Đầu xuân, bàn về mối quan hệ nhà báo - doanh nhân

Có người quan niệm, nhà báo và doanh nhân là hai loại hình nghề nghiệp rất khác nhau thậm chí xa nhau. Doanh nhân quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích của họ là hiệu quả kinh doanh, là đồng vốn sinh lời bao nhiêu. Còn nhà báo, tôn chỉ mục đích và luật pháp cũng định hướng rất rõ là phải vì lợi ích của xã hội, vì số đông công chúng mà phục vụ.

Nhưng đấy là bề mặt, còn nhìn trên chiều sâu của vấn đề thì doanh nhân không khi nào có thể rời xa lợi ích của xã hội, của đất nước. Doanh nghiệp gắn xã hội trong kinh doanh, doanh nghiệp là của cộng đồng. Sự kiện một tạp chí quốc tế có uy tín đánh giá Việt Nam đã có hai doanh nhân trong bảng xếp hạng các tỷ phú đô la trên toàn cầu là niềm tự hào chung của đất nước, được dư luận đón nhận theo hướng tích cực chứ không còn tâm lý nghi ngờ, kỳ thị, xa lạ như buổi đầu hội nhập. Sự thay đổi nhận thức và thái độ cộng đồng ấy giới doanh nhân hiểu rằng có sự góp sức không nhỏ từ thông tin báo chí.

“Nếu tiếp cận đúng hướng như thế, mỗi quan hệ nhà báo, doanh nhân sẽ là nền tảng thúc đẩy xã hội, thúc đẩy sự nghiệp kinh doanh phát triển” - Ảnh: BAODAUTU.VN

Trong dòng chảy cuộc sống, sự hợp tác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau luôn là cần thiết. Báo chí với vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, là nguồn thông tin phong phú, hữu hiệu có thể giúp giới doanh nhân tìm kiếm những cơ hội đầu tư, những thông tin thị trường hữu dụng. Trong biển thông tin cạnh tranh hiện nay, báo chí vẫn là nguồn thông tin thiết thực và có độ tin cậy cao. Ngược lại, những câu chuyện làm ăn, tư duy vượt trước thời đại của nhiều doanh nhân là đề tài hấp dẫn trên báo chí. Chưa kể, doanh nhân cũng cần những giây phút nghỉ ngơi, cũng quan tâm đến những thông tin văn hóa giải trí, cũng thao thức với những sự kiện chính trị xã hội, đến vận mệnh quốc gia. Khi Trung Quốc gây hấn với giàn khoan Hải Dương 981 ngang ngược cắm vào thềm lục địa của đất nước, nhiều doanh nhân đã lên tiếng, đã tìm mọi cách góp công sức, tiền của và cả trí tuệ của mình vào công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia, đề cao giá trị độc lập. Tôi có quen biết một doanh nhân tầm cỡ đang triển khai nhiều công trình bất động sản, thủy điện từ bắc chí Nam. Bận rộn túi bụi nhưng cứ lúc nào ngơi việc là anh lại vội vào mạng tìm những thông tin mới về biển Đông, về vụ giàn khoan xâm lăng với sự quan tâm đặc biệt. Hỏi vì sao, anh cười bảo mình là người Việt Nam, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, những lúc thế này nếu có lệnh tổng động viên là lên đường ngay không cần nghĩ. Còn dưới góc độ một nhà đầu tư, một người làm kinh doanh, tài sản của mình trải ra khắp miền đất nước, phải bám sát diễn biến thời sự, phải quan tâm đến mọi thông tin để có thể đưa ra những phương án xử lý tối ưu. Cho nên báo chí là bạn đồng hành, bản tin thời sự mỗi ngày được chờ đón hơn cả chờ đón người yêu. Giản dị thế thôi.

Doanh nhân như một tầng lớp tinh hoa của xã hội, được giới trẻ ngưỡng mộ, được xã hội tôn vinh. Báo chí cũng luôn dành cho những doanh nhân thành đạt cái nhìn ưu ái. Song những bài học kinh nghiệm, những thất bại thương trường cũng cần được thông tin, mổ xẻ cho thấu đáo để tránh vết xe đổ cho những người đi sau, để khát vọng làm giàu được hiện thực hóa chứ không chỉ là giấc mơ xa vời toàn màu hồng ảo diệu. Có doanh nhân tâm sự, đã làm ăn là phải hiểu pháp luật, phải tuân thủ pháp luật. Nhưng hiểu biết pháp luật cặn kẽ, sâu sắc lại là chuyện không đơn giản. Những bài học cảnh tỉnh từ báo chí, những cung cách làm giàu thiếu bền vững, chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, chà đạp lên cộng đồng cần phải bị lên án và tẩy chay. Khi nhà báo dõi theo nghiệp làm ăn của doanh nhân, ở đó có cả sự tin cậy, sẻ chia, cũng có cả sự cảnh báo, thậm chí ý thức giám sát xã hội cũng càng được đề cao như chức năng đương nhiên của một loại hình nghề nghiệp luôn thông tin vì lợi ích cộng đồng, luôn lấy đất nước, dân tộc làm thước đo đạo đức nghề nghiệp của mình. Những doanh nhân có trách nhiệm và tỉnh táo không bao giờ muốn báo chí khen một chiều mà luôn cần ở nhà báo sự góp ý chân tình, kể cả thái độ phê bình thẳng thắn nhưng có thiện ý, để khắc phục yếu kém, đi lên bền vững. Không ai dám chắc không có sai lầm. Trong một cơ chế còn nhiều bất cập, cần tháo gỡ và hoàn thiện, doanh nhân là người lính đi đầu, có vinh quang nhưng rất có thể cũng có hy sinh, trả giá. Báo chí phải minh bạch, công tâm nhìn rõ ở đó đâu là sai lầm do ham lợi nhuận, chủ động vi phạm, làm ẩu, làm liều, trục lợi, đâu là yếu kém, vấp váp do nhận thức chưa tới, do cơ chế đẩy vào thế “không thể khác”…

