Chàng phóng viên trẻ và hành trình đi đòi công lý cho cụ Lích

Nửa đầu năm 2016, trong câu chuyện hậu trường nghề báo của nhiều phóng viên phía Nam, có nhắc nhiều tới chuyện bà cụ Đàm Thị Lích ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng có 253m2 đất mà bị áp thuế tới 5,7 tỷ đồng, rồi xuống còn 0 đồng với sự vào cuộc của phóng viên Trần Trung Kiên, báo điện tử Dân trí. Chàng phóng viên sinh năm 1985 này ít chia sẻ về hành trình đi đòi công lý cho bà cụ Lích, nhưng khi vụ việc đã khép lại gần 01 năm, Trung Kiên nói rằng kể ra cũng là cách để nhắc nhở mình phải luôn nỗ lực, luôn cố gắng, cũng là để động viên mình và bạn bè, đồng nghiệp, những người đã yêu và nguyện gắn bó với nghề.

+ Trung Kiên học ngành Ngữ văn của ĐH KHXH&NV TP.HCM, cơ duyên nào đã đưa bạn đến với nghề báo?

– Nói ra sợ anh “chạy mất dép”, nhưng cũng là cơ duyên. Khi còn là sinh viên, tôi không nghĩ mình sẽ làm báo. Rồi một người anh cùng khoa giới thiệu cho làm cộng tác viên cho báo Dân trí, tôi đã thấy hứng thú. Bài báo đầu tiên được xuất bản, tôi đã đọc thuộc tới từng dấu phẩy. Thực sự hạnh phúc. Rồi sau đó được đi làm cùng đồng nghiệp, các anh chị đi trước, tôi mới thấy rõ rằng trong báo chí, tôi sẽ học hỏi và khám phá được rất nhiều điều, nhất là được tiếp cận, có cơ hội tường tận những vụ việc được dư luận quan tâm. Ban đầu viết còn non tay, anh em đã giúp tôi sửa tới sửa lui. Dần dà, tôi cũng trưởng thành hơn, niềm đam mê với nghề báo cũng vì thế mà lớn hơn từng ngày.

+ Năm 2016 có phải là năm rất đáng nhớ, khi cái tên Trung Kiên xuất hiện dày đặc trên báo Dân trí, với những tuyến bài được đánh giá cao, rất được dư luận quan tâm, ủng hộ. Có phải tuyến bài về bà cụ Lích khiến Kiên tâm đắc nhất?

– Đúng vậy, tuyến bài điều tra về vụ áp thuế oan 5,7 tỷ đồng đối với cụ bà Đàm Thị Lích (75 tuổi, người dân tộc Tày, tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) tôi đã dành trọn tâm huyết. Ở vụ việc này, mảnh đất có 253 m2 ở huyện mà bị áp thuế lên đến 5,7 tỷ đồng cho thấy có quá nhiều điểm bất thường. Tôi đã dằn vặt mình: Đằng sau đó, có hay không những “mưu đồ” đen tối? Và quan trọng hơn, phải làm gì, làm cách nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân? Sau đó tôi quyết định lên đường, ngược xuôi trong những chuyến xe đêm, vượt quãng đường hơn 300km từ TP.HCM ngược lên huyện Đức Trọng.

Cụ Lích và phóng viên Trung Kiên hạnh phúc khi cầm cuốn sổ đỏ.

Khi tìm được nhà cụ Lích, tôi không thể nào quên được hình ảnh một cụ bà lom khom, tóc bạc, vẻ mặt khắc khổ ngồi trên chiếc ghế cũ với đống hồ sơ, đơn cầu cứu nhàu nhĩ và tờ thông báo nộp thuế hơn 5,7 tỷ đồng. Cụ khóc khi kể về những ngày tháng đổ mồ hôi, nước mắt khai phá mảnh đất hoang hóa này để rồi giờ đây, nếu không có 5,7 tỉ đồng (và chắc chắn là không có bởi dẫu trong mơ, cụ cũng không đào đâu ra ngần ấy tiền) thì cụ trở thành kẻ vô gia cư, ra vệ đường để ở. Tôi đã lao vào tìm hiểu, và viết.

