Đặc điểm không gian nghệ thuật trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng được xem là nhà văn tài năng nổi trội với sở trường về tiểu thuyết và phóng sự, được người cùng thời phong tặng danh hiệu “ông vua phóng sự đất Bắc”. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn đề cập đến một bình diện của phóng sự Vũ Trọng Phụng là đặc điểm không gian nghệ thuật-một hình thức tồn tại của vật chất cho con người trong tác phẩm của ông hoạt động, suy nghĩ và phát triển tính cách; đồng thời, qua đó, tác giả thể hiện tư tưởng, tình cảm và phong cách của mình. Với tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, ta bắt gặp rất nhiều kiểu không gian-thời gian, tùy theo từng hoàn cảnh, từng công việc và tùy từng thể loại quy định.

1. Không gian xã hội thường ngày

Vũ Trọng Phụng là nhà văn-nhà báo tiêu biểu cho “khuynh hướng tả chân” đương thời. Ông yêu cầu “văn chương phải tả thực xã hội” và “tiểu thuyết là sự thực ở đời”. Quan niệm này cũng chính là phương châm để Vũ Trọng Phụng viết các thể loại khác, trong đó có phóng sự. Ngòi bút tả chân của ông rất đa dạng và linh hoạt; vừa trung thành với hiện thực nhưng phải vượt lên tầm khái quát để chúng trở thành một quan niệm nghệ thuật. Kiểu không gian cơ sở trong phóng sự Vũ Trọng Phụng là không gian xã hội thường ngày. Kiểu không gian này là chủ yếu, nhà văn lấy bối cảnh từ các không gian hiện thực được chứng kiến và kiểm nghiệm để tái hiện lại bức tranh đời sống mà ông quan tâm với tính khái quát, đa dạng và phức tạp của nó. Ở đó, con người và xã hội; con người và con người đều được đặt trong quan hệ tác động hỗ trợ để lý giải tính cách và vấn đề. Vì vậy, có khi một ngôi làng, một vùng quê, một địa điểm sinh hoạt hiện ra rộng lớn, giúp người đọc thấy được sự ảnh hưởng và tác động của môi trường đối với con người là quan trọng như thế nào. “Cạm bẫy người” và “Kỹ nghệ lấy Tây” là hai phóng sự xuất sắc, là cuộc “tổng điều tra”, ghi chép về cuộc sống đám me Tây quanh trại lính lê dương vùng Thị Cầu, Bắc Ninh và cái nghề lấy Tây đã trở thành kỹ nghệ của họ. Đó không phải là thiên phóng sự trong buồng (reportage en chambre) mà là sự trải nghiệm thực tế của Vũ Trọng Phụng suốt ba tháng trời cùng ăn, ở, thân thiết với họ để họ dạy và cung cấp những ngón nghề bí hiểm, “tham quan”, “thực tập” với họ để phanh phui những tệ nạn tận sào huyệt ra ánh sáng. Khả năng tổng hợp các kiểu không gian trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng còn thể hiện ở việc miêu tả mở và miêu tả hẹp các vùng không gian, tạo ra các bức tranh cận cảnh và viễn cảnh hấp dẫn. Bên cạnh các không gian liên tưởng rộng lớn, ta bỗng bắt gặp những không gian hẹp như căn phòng, chiếc giường hành nghề của các me Tây. Trong “Cơm thầy cơm cô”, ta thấy hiện lên những hạng người và không gian lem luốc ở hàng cơm: “Phía trong... chân tôi chưa bao giờ phải dẫm lên một lớp bùn quánh và nhớp nháp đến như thế. Đến chỗ mấy cái giường cách nhau mỗi giường một manh cót thì tôi không biết nên đặt lưng vào giường nào, vì giường nào cũng đã thấy đầy những người là người, nằm ngổn nằm ngang...”. Cả trong “Một huyện ăn Tết”, các kiểu không gian hẹp luôn xuất hiện nhưng vẫn giúp người đọc liên tưởng đến “hình ảnh thu nhỏ của một xã hội rộng lớn”, bởi vì nó hội tụ ở đấy đủ các hạng người từ kẻ dưới đáy xã hội đến những kẻ tai to, mặt lớn như quan huyện, cụ Bố, cụ Thượng, cụ Đồn... Trong “Cạm bẫy người”, đó là kẻ cầm đầu tổ chức cờ bạc bịp Thượng Ký, Ấm B đến kẻ lừa bịp chuyên nghiệp như Tham Ngọc, Bồi Vũ và những con bài máu me như bố Vân... Tất cả hiện lên dưới ngòi bút sắc sảo của Vũ Trọng Phụng tạo thành bức tranh xã hội vừa mang tính cụ thể vừa mang tính khái quát đầy phức tạp nhưng không kém phần đa dạng, giàu sắc thái kỳ quái, vô nghĩa lý qua cách nói năng, quan hệ và sự đảo lộn thuần phong mỹ tục của những con người đang từng ngày, từng giờ bị phá sản, đồi bại đạo đức và nhân cách. 

