bấn loạn, không chịu đựng nổi đã phải tìm đến cái chết. Nếu không có báo chí cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có định hướng thì thông tin sai lệch, không được kiểm chứng trên mạng xã hội có thể gây bức xúc, thậm chí gây rối loạn xã hội. Không có báo chí, chúng ta sẽ không được sống trong một môi trường thông tin lành mạnh.

Công nghệ phát triển như vũ bão cũng có thể tạo điều kiện cho các hành vi thiếu chuẩn mực trong hoạt động báo chí. Chẳng hạn, hiện nay có những người làm báo không nghiêm túc, chỉ cần dùng máy tính hoặc điện thoại kết nối Internet rồi “vợt” thông tin trên mạng về xào xáo. Có 2 vấn đề cần nói ở đây: một là, nhà báo dùng thông tin trên mạng mà không kiểm chứng; hai là, vi phạm bản quyền. Đó vừa là vấn đề về tác phong vừa là vấn đề về đạo đức làm nghề.

Trên thực tế, đã nảy sinh những vấn đề rất mới trong thời đại truyền thông kỹ thuật số mà các quy định pháp luật chưa đủ sức bao quát hết, chưa đề cập hết được. Có những người lợi dụng sự chưa hoàn chỉnh của các quy định của luật pháp để tiếp tục làm những việc không trong sáng. Do vậy, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về báo chí, truyền thông thì bản thân những người làm báo phải luôn luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Có những điều luật pháp không cấm nhưng đạo đức không cho phép. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, càng phải đề cao vai trò của báo chí.

PV:Những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí phổ biến nhất trong thời đại truyền thông kỹ thuật số hiện nay là gì, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong những hành vi không chuẩn mực, có những hành vi do non yếu về trình độ, về bản lĩnh chính trị, nhưng cũng có những hành vi cố tình vi phạm về pháp luật, vi phạm về đạo đức nghề nghiệp.

Một trong những lỗi phổ biến hiện nay là lấy tin từ mạng xã hội nhưng không kiểm chứng.  Đó có thể do tác phong làm việc cẩu thả, cũng có thể do ngòi bút bị bẻ cong vì vụ lợi, phục vụ lợi ích nhóm, hay vì những mục đích không trong sáng.

Nhiều người làm báo bị mạng xã hội dẫn dắt, chỉ nhằm mục tiêu đưa tin nhanh nhất, chạy đua để là “người số 1”, để tờ báo được truy cập nhiều hơn, câu view mạnh mẽ hơn, dẫn đến coi nhẹ tính xác thực của thông tin. Điều này rất nguy hiểm.

Không nên đối lập giữa báo chí và mạng xã hội mà nên tìm cách khai thác những tiện ích từ mạng xã hội. Nhưng tất cả thông tin từ mạng xã hội phải được nhà báo kiểm chứng. Báo chí chỉ có thể hoàn thành trách nhiệm khi tạo được tính tin cậy đối với xã hội, đưa ra xã hội những thông tin chính xác, kịp thời, hữu ích, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Người làm báo vừa phải nêu cao tinh thần chiến đấu để bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, nêu cao tính nhân văn vì con người và tôn trọng con người.

PV:Theo quy định hiện hành thì những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp báo chí ngày nay sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn so với trước kia?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cốt lõi của hoạt động báo chí. Và cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp chính là tính khách quan, trung thực.

Những sai phạm trong quá trình làm nghề có thể vừa vi phạm luật pháp vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Theo Luật Báo chí 2016, nếu ai vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì sẽ bị tước thẻ nhà báo, mất quyền hành nghề.

Trong 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam có một nội dung rất quan trọng, đó là khi tham gia mạng xã hội, các nhà báo phải đề cao tinh thần trách nhiệm và tính chuẩn mực. Chuẩn mực ở đây là thấy cái đúng, cái tốt thì phải bảo vệ, thấy cái sai thì phải đấu tranh, phê phán và loại trừ. Đã có hiện tượng trên báo chính thức thì thể hiện quan điểm một kiểu, nhưng lên mạng xã hội thì nhà báo lại thể hiện quan điểm khác, thậm chí trái ngược lại quan điểm chính thức đã thể hiện trên báo. Đó là những nhà báo “hai mặt”.

Trung thực là yếu tố quan trọng nhất, sống còn nhất đối với người làm báo. Không là người trung thực thì không đủ tư cách để làm báo. Chỉ có những ngòi bút chính trực mới góp phần xây dựng nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội. Người làm báo vừa phải nêu cao tinh thần chiến đấu để bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, vừa phải nêu cao tính nhân văn vì con người và tôn trọng con người.

PV: Mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua quy chế hoạt động của Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Phải chăng đây cũng là một động thái nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trải qua 92 năm xây dựng và trưởng thành, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có đội ngũ những người làm nghề chính trực, phấn đấu vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương sáng ngời đạo đức làm báo như vậy, vẫn có một bộ phận những người làm báo, người mang danh nhà báo có những sai phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Số này nhỏ so với đội ngũ 20.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, nhưng hành vi vi phạm của số ít này lại rất nghiêm trọng, làm tổn hại lợi ích của đất nước và nhân dân, làm tổn thương danh dự, lòng tự trọng của những người làm báo chính trực.

Nhận thấy tình hình đó, Hội Nhà báo Việt Nam qua thảo luận từ các cấp hội đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, trong đó nêu rõ những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện, coi đó là nguyên tắc hành nghề, là bổn phận và lương tâm nghề nghiệp để góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.

Để cho 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp đi vào đời sống một cách thực sự, tạo động lực mới trong đời sống báo chí thì cần có hệ thống tổ chức phù hợp để giám sát, theo dõi, xử lý những hành vi sai phạm. Vì thế, Hội đồng xử lý vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được thành lập từ trung ương đến địa phương.

Việc thành lập Hội đồng nói là để xử lý vi phạm nhưng bản thân tôi nghĩ trước hết là để khích lệ tinh thần làm việc vì đất nước, vì nhân dân, vì những mục tiêu lý tưởng cao quý mà báo chí cách mạng Việt Nam theo đuổi. Đấy là điều quan trọng nhất, và nếu làm được thì tự nhiên vi phạm báo chí sẽ ít đi. Tiếp đến là cảnh báo, răn đe. Cuối cùng mới là xử lý sai phạm trong những trường hợp buộc phải làm vậy. Cơ quan thường trực của Hội đồng này ở cấp trung ương là Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, sẽ luôn sẵn sàng tiếp nhận những phản ánh về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp để đề xuất xử lý theo quy định.

Bình Minh (Thực hiện)/Báo Bưu điện

Tin nổi bật