Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Văn võ song toàn!

Tính đến ngày 4/10/2017 (trùng rằm Trung Thu năm Đinh Dậu) cũng vừa tròn 4 năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi về thế giới người hiền. Tuy ông đi xa, đi mãi, nhưng thân thế, sự nghiệp, trí tuệ, tâm hồn, tình cảm… của vị tướng huyền thoại, vị tướng của nhân dân lưu mãi, ngày thêm đậm đặc, luyến nhớ trong lòng nhân dân và bầu bạn.

Với Võ Đại tướng, sách, báo, phim ảnh đã nói nhiều. Bộ đội, nhân dân, các cháu nhỏ đều đã biết. Điều chúng ta suy ngẫm, đáng nói đó là hồn cốt của ông dù qua năm tháng vẫn có sức lan tỏa ngày càng nhiều, càng rộng trong thế gian với tâm thế tự hào, kiêu hãnh. Rõ ràng lịch sử một dân tộc hay lịch sử một con người vốn công bằng, không hề thiên vị bất cứ ai.

Nhà báo người Mỹ Lady Borton có bài viết về Việt Nam tựa đề: Bác Hồ và Anh Cả Giáp. Tác giả viết, trên thế giới này, ngay trong thế kỷ XX Việt Nam là nước duy nhất thành kính gọi người lập nước của mình, người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng là Bác cùng vị tướng huyền thoại thời Cộng hoà trẻ tuổi của nước nhà là Anh. Người bạn Mỹ lý giải, cách gọi Bác với Cụ Hồ Chí Minh có từ khi nước Việt Nam mới ra đời và Anh cả với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp hàm chứa cả hai đức tính vốn có của người Việt Nam là kính trọng, lễ phép lẫn sự thân tình như người trong một nhà, mà ngay từ buổi đầu của cách mạng, cả hai người đứng cùng chiến tuyến trên núi rừng Việt Bắc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau cuộc trường chinh giải phóng dân tộc dài 3 thập kỷ trong thế kỷ XX (1945- 1975) giang sơn Việt Nam thu về một dải, thế giới ngợi ca Việt Nam là lương tâm của thời đại, phẩm giá của con người.  Bác Hồ – Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Danh nhân văn hóa của thế giới bằng sự tôn vinh của Tổ chức Văn hóa – Khoa học UNESCO. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với danh tướng Trần Hưng Đạo là 2 trong số 10 tướng lĩnh được tôn vinh là thống soái kiệt xuất về nghệ thuật quân sự từ trước đến nay của toàn hành tinh.

Theo Tiến sỹ Trần Thị Vinh (Viện Sử học Việt Nam), hơn 3 thập kỷ trước, ấy là tháng 2/1984 Hội Khoa học Hoàng gia Vương quốc Anh sau một thời gian dài chuẩn bị công phu, thận trọng đã nhóm họp để tuyển chọn các tướng lĩnh nổi tiếng thế giới kịp đưa vào cuốn Bách khoa thư xuất bản tại London vào năm 1985. Theo đó, 478 nhà khoa học quân sự từ các nước được mời đến và họ đề cử 98 thống lĩnh nổi tiếng kể từ thời cổ đại đến đương đại, tiến hành tổng hợp, phân tích, tranh luận “nảy lửa”, kế đó chọn ra 10  thống soái đặc biệt kiệt xuất để tôn vinh. Thời cổ đại có 3 người đều đạt 100% số phiếu, Thời Trung đại 1 người, Thời cận đại 2 người gồm 1 của Anh và 1 của nước Phổ (nhưng chỉ đạt 71 và 70% số phiếu), Thời hiện đại 2 người.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị nữ thông tin và quân y (tháng 5-1973)

Trong số 10 thống soái thuộc hàng kiệt xuất được chọn, Việt Nam có 2 vị.

Người thứ nhất là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, anh hùng giải phóng dân tộc, vị thống soái 3 lần kháng chiến thắng lợi quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ thứ XIII (từ 1258 đến 1288). Hưng Đạo vương là thống soái duy nhất của thời Trung đại được tôn vinh với 100% số phiếu.

Người thứ hai là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ xâm lược. Tướng Giáp cùng với Nguyên soái Giukốp của Liên Xô là 2 thống soái thời hiện đại đạt 100% số phiếu.

Với Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại, vị tướng của nhân dân. Người Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam chào đời  cách đây 73 năm – ngày 22/12/1944 và đánh thắng cả hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo thực thụ. Ông nổi tiếng từ những bài báo chống thực dân xâm lược vào những năm 1929, 1930, 1931 tại miền Trung, khiến chính quyền thực dân, phong kiến thời đó kết án tù cùng lệnh cấm Võ Nguyên Giáp làm báo ở vùng này.