2. Không gian hòa quyện với thời gian và tâm lý

Như ta đã biết, không gian trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ là phạm trù đặc biệt để nhà văn thể hiện tư tưởng cũng như tính cách, quan niệm về con người. Do vậy, từ không gian cơ sở xã hội hằng ngày nói trên, nhà văn phải tạo ra các kiểu không gian phái sinh để tô đậm tính cách, dẫn dắt quá trình phát triển hành vi và tâm lý nhân vật một cách logic và khách quan. Trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng, ta bắt gặp kiểu không gian hòa quyện thời gian và tâm lý. Với kiểu không gian này, Vũ Trọng Phụng không tham gia bình luận trực tiếp mà nén mình để cho nhân vật tự bộc lộ.  

Trong các phóng sự của Vũ Trọng Phụng, nhân vật luôn được đặt trong trục không gian-thời gian và tâm lý thích hợp để bộc lộ tâm sự, tình cảm của mình. Thường là những cảnh đêm thanh khuya vắng, yên tĩnh đủ để nhân vật bộc lộ tâm tình, hành động. Bằng tài quan sát, phát hiện tinh tế và biết đặt không gian-thời gian và tâm lý trong từng thời điểm, trong từng tâm trạng mà nhân vật phóng sự Vũ Trọng Phụng nhiều lúc, nhiều nơi tưởng vô lý nhưng người đọc vẫn chấp nhận được do tính “vô nghĩa hợp lý” của chúng như kiểu bà Kiểm Lâm, bà Đội Tứ, bà Cai, bà Cẩm (“Kỹ nghệ lấy Tây”), như cậu Ấm B (“Cạm bẫy người”), như ông lục sự già (“Một huyện ăn Tết”)... Ở đây, không gian-thời gian và tâm lý có sự đồng lõa với nhau theo chiều hướng tha hóa, buông xuôi, cho nên phản ứng lây lan biến chất nhanh chóng ở nhân vật là điều dễ hiểu, có khi bất ngờ theo kiểu lắp ghép (montage) của điện ảnh và tiểu thuyết. Vũ Trọng Phụng rất thành công khi hướng ngòi bút của mình vào sự suy đồi và tha hóa của xã hội và con người, phù hợp với đặc trưng nghệ thuật thể loại phóng sự: Luôn đặt và đề xuất, mong muốn giải quyết những vấn đề cấp bách, nóng hổi nhất của đời sống.

Kiểu không gian-thời gian và tâm lý hòa quyện luôn đa dạng, giàu biến thái, tùy từng tâm trạng nhân vật. Ta thấy xuất hiện trong hầu hết các phóng sự của Vũ Trọng Phụng những mảng ký ức, hồi ức, hồi tưởng vui buồn, cả những giấc mơ, ám ảnh khác nhau của những nhân vật mà ông yêu quý, tạo thành nhiều chiều, nhiều tuyến thời gian, làm hiện lên từng không gian cụ thể. Cảnh Bồi Vũ trong “Cạm bẫy người” hồi tưởng về đoạn đời lừng lẫy trong hoàn cảnh của Ba Sống, Hai Tôm, Ấm B đã tạo ra những lát cắt xoay chiều từ hiện tại “ta hãy tưởng tượng đến cái thời Ba Sống, Hai Tôm...” đến quá khứ “vào thời ấy, Ba Sống và Hai Tôm là hai nhân vật quan trọng của xã hội...”, rồi quay về hiện tại qua tiếng kêu của mẹ Bồi Vũ “con ơi, con cắt thêm cho đẻ mấy miếng cao” đã làm cho Bồi Vũ thức nhận và bừng tỉnh lại ngay nơi mình đang tồn tại.

Vũ Trọng Phụng là nhà văn - nhà báo tài năng. Chỉ riêng lĩnh vực phóng sự, ông đã giúp phóng sự không đơn thuần mang tính báo chí và thông tấn mà bằng tài năng tổng hợp, bằng vốn sống dồi dào, bằng tài nghệ kiến trúc tác phẩm độc đáo và có tri thức nghề nghiệp cao, Vũ Trọng Phụng đã đưa thể loại phóng sự tới ngưỡng giới hạn nghệ thuật trở thành tiểu thuyết-phóng sự. Vì thế, phóng sự của Vũ Trọng Phụng cho đến thời điểm này vẫn đang giữ vị trí đỉnh cao mà nhiều nhà phóng sự hiện thời luôn học hỏi.

PGS. TS Hồ Thế Hà

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân

Tin nổi bật