Cuộc sống luôn cần bè bạn, cần những mối quan hệ kết nối, cần những lời động viên khi sóng gió, cần những sẻ chia, tư vấn lúc bế tắc, khó khăn. Hạnh phúc nào hơn với người làm báo là có những độc giả biết góp ý chân thành và thẳng thắn với những tác phẩm của mình. Không hiếm những doanh nhân đầy trí tuệ và nhiệt huyết luôn quan tâm đến báo chí, sẻ chia, đồng hành với những người làm báo vì một niềm tin tương lai sẽ tốt đẹp hơn, cái xấu, cái sai, cái vô lý sẽ không thể có đất mà tồn tại. Họ có thể không trực tiếp cầm bút viết báo, nhưng ý kiến của họ, chắt lọc từ thực tiễn thương trường máu lửa và sôi động, từ kinh nghiệm cuộc đời từng trải và có lúc không kém truân chuyên chính là nguồn tài liệu vô giá cho những nhà báo say nghề kiểm chứng thêm những góc cạnh đa diện của cuộc sống. Nghề báo vốn nhiều rủi ro, thách thức, nhận diện bản chất sự kiện, vạch rõ ranh giới đúng sai nhiều lúc là thử thách nghiệt ngã. Nhìn từ bên ngoài vào để phản ánh, đôi mắt nhà báo dù trải nghiệm tinh tường đến mấy có lúc cũng không tránh được phiến diện, sơ suất. Mà sai một ly, đi một dặm, niềm tin vô giá của công chúng mà cả đời làm báo chắt chiu qua từng bài viết, từng chi tiết nhỏ có thể đổ xuống sông, xuống biển chỉ vì một cách xử lý thông tin vội vàng. Cho nên sự sẻ chia từ những bạn đọc đặc biệt, những doanh nhân đầy trí tuệ và trải nghiệm là hành trang quý giá để nhà báo vững tin hơn trên hành trình tác nghiệp.

