Báo chí đang tự giết mình - hại người

Truyền thông Việt Nam đang bị “nhiễm độc”?; Người làm báo cần phải ứng xử với tin đồn ra sao?; Tiêu chuẩn đạo đức nghề báo cần những gì… là các vấn đề ngày càng nóng của truyền thông Việt Nam hiện đại. Không ít cuộc Hội thảo nghiệp vụ đã đặt những vấn đề này lên bàn để tranh luận. Nhưng, khi sức ép về sự cạnh tranh thông tin ngày càng khắc nghiệt, khi gánh nặng “cơm áo” không từ một ai thì câu chuyện làm báo theo tin đồn dường như không còn xa lạ với nhiều tờ báo mạng, nhiều nhà báo mạng. Và nguy cơ truyền thông đang hại người, giết mình là câu chuyện nhãn tiền nếu mỗi nhà báo không tự trang bị cho mình những bộ lọc thông tin chuẩn mực!

Mạng xã hội - sức mạnh và nguy cơ

Cũng như nhiều quốc gia khác, hiện nay, việc thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam cũng mang đến nhiều điểm lợi và bất lợi. Việc ứng dụng các phương tiện truyền thông mới, trên nền tảng công nghệ mới, trong các ngành truyền hình, phát thanh, báo mạng, báo in là luồng gió mới của đời sống báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, những nguy cơ và bất lợi cũng thấy rõ từ sự xâm nhập của các phương tiện truyền thông mới. Những biến loạn trong đời sống chính trị - xã hội do tác động của các phương tiện truyền thông mới, không còn là những cảnh báo xa vời, mà đã là những sự thực nhãn tiền.

Theo nhà báo Hữu Thọ, viễn thông ngày càng phát triển, thông tin hiện thời được truyền đi rất nhanh và nhiều. Những tiện ích đó giúp phóng viên có thể tác nghiệp nhanh, song lại khiến những bài viết trở nên khô khan, thiếu sinh động, thiếu tình tiết “kim cương” - tình tiết mang tính chất định hướng cho cả bài viết. 

Rất nhiều nhà báo hiện thời lấy thông tin qua mạng xã hội, phỏng vấn nhân vật qua chat. Sự nhanh nhạy này cũng rất tốt, song cũng có nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu của những lỗi này là một số người làm báo đã quá tin vào nguồn mạng xã hội. Trong khi đó, tin trên mạng xã hội là nguồn tin chưa được kiểm chứng. Nếu phóng viên không kiểm chứng, việc sai sót tất yếu sẽ xảy ra. 

Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ: “Đối với người làm báo trẻ thì lòng tin là điều rất quan trọng, nhưng trong niềm tin phải có hoài nghi khoa học, có hoài nghi khoa học thì mới có sáng tạo. Những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các mạng xã hội rất nguy hiểm. Nó xô đẩy lòng tin chính trị, mà đây là bản lĩnh cơ bản của mỗi người làm báo cách mạng. Cho nên bao giờ sử dụng nguồn tin cũng phải có chọn lựa, phải có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp - các yếu tố được sinh ra từ những trải nghiệm xã hội của chúng ta”.

Ngăn ngừa tác hại của tin đồn

Việt Nam có hệ thống thông tin truyền thông đại chúng khá hùng mạnh với trên 700 tờ báo, tạp chí đủ loại, bên cạnh đó là hệ thống truyền thanh, truyền hình và cả đội ngũ đông đảo các tuyên truyền viên và tư vấn viên ở trên khắp 63 tỉnh, thành cả nước. Nhiều cơ quan báo chí đã củng cố uy tín trong lòng công chúng, có doanh thu cao, nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Nhiều tác phẩm báo chí có tác động xã hội, có tính lan tỏa, biểu dương người tốt, việc tốt, đấu tranh chống cái xấu, cái ác, có giá trị định hướng cao.

Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, trận chiến thông tin vẫn còn đầy bất cập và bất trắc, tin đồn thất thiệt, dụng ý xấu vẫn thản nhiên tồn tại, tác oai, tác quái với đời sống cộng đồng. Rõ ràng đang tồn tại những lỗ hổng và bất cập nào đó trong quản lý nhà nước dung dưỡng và nương tay với các tin đồn thất thiệt đó… Đặc biệt, vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin đồn thất thiệt, dụng ý xấu chưa được phát huy mạnh mẽ. Thậm chí, không ít trường hợp, do sơ suất vô tình hay cố ý, một số cơ quan báo chí, đặc biệt là báo mạng điện tử đã xử lý thông tin không tốt, chưa làm tròn trách nhiệm định hướng dư luận xã hội, mà còn làm phát tán tin đồn, đưa tin đồn lan xa hơn, “chính danh hóa” những thông tin không rõ nguồn gốc. Những sai sót đó khiến thiệt hại do tin đồn gây ra còn lớn hơn nhiều lần, đồng thời hạ thấp vai trò và uy tín của giới báo chí trong con mắt của công chúng và xã hội, làm tổn thương lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính. Tình trạng đó cần được đánh giá đúng mức, có phương thức xử lý nghiêm túc và hữu hiệu, góp phần ổn định tâm lý xã hội đồng thời trả lại cho báo chí vai trò định hướng dư luận xã hội đúng đắn, cũng như niềm tin vững chắc từ công chúng.

