Ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc đến giới trẻ Việt Nam qua kênh Báo Điện Tử

Vài năm trở lại đây, chúng ta đã và đang chứng kiến sự lan tỏa vô cùng mạnh mẽ và sâu rộng của làn sóng “Hàn Quốc hóa” mà thuật ngữ được sử dụng để miêu tả là “Hallyu” hay còn gọi là “Hàn lưu” đến giới trẻ Việt Nam.

Bắt đầu từ những bộ phim truyền hình ăn khách, làn sóng Hàn Quốc đã lan tỏa đến mọi lĩnh vực trong đời sống, từ thời trang, âm nhạc, điện ảnh đến ẩm thực, ngôn ngữ… và sau đó là ăn sâu bén rễ vào nếp nghĩ, lối sống của đông đảo bạn trẻ Việt. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, việc tiếp thu ảnh hưởng của các nền văn hóa tiên tiến trên thế giới là xu thế tất yếu, tuy nhiên, việc tiếp thu ồ ạt không chọn lọc của một bộ phận giới trẻ thiếu sự định hướng đúng đắn dẫn đến những hiện tượng cuồng nhiệt thái quá, phản cảm lại là vấn đề cần được xem xét nghiêm túc.

Báo điện tử - loại hình truyền thông của tương lai đang ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong việc truyền bá thông tin, định hướng tiếp nhận cho người đọc. Câu hỏi đặt ra là, báo điện tử đã làm tốt vai trò định hướng thông tin cho người đọc trẻ hay chưa? Làm thế nào để việc “nhập khẩu” và giao lưu văn hóa thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại không trở thành vấn nạn khi mà một bộ phận không nhỏ giới trẻ còn thiếu phông nền tri thức văn hóa nhất định trong tiếp nhận?

Truyền bá văn hóa Hàn đến giới trẻ Việt Nam qua phương tiện BĐT

Cùng với những lợi thế riêng có về mặt loại hình, báo điện tử là phương tiện cung cấp thông tin nhanh chóng, được giới trẻ đặc biệt ưu ái. Có thể coi báo điện tử hiện nay là sự tích hợp của cả báo giấy, báo tiếng và báo hình. Truy cập một trang báo điện tử, các bạn trẻ không chỉ được cập nhật tin tức về Hàn Quốc dưới dạng chữ viết mà còn có thể nghe rất nhiều kênh phát thanh và xem truyền hình ngay trên website đó.

Những người hâm mộ từ Thái Lan qua Việt Nam xem Super Junior (ban nhạc của Hàn Quốc) biểu diễn - Ảnh: T.T.D (Báo Tuổi Trẻ)

Nắm bắt đúng thị hiếu đó, số lượng các trang báo mạng phát triển với tốc độ “như nấm sau mưa” mang tới tin tức nóng hổi về điện ảnh, thời trang, âm nhạc, ẩm thực Hàn Quốc… Một số trang còn dành riêng một chuyên mục kiểu “sao Hàn” để thỏa mãn trí tò mò của các fan. Chuyên trang giải trí của hầu hết các trang báo điện tử đều dành “đất” khá rộng rãi cho các bài viết về xứ kim chi, đặc biệt là về hậu trường các bộ phim và âm nhạc với nội dung phong phú, hình ảnh sống động, bắt mắt... Điều này lý giải tại sao văn hóa Hàn Quốc có thể nhanh chóng lan tỏa và “bám rễ” trong cộng đồng người Việt trẻ nhanh đến vậy.

Không thể phủ nhận, văn hóa Hàn Quốc đang thổi một làn gió mới, tươi mát và dễ chịu vào nhiều lĩnh vực đời sống người Việt, đặc biệt là người Việt trẻ, giúp chủ động hơn trong việc thỏa mãn sở thích và mở mang vốn hiểu biết của mình về văn hóa xứ kim chi.

Bên cạnh đó, sự tương đồng với Việt Nam về văn hóa ứng xử trọng tình nghĩa, kính trên nhường dưới, coi trọng cảm xúc, lối sống tiết kiệm, giản dị... giúp các tín đồ của văn hóa xứ kim chi có một sân chơi, một không gian giao lưu, kết nối giữa những người trẻ cùng sở thích.

Tuy nhiên, bên cạnh đó “làn sóng” Hàn Quốc đang để lại những tác động không mong muốn tới một bộ phận giới trẻ mà báo điện tử chính là một trong những công cụ lan truyền tích cực nhất trong một thế gới phảng như hiện nay.

Thứ nhất, việc đăng tải các thông tin về Hàn Quốc với mật độ và cường độ lớn trên các trang báo mạng vô hình chung làm lu mờ các giá trị văn hóa Việt, tạo nên mất cân đối của văn hóa Việt trong sự tương quan qua lại với văn hóa Hàn, khiến một bộ phận giới trẻ xao nhãng những giá trị văn hóa truyền thống nước nhà.           

Giới trẻ ngày nay đua nhau xem phim truyền hình Hàn Quốc, tìm mọi cách để có được tấm vé xem thần tượng biểu diễn, thuộc lòng lai lịch, sở thích, phong cách thời trang của những Song Hye Kyo, Goo Hye Sun, Kim So Eun, Kara, Yoon A, BOA, SNSD… và cuồng nhiệt đến mê muội khi cổ vũ thần tượng âm nhạc của mình. Trong khi đó, trên nhiều diễn đàn, âm nhạc Việt Nam, điện ảnh Việt Nam bị chê bai nhạt nhẽo, đơn điệu, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Chưa nói đến việc đánh giá các giá trị văn hóa của hai dân tộc, chỉ tính riêng việc liên tục cổ xúy cho cái mới, cái “nóng” của phim Hàn, sao Hàn, thời trang ẩm thực Hàn cũng đủ cho thấy sự “xâm thực” của văn hóa Hàn nói riêng và văn hóa ngoại nói chung trong một bộ phận giới trẻ đang diễn ra theo chiều hướng đáng lo ngại tới mức nào.