Nhận rõ vai trò quan trọng của báo chí, ra Hà Nội ông sáng lập tờ Hồn Trẻ, kế đó là tờ Le Travaill (Lao động). Sau cách mạng Tháng Tám, bên cạnh hoạt động quân sự là chính, ông vẫn say mê nghề báo khi ra tờ Tiếng Suối Reo, tờ Nước Nam Mới ; viết nhiều bài quan trọng cho các báo Sự Thật, Độc Lập, Quân Giải Phóng… Một bài Tổng kết 15 năm làm báo trước tháng 8/1945, Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh:  “Làm một số báo giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Công việc phải khẩn trương, nắm được ý nguyện của nhân dân, phát hiện được ý đồ, âm mưu lớn nhỏ của kẻ thù. Tất cả nhằm đến phương án tốt nhất phục vụ công chúng báo chí”.

Đại tướng viết tiếp: “Thời điểm ra báo là quan trọng, khó hơn làm nghệ thuật.  Nghĩa là làm báo phải đúng lúc, chính xác, chặt chẽ đem lại hiệu quả cho bạn đọc. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng nhẹ phải kết hợp hài hòa như những màu sắc của tác phẩm hội hoạ. Những chữ lớn, chữ nhỏ, đứng, nghiêng… đều toát lên vai trò và hiệu quả riêng của tờ báo”. Kết luận bản Tổng kết là: “Nghề báo phải lao tâm, tổn trí, gian khổ. Nhưng được đền bù là người đọc”. (xem Tạp chí Người làm Báo Việt Nam, số tháng 5/2017).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất yêu nghề báo. Ảnh tư liệu.

Tôn vinh, tri ân vị tướng làm báo, Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam trân trọng trao tặng  Đại tướng Võ Nguyên Giáp Huy chương vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam. Cùng dịp, Huy chương cao quý này của làng báo nước nhà cũng được trao tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh – những người vừa là lãnh tụ vừa là nhà báo.

Với thế giới, Đại tướng luôn đi cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong rất nhiều sự kiện đáng nhớ. Với người Cu ba và một số nước Châu Mỹ la tinh thường hô vang trong các cuộc tuần hành ủng hộ Việt Nam thời còn trận mạc: Hồ Hồ, Giập Giập (Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp).

Bách khoa toàn thư CH Pháp xuất bản tại Paris năm 1987 mô tả Đại tướng họ Võ là người thông minh, giàu nghị lực. Cả hai cuộc chiến tranh (1946-1954) và (1965-1975) Tướng Giáp luôn chủ động đẩy đối phương vào thế bị động, mặc dù Pháp và Mỹ đều mạnh hơn Việt Nam gấp bội về kinh tế lẫn quân sự; điển hình là việc tổ chức trận địa và hậu cần ở thung lũng Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ và đương vận chuyển xuyên Việt mang tên đường Hồ Chí Minh huyền thoại hết sức sáng tạo, độc đáo, chưa có bất cứ sáng tạo nào khác để so sánh.

Đề cập đến gia đình Võ Đại tướng là gia đình cách mạng, học giả Peter Macdonald người Anh vốn là viên tướng tài ba của phương Tây xuất bản sách: “Giáp – một sự đánh giá” (Giáp an assessment, xuất bản tại Anh và Pháp bằng tiếng Anh và tiếng Pháp). Peter viết: Cụ thân sinh của ông Giáp đã từng tham gia phong trào chống Pháp từ những năm  1885-1888, đến năm 1919 cụ bị bắt và qua đời trong nhà tù của Pháp; Sau đó không lâu, người chị ruột cũng ra đi do bị tù đày. Vậy là trước 10 tuổi Giáp đã 2 lần mang tang người thân. Về sau, vợ đầu của ông, bà Nguyễn Thị Quang Thái cũng hy sinh, trở thành liệt sỹ.

Năm 1939, Võ Nguyên Giáp làm giáo sư dạy ở trường Thăng Long – Hà Nội. Họ ca ngợi: “Giáp là một người trai trẻ, dễ mến, rất thông minh, năng nổ, đúng cả với nhân cách cũng như trí tuệ. Chính vì vậy mà nhà quyền Pháp ở Đông Dương cũng như ở chính quốc đều tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc ông nhưng đều thất bại”.❏

Nguồn: Nguyễn Xuân Lương/congluan.vn

Tin nổi bật