Thực tế, cơ chế quản lý báo chí hiện nay đang khiến không ít cơ quan báo chí lúng túng trong định hướng phát triển. Bài toán kinh tế thị trường, tự thu, tự chi đã đặt sức ép tài chính lên các ban biên tập khá nặng nề. Các khoản thuế còn khá cao, chính sách ưu đãi báo chí chưa thật thỏa đáng, đời sống người làm báo có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đi kèm với nó là sự sa sút của một số loại hình báo chí truyền thông như báo in trên phạm vi toàn thế giới càng khiến cho báo chí gặp khó khăn trong bài toán cân đối nguồn thu. Đó là một thách thức thật sự khiến thông tin trên báo nhiều khi chưa thật được chắt lọc, kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là ở chỗ, nhận thức của một số cơ quan báo chí và cá nhân nhà báo, đặc biệt là lãnh đạo một vài cơ quan báo chí chưa thật đầy đủ về chức năng, vai trò và sứ mệnh xã hội của báo chí. Chưa kể, không ít lãnh đạo cơ quan báo chí được điều chuyển từ lĩnh vực khác sang, chưa có nghề, chỉ coi báo chí là hoạt động kinh tế thuần túy, hoặc ép cứng nó như một cơ quan tuyên truyền hoạt động theo ngân sách cấp phát. Cả hai xu hướng đó đều là sai lệch, khiến báo chí kém sinh động và bản sắc, không làm tốt chức năng định hướng dư luận xã hội.

Tin đồn như đã phân tích ở trên là một hiện tượng xã hội bình thường. Không thể loại bỏ hoàn toàn tin đồn ra khỏi đời sống xã hội, nhưng báo chí và các phương tiện truyền thông khác phải có trách nhiệm phân tích, định hướng, kịp thời ngăn ngừa những tác hại xấu, những tác động tiêu cực của tin đồn với đời sống xã làm tốt chức năng của mình, thì những tin đồn thất thiệt, có dụng ý xấu càng khó có đất tồn tại. Chỉ khi công chúng tin vào báo chí, tìm đọc thông tin trên báo chí để tự định hướng và miễn dịch với thông tin ngoài luồng, không nguồn gốc, thì khi ấy, tin đồn dù có tai ác đến đâu cũng không thể thâm nhập và gây hại cho đời sống cộng đồng.

Cần sự tỉnh táo của nhà báo

Thực tế cho thấy, việc đăng tải những thông tin theo hướng tích cực sẽ rất tốt để công chúng biết cách phòng tránh. Tuy nhiên, không ít tin đồn “chễm chệ” trên các trang mạng, thậm chí xuất hiện trên vài tờ báo chính thống (đưa tin theo kiểu giật gân, câu khách) chưa được kiểm chứng thực hư. Điều đó, không những tác động trực tiếp đến tâm lý của công chúng, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, chính trị, uy tín và danh dự của tổ chức, cá nhân nào đó, thậm chí dẫn đến bất ổn xã hội.

Vấn đề nhà báo sử dụng tin đồn trên mạng để “chính thống hóa” bài báo của mình không chỉ xảy ra ở Mỹ hay Việt Nam, mà xuất hiện nhiều ở các nước trên thế giới. Tại Trung Quốc, quốc gia được coi là một trong những nước có người sử dụng mạng Internet nhiều nhất thế giới cũng không ít lần bị điêu đứng bởi những tin đồn thất thiệt trên mạng, sau đó báo chí chính thống vào cuộc và đưa tin, gây hoang mang dư luận xã hội, thậm chí ảnh hưởng không tốt đến tình hình chính trị, an ninh của quốc gia. Nếu nhà báo không có sự sàng lọc, kiểm chứng nguồn tin để tin đồn “tung hoành” trên báo chí, vô hình trung vai trò và uy tín của báo giới trong mắt của công chúng bị hạ thấp, lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính bị tổn thương nặng nề.

 N.Huy

Nguồn: congluan.vn

Tin nổi bật