Thứ hai, với mật độ quá đậm đặc các bài báo ca ngợi hình tượng người yêu lý tưởng kiểu Hàn Quốc, vẻ đẹp lý tưởng kiểu Hàn Quốc, báo điện tử vô tình góp phần mang đến quan niệm về tình yêu và thẩm mỹ sai lệch cho một bộ phận giới trẻ.

Hàng loạt các tít bài giật gân, câu khách kiểu: Những hợp đồng hôn nhân gây sốt màn ảnh; Rung động với lời yêu trong phim Hàn; Thời trang đôi cực đẹp của diễn viên “Những người thừa kế”; Những sao Hàn mặc đồ xuyên thấu tinh tế; Sao Hàn dũng cảm thừa nhận dao kéo; Body đẹp từng centimet của mỹ nam Hàn; Top mỹ nam Hàn “gây sốt” với gái Việt… được tung lên mạng liên tục trong một khoảng thời gian ngắn đã khiến không ít bạn trẻ ngộ nhận về chuẩn mực của tình yêu và vẻ đẹp.

Thứ ba, báo điện tử đang trong tình trạng đưa thông tin một chiều về văn hóa Hàn Quốc, thừa thông tin vô bổ nhưng thiếu những thông tin định hướng nhận thức thẩm mỹ lành mạnh, từ đó gián tiếp gây ra những trào lưu kệch cỡm, phản cảm trong một bộ phận giới trẻ.

Tràn lan trên các trang báo điện tử là các bài viết về các ngôi sao điện ảnh, âm nhạc Hàn, đa phần là cung cấp thông tin về đời tư, phong cách ăn mặc, làm đẹp... Tình trạng này vô hình chung đã dẫn tới định hướng nhận thức thẩm mỹ lệch lạc cho một bộ phận giới trẻ. Sự bắt chước máy móc và không phù hợp đã tạo nên kiểu trào lưu “cuồng thần tượng”, trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho giống thần tượng khiến nhiều bạn trẻ trở nên biến dạng, quái dị. Thậm chí, bị ảnh hưởng bởi phim Hàn nhiều bạn trẻ rủ nhau sống thử, buông thả cũng là điều đáng để những người làm báo chúng ta phải suy nghĩ.

Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả tiếp nhận của giới trẻ

Để nâng cao hiệu quả tiếp nhận của bạn đọc trẻ trong vấn đề văn hóa Hàn Quốc nói riêng cũng như mọi đối tượng thông tin nói chung, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

Quản lý tốt việc tuyên truyền “nhập khẩu” văn hóa Hàn Quốc qua các kênh thông tin, đặc biệt là báo điện tử. Ban biên tập cần có qui định, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, số lượng tin bài, không nên chạy theo doanh số, lợi nhuận mà xao nhãng quản lý. Các cơ quan quản lý báo chí cần định kỳ rà soát những trang thông tin điện tử chưa được cấp phép hoặc hoạt động sai tôn chỉ mục đích, có chế tài xử phạt nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm.

Tăng cường tin bài mang tính định hướng giáo dục nâng cao nhận thức cho giới trẻ về văn hóa truyền thống, bồi đắp niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, quý trọng văn hóa nước nhà trong thế hệ trẻ. Cung cấp thông tin đa chiều về một vấn đề, một hiện tượng văn hóa để các bạn trẻ có thể tự chọn lựa, từ đó hạn chế sự tiếp nhận cực đoan, một chiều, lệch lạc.

Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm Hàn Quốc để chủ động giới thiệu văn hóa Việt với thế giới bằng con đường truyền bá văn hóa. Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng lộ trình để quảng bá về hình ảnh đất nước, con người và văn hóa thông qua các thế mạnh về ẩm thực, thời trang, du lịch...

Có thể nói, báo điện tử chính là phương tiện quan trọng kết nối văn hóa Hàn đến giới trẻ Việt. Tuy nhiên, để báo điện tử thực sự trở thành kênh truyền thông của tương lai trong việc cung cấp thông tin, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người đọc trẻ, cần rất sự chung tay góp sức của các nhà quản lý hoạt động báo chí, những nhà báo giàu kinh nghiệm… và đặc biệt là sự tự nhận thức của lớp công chúng.

(*) Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 ---------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cát Khuê (2012), “Văn hóa Hàn - “quyền lực mềm” và mối lo”

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/498926/van-hoa-han--quyen-luc-mem-va-moi-lo.html

2. Hà Thanh Vân (2012), “Sự tiếp nhận văn hóa HQ của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay - những điểm nhìn từ một cuộc khảo sát xã hội học văn hóa”.

http://www.hanquochoc.edu.vn/

3. Nguyễn Thị Trường Giang (2014), Báo mạng điện tử - Những vấn đề cơ bản, NXB Chính trị Quốc Gia.

4. Phan Thị Thu Hiền (2008). “Sức hấp dẫn nữ tính của Hàn lưu (làn sóng văn hóa HQ) ở Đông Nam Á”. Báo cáo tại Hội thảo khoa học Quốc tế HQ học ở Đông Nam Á, tổ chức tại ĐHTH Chulalongkorn, Bangkok, Thailand, tháng 10.2008.

5. Phạm Thị Thùy Linh (2013), “Văn hóa BĐT hiện nay và việc nâng cao tính định hướng của BĐT đối với giới trẻ”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, tháng 09.2013..

  ThS. Phạm Thùy Linh (*)

Nguồn: nguoilambao.vn

Tin nổi bật