Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt ký giả nước ngoài

Nhà xuất bản Le Monde vừa cho ra mắt bộ sách về những nhân vật đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc mình và tạo dựng nên diện mạo mới cho thế giới. Trong tháng 3 vừa qua, để kỷ niệm ngày sinh một vĩ nhân, Le Monde đã xuất bản cuốn "Hồ Chí Minh - nhân vật giành lại độc lập cho Việt Nam".

Bìa cuốn sách "Hồ Chí Minh - Nhân vật giành lại độc lập cho Việt Nam”. Ảnh: TTXVN

Theo ông Claude Pomonti - chủ biên của bộ sách trên, tiêu chí lựa chọn tuyến nhân vật trong bộ sách là các chính khách, những nhân vật tư duy và hành động, họ đã định hình thế giới chúng ta đang sống. Mỗi cuốn sách là một bức chân dung sống động và sắc thái của những nhân vật lớn trải qua những thăng trầm của thế kỉ XX. Ấn phẩm về chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng với sự góp công  của nhiều tác giả Pháp nổi tiếng như Jean-Claude Pomonti, các nhà sử học, nghiên cứu chuyên sâu gắn bó nhiều với Việt Nam như Pierre Brocheux, Jean Lacouture, Alain Ruscio, Philippe de Villiers. Mở đầu cuốn sách là bài viết "Hồ Chí Minh: người giải phóng dân tộc, người dẫn lối, một tượng đài" của tác giả Jean-Claude Pomonti, người đã có hơn 20 năm thường trú tại khu vực Đông Nam Á.

Các bài tiếp theo được tập hợp theo ba giai đoạn lịch sử chiến đấu chống xâm lược, xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo tài ba sáng tạo của Hồ Chí Minh. Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn sống đến ngày toàn thắng nhưng tư tưởng của Người về độc lập dân tộc và thống nhất đất nước vẫn luôn hiện hữu trong lòng mọi người dân Việt Nam. Trong con mắt của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, Người là hiện thân của tinh thần giải phóng dân tộc và độc lập tự do.

Việc Le Monde - tờ báo hàng đầu của Pháp và thế giới - xuất bản cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ tuyển tập về các nhân vật xuất sắc đã làm thay đổi thế giới trong thế kỉ XX cho thấy sự kính phục cũng như ngưỡng mộ mà thế giới dành cho nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đưa Việt Nam từ thân phận thuộc địa trở thành một nước độc lập, tự do, đồng thời cũng có những đóng góp to lớn vào phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Cũng trong dịp này người ta phát hiện một kỉ lục: Hồ Chí Minh là nhân vật mà tạp chí hàng đầu của Mĩ “Time” đã 5 lần đăng tải chân dung của Người ra bìa mỗi dịp Việt Nam có sự kiện lịch sử: Cách mạng tháng 8, Hòa bình lập lại, Thống nhất đất nước… Nhiều chính khách tổng thống chỉ xuất hiện 1 hoặc cùng lắm là 2 lần trên tờ tạp chí danh giá này, nhưng trong một bài viết, ban biên tập đã dành trọn năm trang nói về thân thế và sự nghiệp của Người cùng với việc Việt Nam chiến thắng Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tạp chí này nhấn mạnh: "Với thắng lợi (Điện Biên Phủ), uy tín của Hồ Chí Minh đã vươn tới đỉnh cao mới tại châu Á. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, lực lượng Việt Minh đã có được một đội quân chiến đấu trong rừng có hiệu quả nhất Đông Nam Á, có vị tướng tài ba nhất Đông Nam Á là Võ Nguyên Giáp, có một tổ chức chính trị vững chắc nhất do Hồ Chí Minh đứng đầu".

Tờ World daily cũng đã đăng liên tiếp cả chục số báo nhiều bài viết dưới tiêu đề Di sản của Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn viết: "Hồ Chí Minh không những tìm ra con đường đi tới tự do mà còn sáng lập và xây dựng công cụ lãnh đạo là chính đảng Mác-Lênin. ...Người đã trở thành biểu tượng Anh hùng và cách mạng trên toàn thế giới.

Ở châu Á,  Tờ Tiến lên của Sri Lanca nhận định: “Người (Hồ Chủ tịch) đã làm nên lịch sử hiện đại, là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại chúng ta. Sự lãnh đạo lâu dài và vẻ vang của Người trong cuộc đấu tranh giành tự do ở Việt Nam có ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn ảnh hưởng với quá trình phát triển các sự kiện toàn thế giới”. Bên cạnh đó, quyển tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Hindi, do ông Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết với Việt Nam bang Tây Bengan biên soạn, cũng vừa được xuất bản tại Ấn Độ.  

Nguyễn Đài Trang, một giáo sư người Việt trẻ, khoảng 40 tuổi đang giảng dạy tại khoa Khoa học Chính trị của Đại học Toronto (Canada), cũng vừa có buổi giới thiệu cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang tên "Hồ Chí Minh – Tâm và Tài của một nhà yêu nước". Sách trình bày nhận thức của tác giả về giá trị nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và qua quá trình nghiên cứu, tác giả đã nhận ra rằng chính sự say mê, sự thôi thúc và hoài bão của Người trong sự nghiệp giải phóng loài người cùng khổ trên thế giới là điều lôi cuốn tác giả nhất. Điều độc đáo nữa là ba năm sau, cuốn sách thứ hai cuốn“Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển” viết về Bác Hồ của tiến sĩ Nguyễn Đài Trang được xuất bản muốn khai thác vào khía cạnh nhân văn của Bác Hồ bởi vì muốn đi sâu vào các vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm như về vấn đề phát triển con người, xã hội và phát triển kinh tế, cũng như bảo vệ môi trường. Qua đó cũng muốn cho độc giả, thế giới phương Tây có một cái nhìn mới, một cái nhìn nhân văn về Bác Hồ.

Hồ Chí Minh - một trong những nhân vật đã làm nên lịch sử hiện đại, đã trở thành một cái tên được nhiều ký giả trên thế giới nhắc tới như thế.

Nguồn: Hoài Giang/hanoitv.vn

Tin nổi bật