Ngược lại, nhà báo cũng có thể hỗ trợ doanh nhân doanh nghiệp làm ăn chân chính bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Cơ chế chưa hoàn thiện là mảnh đất tốt cho nạn nhũng nhiễu phát sinh. Trong nghiệp làm ăn, không hiếm khi doanh nghiệp phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận đi cửa sau để được việc. Không hiếm khi sự o ép bắt bí doanh nghiệp đã trở thành mánh làm ăn của một số “công bộc” lộng quyền. Báo chí đồng hành với doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vững tin hơn vào công lý. Có những góc khuất rất khó nói ra, có những thói tật không dễ chỉ tận tay, day tận trán, nhưng nếu quyết tâm phơi bày sự thật, nhà báo có thể khiến cái xấu, cái ác phải chùn tay. Nói như Lê-nin: “Hãy để sự nhục nhã trở nên nhục nhã hơn bằng cách công bố sự nhục nhã đó”, báo chí có sức mạnh của tính công khai, của sự giám sát bằng con mắt của hàng vạn, hàng triệu độc giả. Cũng có những bài báo không đăng, những chương trình chưa lên sóng, nhưng sự vào cuộc đúng đắn và đầy trách nhiệm của báo chí đã góp phần giải quyết vấn đề, tháo gỡ cho doanh nghiệp, động viên các doanh nhân chân chính tiếp tục sáng tạo, suy nghĩ, mở mang cơ nghiệp, cũng có nghĩa là tạo công ăn việc làm và cơ hội phát triển cho cả xã hội, cộng đồng. Tôi biết trường hợp một doanh nhân ở một tỉnh miền núi, làm ăn rất bài bản, chỉn chu, thuế nộp đầy đủ, chăm lo đời sống cán bộ công nhân rất tận tâm, chu đáo. Thế nhưng chỉ vì quan hệ không tốt với “ông” chi nhánh điện mà điện thường xuyên bị cắt đột ngột, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Theo luật, cắt điện không báo trước thì phải đền bù cho sản phẩm hư hỏng, máy móc gặp sự cố, nhưng đấy là lý thuyết, còn hiện thực đố doanh nghiệp nào đòi được ngành điện bồi thường vì không thiếu lý do bất khả kháng” được đưa ra biện hộ. Người làm khó cho ông vốn có thâm niên trong ngành, sự nể nang kiểu “nội bộ” bắt rễ rất sâu khiến nỗi bức xúc của ông không thể nào giải tỏa. Khi báo chí tìm hiểu vụ việc, chính quyền cơ sở phải vào cuộc, ông cán bộ hành doanh nghiệp được điều chuyển sang bộ phận khác, mọi việc mới ổn thoả. Một việc nhỏ thế thôi nhưng vị doanh nhân chân chất nơi phố núi cảm động và tin cậy với báo chí, vì ông đã loay hoay với nỗi khổ khó lý giải ấy mấy năm trời mà đành bất lực.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng ngọt ngào. Mối quan hệ báo chí doanh nghiệp có lúc cũng sóng gió, gập ghềnh. Đó cũng là lẽ thường tình. Có không ít doanh nhân ngại báo chí, né báo chí, thậm chí ác cảm với những người làm báo. Khoảng tiếp xúc chủ yếu của họ làm nên góc nhìn có chiều thiên kiến về nghề báo là những cuộc điện thoại mời quảng cáo lắm khi riết róng của một số cộng tác viên, nhân viên công ty truyền thông bị áp doanh thu. Cũng có khi sự căng thẳng trong một vài cuộc tiếp xúc khiến họ thấy ở một vài nhà báo nào đó cung cách moi móc, làm khó, thiếu sự cảm thông, chia sẻ với nỗi khổ của doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế khó khăn, hành lang pháp lý còn bất cập. Ngược lại, cũng có những doanh nhân khiến giới báo chí buồn lòng vì sự giàu xổi, tiền hậu bất nhất, thói huênh hoang, khoe của hợm hĩnh nhà giàu mà coi thường mọi giá trị nhân văn. Cũng có trường hợp, doanh nghiệp cần báo chí bảo vệ, nhưng khi báo chí lên tiếng mạnh mẽ thì doanh nghiệp đã lặng lẽ bắt tay thoả thuận với cơ quan làm sai, né sang một bên, để mặc nhà báo chơ vơ, đơn độc với những thông tin chống tiêu cực của mình.

Những hiện tượng ấy dù không phổ biến nhưng đây đó vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến mối quan hệ báo chí doanh nghiệp vốn tương sinh, tương đồng và nhiều duyên nợ. Dù muốn hay không, cũng cần bình tĩnh nhìn vào thực trạng đó để tháo gỡ và giải quyết. Người làm báo giàu lòng tự trọng, nhưng cuộc sống gắn với chữ nghĩa cũng khiến họ hay mềm lòng trắc ẩn, dễ cảm thông với những cảnh ngộ cuộc đời. Người làm kinh doanh va chạm cuộc sống không ít, trải nghiệm thương trường đích thực cũng làm họ thêm đằm thắm lẽ đời, biết chia sẻ, tôn trọng công việc của người khác, biết tận dụng thông tin để làm giàu cho cuộc sống của mình. Nếu tiếp cận đúng hướng như thế, mối quan hệ nhà báo, doanh nhân sẽ là nền tảng thúc đẩy xã hội, thúc đẩy sự nghiệp kinh doanh phát triển. Mặt trận thông tin cũng sẽ thêm phong phú, sinh động, cái tích cực sẽ phát huy sức mạnh, đẩy lùi cái tiêu cực ra khỏi đời sống cộng đồng.

Mùa tuyển sinh vừa qua, số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành kinh tế vẫn tăng. Có nghĩa là rất nhiều người trẻ vẫn đang ấp ủ thành doanh nhân, ấp ủ những dự định kinh doanh để làm giàu cho cá nhân mình và cho đất nước. Tương tự, ngành báo chí vẫn là ngành “hot” trong khối các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều người trẻ chọn báo chí vì luôn tin rằng cái nghề vất vả ấy luôn cần cho cuộc sống tốt đẹp hơn, công bằng hơn. Xu thế chọn nghề ấy cho thấy nhà báo và doanh nhân vẫn là mối quan hệ song hành bền vững về phía tương lai. Khi đã được xã hội gửi gắm niềm tin cậy, nhà báo và doanh nhân chắc phải tự biết cần làm gì để củng cố mối quan hệ lành mạnh và đúng đắn, gạt bỏ những rào cản, những bất cập để tiến về phía trước, tiên phong trong công cuộc dựng xây đất nước giàu đẹp, văn minh. Đó cũng là lẽ tự nhiên, bởi chắc chắn không ai muốn phải sống một mình, và thực tế cũng khó ai có thể sống một mình, không cần bè bạn, đối tác trong một xã hội chuyển động mạnh mẽ và đầy thách thức hiện nay.. 

TS. Đỗ Chí Nghĩa

Nguồn: nguoilambao.vn

Tin nổi bật