Quyết tâm đi đến cùng sự việc để đòi lại công lý cho cụ bà 75 tuổi, tôi đã được Ban biên tập cùng các đồng nghiệp hỗ trợ, phối hợp đăng tải hơn 50 kỳ báo điều tra, đưa sự việc ra trước công luận, mọi thông tin, phân tích trong bài viết đều khách quan, rõ ràng mà bất cứ bạn đọc, người dân nào nhìn vào cũng thấy sự bất thường và vô lý ở vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất này.

Sau gần 2 năm nỗ lực đấu tranh, câu chuyện đã chính thức khép lại: Ngày 3/6/2016, cụ Đàm Thị Lích chính thức được nhận cuốn sổ đỏ sau hàng chục năm gian nan khiếu nại, cầu cứu khắp nơi. Đó có phải là khoảnh khắc kỳ diệu hay không tôi không rõ, nhưng tất cả chúng tôi cùng với cụ đã vỡ òa hạnh phúc khóc cười…

+ Câu chuyện “có hậu” ấy là một trong những thành quả đáng tự hào nhất của những người làm báo Dân trí?

– Xin được nói cụ thể trong vụ việc của cụ Đàm Thị Lích, hành trình đi tìm chân lý cho cụ đã có một kết thúc như trong cổ tích: Người đúng đã nhận được sự công bằng, những ai tắc trách đã phải nhận hình thức kỷ luật. Song, phải thẳng thắn rằng, những nỗ lực của nhóm phóng viên chúng tôi có thể sẽ chẳng đi đến đâu nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và quyết tâm đi đến cùng sự việc của TBT Phạm Huy Hoàn cùng sự cộng tác hữu hiệu của luật sư Hồ Nguyên Lễ. Đặc biệt là sự nhiệt tình ủng hộ, đồng hành cùng chúng tôi đi tìm chân lý của hàng vạn, hàng triệu lượt độc giả báo Dân trí và báo Khuyến học Dân trí trong suốt 2 năm dài…

Thắng lợi của cụ Đàm Thị Lích không chỉ là thắng lợi của chân lý, hay là thành công của báo chí mà còn là minh chứng cho tinh thần vì dân, lắng nghe và giải quyết từ những việc nhỏ nhất để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ, của một Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính mà nhân dân đang tin tưởng, kỳ vọng.

+ Bạn nghĩ sao khi nhiều đồng nghiệp nhận xét: Trung Kiên đã thay đổi rất nhiều trong hai năm qua? Theo bạn thì trách nhiệm của người làm báo biểu hiện cụ thể thế nào?

Tôi đã được học, đã rút ra được rất nhiều điều, nhưng cơ bản nhất, hai năm ấy cho tôi nhiều niềm vui khi sống trọn vẹn với nghề, được thể hiện trách nhiệm của người làm báo, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người dân, lên án cái sai, cái xấu… Tôi tin rằng, mọi sự việc đều có thể có cái kết có hậu, nếu những người làm báo chúng ta luôn nỗ lực, trách nhiệm và đi đúng đường.

Còn về trách nhiệm của người làm báo thì theo tôi cần trung thực, phản ánh sự việc khách quan nhất, và hãy luôn coi công việc mình làm là sứ mệnh được giao phó.

+ Xin cảm ơn chia sẻ của Trung Kiên.

Sau loạt bài về vụ áp thuế 5,7 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã quyết định tặng thưởng Bằng khen cho nhóm phóng viên báo Dân trí, gồm nhà báo Lý Thị Toàn Thắng, nhà báo Nguyễn Anh Thế và Phóng viên Trần Trung Kiên.

Nguồn: Kiên Giang (Thực hiện)/congluan.vn

Tin nổi bật