Báo chí cần gắn kết với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4

(ICTPress) - “Các thế hệ làm báo tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống, gắn kết với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 để tạo dựng, đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam thành nền báo chí hiện đại, cách mạng nhưng vẫn đầy bản sắc dân tộc”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh nhận định này tại Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền diễn ra sáng nay, 10/6/2017, tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tặng lẵng hoa chúc mừng Khoa Báo chí nhân kỷ niệm 55 năm

Ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của Khoa Báo chí, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá cao việc Học viện Báo chí và Tuyên truyền có tiền thân là trường Tuyên huấn Trung ương đã đào tạo lớp lớp đội ngũ báo chí gồm các nhà báo bậc thầy và những người làm báo trong tương lai.

Khoa Báo chí được thành lập ngày 16/1/1962 cùng với sự ra đời của Trường Đại học Tuyên giáo, tiền thân của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trải qua 55 năm, các thế hệ thầy - trò Khoa Báo chí cùng với toàn thể Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cung cấp cho hệ thống chính trị hơn 13.000 cán bộ báo chí – truyền thông.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng lưu ý: “Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ nhà báo được cấp thẻ là 18.600 người, nhưng xét ở khía cạnh khác, dân số Việt Nam có 92 triệu người thì 48 triệu người làm báo, đấy là 48 triệu người dùng mạng xã hội Facebook.

Gần như người nào dùng Facebook cũng đều trở thành người làm báo. Mỗi tài khoản Facebook là 1 “tòa soạn”, và mỗi người dùng Fcebook đều trở thành một nhà báo công dân, họ tự do bình luận, tự do viết, tự do nói ở “tòa soạn” của mình. Báo chí chính thống phải làm thế nào định hướng đúng, định hướng được khi 48 triệu người làm báo như vậy, đây là điều hết sức khó”.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, báo chí trong thời đại mới gắn rất chặt với truyền thông số, nhất là trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, nếu tụt hậu, không tiến kịp thì báo chí sẽ đi sau mạng xã hội, nguy cơ tụt hậu với mạng xã hội là hiện hữu đối với báo chí.

“Lâu nay chỉ nói báo giấy sẽ dần dần chết đi, thay vào đó là báo hình, báo nói, báo điện tử. Nhưng rồi cả báo hình, báo nói, báo điện tử rồi cũng sẽ bị mạng xã hội tấn công. Hiện đã có 4G, nhưng khi 5G xuất hiện, mọi sự sẽ còn thay đổi lớn lao. Liệu người ta có xem báo, nghe đài như hiện nay không. Đây là vấn đề những người làm quản lý nhà nước về báo chí đang đặt ra.

Bộ trưởng mong muốn và hy vọng: “Các thế hệ làm báo tiếp bước cha anh, phát huy truyền thống, gắn kết với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 để tạo dựng, đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam thành nền báo chí hiện đại, cách mạng nhưng vẫn đầy bản sắc dân tộc”.

Điểm lại chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, PGS. TS. Nguyễn Văn Dững, Trưởng Khoa Báo chí cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đào tạo báo chí - truyền thông trong kỷ nguyên số.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Khoa Báo chí là đơn vị đưa vào chương trình đào tạo đại học môn học Lý thuyết truyền thông sớm nhất toàn quốc – từ năm 1999, chỉ 2 năm sau khi Việt Nam tham gia mạng Internet toàn cầu.

“Khoảng hơn một thập niên trở lại đây, môi trường truyền thông có những chuyển động nhanh quá sức tưởng tượng. Kỹ thuật và công nghệ truyền thông số - nền tảng tạo ra mọi chuyển động đã và đang làm thay đổi về mọi mặt và đòi hỏi báo chí phải thay đổi. Môi trường truyền thông công nghệ số đã tạo ra khả năng siêu kết nối trên phạm vi rộng lớn, đang tại ra nền báo chí kết nối mà ở đó mỗi tòa soạn báo chí cần phải là một trung tâm kết nối xã hội, mỗi nhà báo phải là mỗi nhà kết nối”, Trưởng Khoa Báo chí đề xuất một số gợi ý về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông trong môi trường truyền thông số.

Theo đó, Trưởng Khoa Nguyễn Văn Dững cho rằng cần thay đổi quan niệm từ đào tạo người viết báo thành đào tạo người vừa viết báo tốt vừa biết làm báo - có ý tưởng và biết tổ chức, kết nối nguồn lực xã hội.

Khoa Báo chí cần trở thành trung tâm tập huấn, đào tạo lại nguồn nhân lực báo chí - truyền thông theo các tiêu chuẩn chức danh tòa soạn, theo nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu tư vấn, kiến tạo và triển khai các chiến dịch và kế hoạch báo chí - truyền thông.

BM

Tin nổi bật