Đăng nội dung vô bổ làm lung lay tinh thần xã hội

(ICTPress) - Năm 2014, Hội nhà báo Việt Nam (HNBVN) chọn chủ đề hoạt động: “Nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chủ tịch HNBVN, Tổng Biên tập Báo nhân dân Thuận Hữu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác HNBVN năm 2014 mới đây cho biết tình trạng nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp ngày càng nhiều, thậm chí nhiều người vi phạm pháp luật, biểu hiện tống tiền, dọa nạt cơ sở, đạo tin bài của nhau, đưa tin không kiểm chứng, thậm chí bịa tin. Nhiều nhà báo thiếu ý thức nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, đưa tin viết bài thiếu cân nhắc về hiệu ứng xã hội và phản ứng tiêu cực của xã hội và các thế lực thù địch lợi dụng những thông tin này để xuyên tạc tình hình đất nước và chống phát chúng ta. Như vậy, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo có nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều người không ý thức được và không hoàn thành được công việc, trong khi toàn Đảng toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu vượt qua các khó khăn thì chúng ta lại không tiếp sức, không tạo ra sự gắn kết, sức mạnh vượt qua khó khăn mà chúng ta làm phân tâm xã hội, thậm chí làm thiệt hại kinh tế - xã hội của đất nước, và có những tin làm rối loạn xã hội. Nhiều báo chí chạy theo xu hướng giật gân câu khách, chủ yếu nêu mặt trái xã hội hoặc chạy theo thị hiếu tầm thường. Xu hướng lá cải hóa trên một số báo là có thật, thông tin trên báo chí, nhất báo mạng ngày ngày đầu độc bạn trẻ, xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước.

Chủ tịch HNBVN, Tổng Biên tập Báo nhân dân Thuận Hữu phát biểu tại Hội nghị

Lần đầu tiên Trung ương đưa ra hai khái niệm mới: sự xâm lăng văn hóa và chiến tranh mạng. Cả hai khái niệm này xuất hiện từ thông tin trên báo chí. Báo chí vô tình truyền tải thông tin làm méo mó, làm phai mờ bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện cho các thế lực xâm nhập. Cuộc chiến đấu trên mặt trận tư tưởng có cam go hơn. Chiến tranh mạng là khái niệm mới. Từ việc giật gân câu khách, vô tình chuyển tải nội dung vô bổ nhưng sẽ lung lay nền tảng tinh thần của xã hội và trách nhiệm của HNBVN chọn chủ đề hoạt động năm nay vì thế, Chủ tịch Thuận Hữu cho biết.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Bà Hà Kim Chi, Trưởng Ban Kiểm tra HNBVN tại Hội nghị công tác kiểm tra mở rộng cho biết số lượng nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm Luật Báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp tăng. Đáng lưu ý là đơn thư liên quan đến việc hội viên - nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp tăng 128,5% (Năm 2012: 7 vụ năm 2013: 16 vụ), con số trên nói lên tình trạng hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp gia tăng.

Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị đã cho biết năm 2013 vi phạm báo chí tiếp tục diễn ra, dư luận kêu nhiều, trước hết là một số ấn phẩm. Một số báo in đi vào khai thác quá nhiều mặt trái của xã hội. Có một số tờ trông trang nhất không khác một tờ cáo phó. Chữ to, đen toàn các vụ án. Chúng ta phản ánh xã hội nhưng phải có mức độ vì báo chí còn là định hướng xã hội. Chúng ta nói quá nhiều điều xấu, chưa bao giờ tình trạng giết nhau đưa nhiều quá, chúng ta đưa nhiều quá lại phản tác dụng. Những sai sự thật, nhiều sai phạm, số đơn thư vụ việc giảm nhưng tính nghiêm trọng thì không giảm.

Lý giải các các nguyên nhân vi phạm ông Hoàng Hữu Lượng cho biết là do nghiệp vụ yếu kém, nguồn tin không đầy đủ, quy trình làm báo chưa thực hiện đúng, hiện có tình trạng khai thác thông tin trên mạng vì báo điện tử cần nhanh, không kiểm chứng thông tin dẫn đến cái sai. Nhưng cái sai nguy hiểm nhất là xuất phát từ đạo đức báo chí bị vi phạm vì đây là cái sai chủ ý. Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh rất quyết liệt chúng ta không cẩn thận rất dễ xa vào vòng đó.

Ông Hoàng Hữu Lượng dẫn chứng thông tin gần đây nhất mà báo chí ồ ạt đăng tin từ sự việc có thật là một liệt sĩ trở về sau 40 năm. Báo địa phương đăng trước, báo trung ương ồ ạt đăng theo, có báo đăng 20 bài. Báo chí đăng không sai việc công nhận liệt sĩ và sự trở về không sai nhưng chúng ta đăng mấy chục bài mà không có nghi vấn tại sao 40 năm không trở về. Sự thật người trở về là một người đào ngũ. Sai về đạo đức có chủ ý rất nguy hiểm. Hiện nay có hai tình trạng sai là từ phía phóng viên có thể vì mục đích cá nhân nhưng lãnh đạo báo chí không phải không có.

Năm nay HNBVN lấy chủ đề đạo đức để hoạt động hội là rất có ý nghĩa. Nếu chúng ta nâng cao được đạo đức thì trách nhiệm không phải chỉ của phải là Hội nhà báo trung ương mà các hội địa phương rất lớn, không chỉ của cơ quan báo chí mà vai trò của hội rất lớn, ông Hoàng Hữu Lượng cho biết.

Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 288 tổ chức cơ sở hội, gồm 63 Hội tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 206 chi hội trực thuộc, với số lượng trên 20.000 hội viên, trong đó có 19.901 trường hợp đã được cấp, đổi thẻ hội viên. Năm 2013 là năm có số hội viên nộp đơn và được kết nạp cao nhất từ trước đến nay, kết nạp 2.072 hội viên, tăng 23% so với năm 2012. Đã có 14 Chi hội trực thuộc Trung ương Hội được thành lập mới, 36 cấp Hội đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ.

Năm 2013, HNBVN đã làm tốt công tác tham mưu và phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế, chính sách đối với báo chí, đối với hoạt động của các Hội nhà báo tỉnh, thành phố. Hội nhà báo đề nghị và được Quốc hội chấp thuận giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo in từ 25% xuống còn 10%, góp phần giải quyết khó khăn trong hoạt động báo chí và tác nghiệp báo chí tại tòa.

LP

Tin nổi bật